Dưỡng tính thiện trong mùa hè tu tập

ANTĐ - Các dịp hè gần đây, nhiều bạn trẻ chọn vào chùa đọc kinh sám hối, làm công quả, hiểu nôm na là tham gia các khóa tu tập. Tại đây, người tu tập không chỉ hiểu thế nào là lao tác (bổ củi, nhặt lá, tưới cây...), mà còn ít nhiều giác ngộ tính thiện.

Nam thanh nữ tú kính cẩn cửa thiền

9h sáng một ngày đầu tháng 6 Tây...

Tại nhà cư sĩ thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, thầy tri khách ghé thông báo hôm nay “có thêm đoàn”. Thanh, một cư sĩ 25 tuổi với thâm niên gần 1 năm ở thiền viện hiểu ngay sẽ có rất nhiều bạn trẻ nữa ghé chùa. “Các bạn này sẽ ở một tuần, nhờ các anh dọn vệ sinh phòng, quét sân”, thầy tri khách nói. 

Nhà cư sĩ là một phòng ngủ tập thể sàn trải thảm, các bạn trẻ đến tập tu sẽ trải chiếu nằm trên thảm. Một phòng cư sĩ chứa khoảng trên 60 người. Bên nam gọi là “nhà tăng”. Bên nữ gọi là “nhà ni”. Tất nhiên, nhà tăng và nhà ni cách nhau vài quả đồi trong thiền viện.

Đoàn đầu tiên Thanh tiếp lấy tên chùa là Pháp Loa, sư huynh dẫn đầu là Đinh Phú Quyết, pháp danh Chánh Huệ Định. Đứa tóc đen, đứa tóc vàng. Đứa xăm mình. Đứa đeo khuyên tai… Nhìn qua, tưởng chúng lên núi để du lịch chứ chẳng có vẻ gì đi tu cả. Nhưng không phải. Sau một hồi lục tung tìm quần tăng, áo pháp, đoàn Pháp Loa đã chọn cho mình những bộ quần áo phù hợp kích cỡ. Mặc đồ chùa, ai trông cũng lành hiền.

Dưỡng tính thiện trong mùa hè tu tập ảnh 2Bạn trẻ sảng khoái sau một ngày lao tác 

Không giống Quyết, đoàn của Đức “hot boy” lại lên đây cả nhà, bao gồm chú, cháu, anh, em. “Áp tải” họ lên chùa là chiếc Fortune 7 chỗ với đầy đủ mì chay, sữa hộp, trái cây, thuốc lá 555 (đã bị thu ngay lập tức). Thanh kể hôm bữa có một “dân chơi”, hút thuốc lá trộm bị thầy bắt gặp buổi đêm. Đến sáng sau, thọ trai xong bữa sáng thầy mới ôn tồn cho…  xuống núi.

Có “hot boy” thì cũng có “hot girl”. Các “hot girl” ngày đầu mới lên chùa còn phấn son, áo váy, chỉ lát sau đã khác. iPhone, iPad bị thu, cất trong tủ sắt nhà tri khách, các “ni” chưa đầy đôi tám mặc áo pháp chui vào bếp, nhặt rau, cắt đậu phụ…  Ở đây người tập tu phải dọn cơm chùa, một bữa từ 30 - 40 mâm. Những đôi tay vốn không quen việc nhà vụng về múc tương chao mè lứt.

Trợ duyên thầy, sáng bạn tốt 

4h sáng một ngày như bao ngày… 

Tăng ni, sửu nhi bị đánh thức bởi những tiếng chuông, tiếng kẻng từ chánh điện xa vắng. Đèn  phòng bật sáng. Quạt trần tắt rụp. Thầy tri khách lăm lăm trên tay thiền trượng (dùng đuổi con ma ngủ), ai dậy muộn, ăn vụt liền.

Cả nhà tăng nhốn nháo chuẩn bị cơm sáng, đánh trâu đi cày. Có 15 phút để chuẩn bị (đánh răng rửa mặt, chỉnh sửa áo quần). Cả đoàn xếp hàng bước ra Đại Hùng Bảo Điện ngồi thiền.

Dưỡng tính thiện trong mùa hè tu tập ảnh 3Sinh hoạt tập thể trước giờ xuống bếp phụ chùa

Lúc này đúng 4h30 

“Đi tu khổ thật”, một “hot boy” than: “Huynh biết không, đi, phải đi bằng những bước chân an lạc. Có nghĩa hai bàn chân phải chạm thư thái xuống đất, chạm trọn vẹn cả bàn chân, hai tay không được khua, vai không được lắc... Mình lớn, làm đã khó khăn. Vậy mà bọn trẻ con nó làm theo tài thật”.

Theo Đại đức Thích Tỉnh Thuần, trụ trì thiền viện, tập tu không chỉ là hướng dẫn các em những phép căn bản như xưng hô, lễ lạy: “Quý thầy giảng giải cho các em những bài học đơn giản nhất, về nhân cách, đạo hiếu, nhân quả, để nuôi dưỡng tâm hồn…”.

