Đổ xô lên núi săn thằn lằn vì lời đồn chữa khỏi bệnh... ung thư

ANTĐ - Từ lâu, những con thằn lằn núi (hay còn gọi là tắc kè) ở quanh khu vực núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, Tây Ninh) đã được coi là một đặc sản độc đáo ở vùng đất huyền bí này. Thời gian gần đây do lời đồn thổi rằng, loài thằn lằn độc đáo chỉ có duy nhất ở khu vực núi Bà này có khả năng chữa được cả bệnh… ung thư khiến cho không chỉ giá của chúng tăng gấp hàng chục lần mà mỗi đêm, hàng trăm người dân lại lén lút lên núi để săn bắt thằn lằn khiến loài động vật độc đáo này đang dần rơi vào nguy cơ bị tận diệt.

Dưới những vách núi huyền bí

Từ chiều, khi ánh mặt trời đang dần lặn khuất phía sau đỉnh núi cao nhất ở miền Đông Nam Bộ, chúng tôi đã ngồi ở quán nước ven tỉnh lộ 781 để đợi những thợ săn thằn lằn núi nơi đây. Theo bác Liêm, chủ quán nước thì mỗi đêm, ở vùng núi quanh đây có khoảng vài chục tay săn thằn lằn, chia thành từng tốp lùng sục khắp các hang hốc ở sườn núi Bà cho tới cả núi Phụng, núi Heo hay vùng thung lũng Ma Thiên Lãnh quanh đây. Mặc dù thằn lằn có quanh năm nhưng bắt đầu từ tháng 3, loài thằn lằn núi ở đây bước vào thời kỳ sinh sản khiến chúng thường xuất hiện nhiều, lại đi từng đôi. Đó cũng là lúc dân săn hoạt động nhiều hơn. 

Khi ánh trăng cuối tháng đang dần xuất hiện từ xa xa đem đến một thứ ánh sáng thanh bạch đến lạ kỳ cũng là lúc 4 chiếc xe máy chở theo gần chục thợ săn thằn lằn núi ầm ì tiến lên sườn núi Phụng, một trong 3 ngọn núi thuộc quần thể núi Bà Đen. Theo anh Thịnh, 42 tuổi, một thợ săn ở xã Phan (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thì anh làm nghề săn thằn lằn ở đây được khoảng 5 năm rồi. Mặc dù coi là nghề nhưng đây chỉ là công việc anh làm thêm vào ban đêm, còn bình thường, anh vẫn cùng gia đình trồng bắp ở gần nhà. Anh bảo, săn thằn lằn núi là công việc khó khăn, đòi hỏi phải có kinh nghiệm.

Theo đó, dụng cụ đi săn rất đơn giản, chỉ là một chiếc vợt có cán dài, một bình ắc-quy công suất 24 vôn cùng một đèn chiếu sáng. Đặc biệt, săn thằn lằn phải đi 2 người một bởi chúng rất khôn. Khi phát hiện thằn lằn bằng cách soi ánh sáng đèn vào các vách núi, lùm cây, thảm lá khô, hốc đá thì một người phải giữ ánh đèn trực diện vào mắt con vật. Đối diện với ánh sáng đó, trong giây phút, loài thằn lằn này sẽ trở nên thụ động và không có hành động nào phản kháng. Giữa giây phút ấy, trong bóng đêm, người cầm cây vợt dài sẽ phải nhanh chóng chụp lên người con thằn lằn để bắt được chúng. Khoảnh khắc con vật nhỏ bé dài chừng 30 cm kia bị lóa mắt khá nhanh, thường là 30 giây đồng hồ mà lại phải không gây ra bất cứ tiếng động nào nên công việc của những thợ săn phải phối hợp ăn ý và nhanh chóng, nếu không sau thời gian đó, chúng sẽ định thần và lập tức biến mất trong thảm lá, rừng cây. Nói thì khó khăn nhưng nếu đèn chiếu sáng gặp thằn lằn, coi như số phận của con đó đã được định đoạt bởi rất khó để thoát được khỏi chiếc vợt của những tay thợ săn chuyên nghiệp. 

Hai người thợ săn mà chúng tôi bám theo trong đêm nay ngoài anh Thịnh còn có Lâm em họ của anh Thịnh. Cả 2 đều là những người dân sinh sống ven chân núi, tận dụng thời gian về đêm khoảng chừng 3 đến 5 tiếng đồng hồ để đi săn thằn lằn kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi tối, anh Lâm bảo hai người có thể săn được từ 5 đến 7 con, tùy theo sự may rủi không báo trước. Điều đó có nghĩa là việc săn thằn lằn rất bấp bênh, có thể có đêm còn trắng tay không được con nào dù những thợ săn đã phải di chuyển cả một vòng quanh chân núi với quãng đường lên đến 10 cây số đường đá, trong đêm khuya. Đấy là chưa kể nhiều khi phải bò vào những hang sâu, những vách đá cheo leo cũng như những thảm rừng lá thấp với nhiều loài ký sinh trùng rất nguy hiểm. Có những đêm mưa, vách đá, đường đi trơn trượt, có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm đến tính mạng nhưng những thợ săn này vẫn quyết bám trụ với nghề.

