Đổi đời nhờ tượng gỗ

(ANTĐ) - ằng ý chí nghị lực của sức trẻ, Hoàng Văn Kế, ở Nhân Hiền, Hiền Giang, Thường Tín, (Hà Nội) đã chọn nghề đẽo tượng làm con đường lập nghiệp cho mình.

Đổi đời nhờ tượng gỗ

(ANTĐ) - ằng ý chí nghị lực của sức trẻ, Hoàng Văn Kế, ở Nhân Hiền, Hiền Giang, Thường Tín, (Hà Nội) đã chọn nghề đẽo tượng làm con đường lập nghiệp cho mình.

Những pho tượng gỗ cho thu nhập khá cao
Những pho tượng gỗ cho thu nhập khá cao

Đạp xe đi chào hàng

Sinh ra trên quê hương có nhiều nghề truyền thống, nổi tiếng nhất là nghề điêu khắc đá, nghề mây tre đan… nhưng Kế lại rất thích điêu khắc. “Hồi còn bé tôi thường sang hàng xóm xem các bác, các chú đục đẽo, nên mình rất mê” - Kế tâm sự.

Kế cho hay, khi đang còn là học sinh tiểu học, anh đã có thể đục, đẽo được những pho tượng đòi hỏi sự tỉ mỉ, trình độ cao. Khi đó cứ một buổi đi học, một buổi đi đục tượng thuê. Kế đục, tạc tượng bằng đá, chứ không phải bằng gỗ như bây giờ. Và cũng từ những ngày làm công đó tay nghề Kế đã được nâng lên rõ rệt.

Những sản phẩm do chính tay nghệ nhân trẻ do Kế đào tạo

Những sản phẩm do chính tay nghệ nhân trẻ do Kế đào tạo

Những năm 1989-1990 của thế kỷ trước, thôn Nhân Hiền chẳng khác nào một “đại công xưởng” chế tác đá. Dù làng nghề đang ăn nên làm ra và công cán của Kế khi làm thuê cũng được nâng lên, nhưng trong lòng chàng trai trẻ này vẫn luôn trăn trở. Rồi những sản phẩm của làng sẽ bão hòa và sức cạnh tranh sẽ kém, bởi độ bền cao, mẫu mã ít… sẽ rất khó để duy trì ổn định.

Đúng như những gì anh dự đoán, những năm cuối của thế kỷ 20, làng nghề chế tác đá Nhân Hiền đã dần thoái trào, do giá trị thấp, nhiều người đã chuyển sang làm mây tre đan, rồi làm lồng chim… Nhưng cũng có một số người tiếp tục chọn con đường điêu khắc, nhưng đó là điêu khắc gỗ.

Năm 1999, Hoàng Văn Kế tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh không có điều kiện học tiếp. Ngay sau khi thi tốt nghiệp, Kế được anh Nguyễn Đoàn Trúc (Nghệ nhân dân gian) của làng nghề nhận vào xưởng điêu khắc gỗ.

Những cây gỗ tưởng chừng vứt đi qua bàn tay của Kế hầu như đều có hồn
Những cây gỗ tưởng chừng vứt đi qua bàn tay của Kế hầu như đều có hồn

Sau gần 4 năm làm thuê, năm 2004, anh đã xin tách ra thành lập xưởng riêng với tên gọi, “điêu khắc gỗ - Hoàng Kế”. Kế bảo: “Những năm đầu khó khăn lắm, vốn ít, kinh nghiệm còn hạn chế… mình phải đi vay từng đồng lẻ để mua gỗ, vậy nên chỉ dám làm những pho tượng nhỏ thôi, với lại thương hiệu chưa có, nên phải đèo bằng xe đạp đi khắp nơi để chào hàng, nhưng mình chưa bao giờ nghĩ mình bỏ cuộc”.

Và từ những lần đạp xe lang thang đó, hàng của anh cũng đã được nhiều người chấp nhận, rồi những đơn hàng giá trị hàng chục triệu đồng cũng đã đến với anh…

“Vấp ngã… để thành công”

Kế ngồi suy tư một hồi rồi kể tiếp. “Khi mới thành lập xưởng mình cũng “trúng mánh” một lô hàng, lỗ gần 20 triệu đồng. Khi đó mình và anh bạn nhận lô hàng tạc tượng cho một ngôi chùa, sau khi tính toán, mình nhập 3 pho tượng với tổng chi phí là 17 triệu. Nhưng do chưa có kinh nghiệm làm những pho tượng lớn nên mình tính không được sát. Khi hoàn thành, riêng tiền gỗ đã hết hơn 20 triệu, 2 triệu tiền keo, nếu tính cả tiền công mình lỗ gần 20 triệu đồng”.

Nhưng cũng chính từ những lần vấp ngã đó đã giúp cho anh có thêm kinh nghiệm, nung nấu thêm ý chí. Năm 2007, với số vốn tích lũy được, anh đã mua một mảnh đất rộng gần 200m2 ở trung tâm xã để mở rộng xưởng. Và cũng từ đó xưởng của anh liên tục nhận được những đơn đặt hàng lớn ở khắp mọi nơi. Mới đây, anh đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 200 triệu đồng, tạc tượng cho chùa Quan Tế - Gia Lâm, chùa Hòa Bình…

Kế cho biết: Từ khi mở xưởng đến nay, anh đã đào tạo cho 45 thanh niên, có nhiều người về mở xưởng riêng… Hiện nay, xưởng của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động và hàng chục lao động thời vụ.

Những người học nghề ở xưởng anh, luôn được anh chỉ bảo tận tình, nhưng không bao giờ thu một đồng học phí. Anh thường giao gỗ cho họ học đục đẽo, nếu thành được sản phẩm thì anh trả công, còn nếu hỏng thì anh sửa lại. “Vì mình cũng từ những ngày “phá gỗ” mà nên, nên mình rất hiểu các em đang theo học nghề” - Kế tâm sự.

Nói về những dự định trong tương lai anh Kế cho biết: “Trong thời gian tới mình tiếp tục mở rộng thêm xưởng, các bạn trẻ yêu điêu khắc có điều kiện học tập. Mình vẫn còn khó khăn về vốn, nếu được ngân hàng tạo điều kiện cho vay, mình sẽ nhận thêm các bạn vào học nghề…”.

Tuấn Phạm