5h đúng. Thiền sáng xong. Đoàn chắp tay bước đi an lạc ba vòng quanh chánh điện, miệng tụng Phật, như vậy gọi là hành thiền. Lúc này, trời bắt đầu sáng. Cả đoàn phải trở về nhà tăng – ni, chuẩn bị bữa sáng lúc 6h tại trai đường…

Dưỡng tính thiện trong mùa hè tu tập ảnh 4Bê, thành viên bé tuổi nhất lao tác nhặt lá cây

Ngọ, 15 tuổi, một cư sĩ đúng nghĩa với nụ cười tỏa nắng, đã ở chùa cả tháng nay. Ở nhà chơi game, nghịch ngợm, Ngọ được bố mẹ gửi lên chùa hết hè. Còn nhỏ, xa gia đình, một mình ở chùa với quý thầy quý cô, Ngọ được dạy bảo nhiều điều hay lẽ phải, Phật pháp ngộ cũng nhiều.

Tỷ như, thấy mấy ni đi ngang bỡn cợt, chưa được oai nghi Phật tử, Ngọ tụng: “Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai/Mắt liếc mày đưa đam mê sắc dục” hay như “Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật/ Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành…”.

Hay như hôm bữa, buổi tối, hai cháu gái của Đức tìm xuống chú ở nhà tăng để xin sữa hộp. Tiện thể ngồi ghế đá, thấy trai gái ngồi cạnh nhau, bàn chuyện thế gian, Ngọ bình: “Vài ba bạn rượu, dăm bảy khách chơi/Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích”.

Những chuyện đại thể như thế, diễn ra trong chùa rất nhiều, thường xuyên. Không phê bình, không mạt sát, nhưng nghe thấy ngộ, thấy ngấm. Tính tình nhiều người cũng tự dưng thay đổi, hòa nhập.

Theo thời khóa tu, từ 7-11h là thời gian lao tác. Cơm trưa, nghỉ trưa xong, lại lao tác từ 14-17h. Từ 18h-19h tụng kinh sám hối. Từ 19h30-21h thiền. Sau đó xả thiền 30 phút. Đúng 22h tắt đèn đi ngủ…

“Nguyện cho thí chủ ruộng phước thêm nhiều…”

Trai đường, 6h sáng. 

Hôm nay, chùa cho ăn… bánh cuốn. Món ăn “đời” nhất trong chuỗi ngày liên tục đậu phụ, rau luộc, rau xào dầu mè, canh bún củ quả… Thấy, đã nuốt nước bọt ừng ực.

Nhưng chưa được ăn. Tăng phòng còn phải qua nghi lễ thọ trai, cầm bát cơm lên ngang ngực, có đoạn ngang mặt, trẻ con lớn bé đều phải tụng kinh, phải ngấm. Từ Tăng xướng, đến Tam đề, đến Năm pháp quán, rồi Phục nguyện.

Đức “hot boy” nhớ nhất đoạn này: “Cơm ngày hai bữa, thường nhớ công khó khổ của kẻ nông phu/Thân mặc ba y, hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt/Nguyện cho thí chủ ruộng phước thêm nhiều đạo tâm thêm lớn…”

Trai đường bỗng dưng im bặt, có ai đó mắt đã đỏ hoe…Thèm một miếng ăn, có khi nào ta nhớ hạt lúa người nông dân như thế này. Phật dạy sống phải trước sau, nhân quả như vậy, lẽ nào ta không hồi hướng?

Buổi sáng hôm ấy, thấy mẹ của Vương hớt hải lên thăm. Tối qua, Vương bị bạn chọc ghẹo, đánh lại bạn, thầy gọi gia đình đưa Vương xuống núi. Mẹ lên, thương con quá, kêu bạn ra tìm hiểu xem sao lại đánh nhau. Mẹ đứng ra giảng hòa. Thầy thấy sám hối, đồng ý cho ở lại, dặn rằng con trẻ bớt nghịch ngợm.

Chị Ng., một phụ huynh gửi con lên chùa, chia tay xuống núi mà mẹ con ôm nhau khóc: “Con cố ở lại, một tuần mẹ lên đón…”. Đứa con gái khóc lóc “con không ở đâu” nhưng cũng phải ở lại, rồi các bạn đưa lên nhà ni, thay quần áo, lát sau đã thấy cầm chổi quét lá cây, vui đùa. Chị Ng. tâm sự: “Muốn cháu lên chùa để tập quen cuộc sống tự lập. Không khí tĩnh thiện của chùa sẽ giúp trẻ trong sáng tâm hồn”.

Đạt, đội Pháp Loa trước cũng là một nam sinh quậy phá, cãi bướng. Bị la rầy, Đạt từng tuyên bố “từ giờ trở đi sẽ không thèm sinh hoạt Đội nữa”. Thế nhưng, được các huynh trưởng khuyên nhủ, gần gũi quan tâm, Đạt thẳng thắn nhận lỗi, rồi sám hối trước Tam Bảo. Từ đó trở đi, Đạt chấp hành tuyệt đối việc được giao. Hàng sáng, Đạt được xuống bếp chuẩn bị hành đường, cơm nước phụ giúp các ni…