Bên cạnh nghề săn thằn lằn bằng ánh sáng ban đêm, người dân vùng núi Bà Đen còn có cách thức bắt thằn lằn bằng nghề… câu. Khác với săn, nghề câu thằn lằn lại thường chỉ dùng vào ban ngày với những chiếc cần dài như cần câu cá cùng một sợi dây thòng lọng và một số loài động vật cánh cứng còn sống làm mồi nhử. Nghề câu thì đơn giản hơn nghề săn nhưng hiệu quả lại thấp hơn. Vì thế, những cần thủ thường dùng những trái cây chín như chuối, mãng cầu, đu đủ… có hương vị thơm ngon để dụ thằn lằn tìm tới.

Chỉ là thuốc bồi bổ sức khỏe

Theo tìm hiểu của chúng tôi thằn lằn núi Bà Đen là tên một loài bò sát thuộc họ tắc kè riêng biệt chứ không giống bất kỳ những loại thằn lằn khác ở vùng rừng núi Đông Dương từng được phát hiện trước đó. Chúng có nhiều đặc điểm riêng biệt, được phát hiện cách đây gần chục năm bởi một nhóm nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động vật hoang dã của Viện sinh học nhiệt đới TP HCM. Cụ thể, loài thằn lằn núi Bà Đen này còn được gọi là thằn lằn ba sọc hay thằn lằn vạch do trên lưng, đùi và bụng chúng đều có 3 vạch màu trắng, trên nền da màu đen (có thể chuyển sang nâu đậm) truyền thống. Mặc dù loài thằn lằn này mới được chính thức công nhận nhưng theo những người thợ săn ở đây, từ nhiều năm rồi, người dân đã biết và săn lùng loài bò sát này vì thịt của chúng thơm ngon hơn những loài bò sát khác. Gần đây, không biết vì sao mà nhiều người cho rằng, thằn lằn núi có khả năng chữa bách bệnh, gồm cả ung thư khiến giá của chúng tăng vọt, lên đến mấy trăm ngàn đồng 1 con. Thế là, vốn dĩ đã là loài vật quý hiếm, đến nay, thằn lằn núi Bà Đen bị săn bắt một cách gắt gao, bằng rất nhiều cách mà không kịp lớn cho vòng quay sinh sản tự nhiên khiến nguy cơ tuyệt chủng đang cận kề.

Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống của những người săn thằn lằn, chúng tôi thấy được khá nhiều điều thú vị. Theo anh Thịnh, kể từ khi trên các phương tiện truyền thông nhắc đến loài thằn lằn mà chỉ duy nhất ở núi Bà Đen mới có, giá của loài bò sát này đã tăng gấp nhiều lần. Nhiều người còn đồn thổi nhau rằng thịt của chúng còn có khả năng chữa bệnh, làm phục hồi sinh lực của phái mạnh. Ban đầu, những người thợ săn lâu năm như chúng tôi những tưởng sẽ được hưởng lợi từ điều này ai dè, số lượng thợ săn ở nơi khác đổ về đây quá đông, có đêm tới hàng trăm người khiến loài vật cực kỳ thính nhạy này thường ẩn mình rất kỹ, không di chuyển nên rất khó để săn chúng. Do tập quán của thằn lằn là khả năng thay đổi màu sắc nên ban đêm, nếu không quan sát kỹ sẽ không thể nào phát hiện ra chúng. Bên cạnh đó, việc giá thằn lằn tăng cao còn khiến nhiều người mua thằn lằn nuôi đem xuống chân núi, ngay ở cổng khu du lịch Bà Đen để bán cho khách mùa lễ hội nữa. 

Hiện nay, mặc dù không công khai nhưng giá cả của thằn lằn núi săn được luôn dao động ở mức 1 đến 1,2 triệu đồng/kg. Những điểm bán thằn lằn núi này đều thu mua lại từ những người thợ săn đêm mà chúng tôi đã đi cùng rồi bán lại cho những thương lái ở dưới thành phố Tây Ninh hay ở TP HCM tìm đến mua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do săn bắt quá nhiều, lượng thằn lằn này ngày càng giảm nên giá của chúng có chiều hướng tăng lên. Bên cạnh đó, cũng có nguồn tin là một số người đã bắt đầu nuôi và nhân giống được loài thằn lằn lạ lùng này nhưng thực tế ra sao, chúng tôi vẫn chưa kiểm chứng được.

Theo thông tin từ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, loài thằn lằn núi Bà Đen được xếp vào loại động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo vệ. Thời gian qua, Sở không cấp phép khai thác thằn lằn núi cho bất cứ đơn vị, cá nhân nào nhưng thực tế tình trạng người dân đi săn thằn lằn núi là rất nhiều, không kiểm soát nổi. Nguyên nhân là hệ thống rừng núi ở đây rất rộng, chu vi chiều dài lên đến hơn 60km khiến việc bảo vệ của kiểm lâm không kiểm soát hết được. Mặt khác, đa phần những người săn thằn lằn núi là dân địa phương, thông thạo địa hình lại đi vào ban đêm khiến công tác bảo vệ loài bò sát này ngày càng khó khăn, có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng.