Đến An Giang, thử làm nông dân vùng sông nước

ANTĐ - Nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống thuần chất của người dân Tây Nam bộ, thì không nên bỏ qua xã Mỹ Hòa Hưng, một địa chỉ du lịch cộng đồng độc đáo nằm tại thành phố Long Xuyên, An Giang. Tọa lạc trên Cù lao Ông Hổ, Mỹ Hòa Hưng trông như một ốc đảo nhỏ bé giữa dòng Hậu Giang mênh mông.  

Đến An Giang, thử làm nông dân vùng sông nước ảnh 1Mô hình làm giá đỗ ngay tại nhà dân

Thăm nhà hậu duệ của dòng họ Tôn

Để đến được với Mỹ Hòa Hưng, du khách sẽ mất khoảng 15-20 phút đi từ bến phà Trà Ôn ở trung tâm thành phố Long Xuyên, An Giang. Gần như khác biệt với không khí có phần ồn ào, náo nhiệt của Long Xuyên, Mỹ Hòa Hưng ẩn mình giữa những vườn cây trái xanh tốt, những cây cầu khẳng khiu bắc qua những mương rạch chằng chịt. Nơi đây chính là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, với khu lưu niệm bác Tôn -nơi trưng bày về thân thế, sự nghiệp của người con ưu tú đất An Giang. Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là nhà ông Tôn Thất Đính (ông Ba Đính), là thế hệ thứ tư của dòng họ Tôn, trú tại ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng. 

Ngôi nhà có tuổi đời lên tới 117 năm vẫn giữ được những nét truyền thống của nhà sàn Nam bộ với mái lợp ngói, cột gỗ tràm, nền lót ván, với hàng hiên xanh xinh xắn nhìn ra toàn bộ khu vườn rộng rãi với đủ loài hoa, cây trái. Cũng giống bao hộ dân ở Mỹ Hòa Hưng, gia đình ông Đính trước đây sống chủ yếu sống bằng nghề làm vườn. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nhờ sự có mặt của những dự án quốc tế, gia đình ông đã có thêm thu nhập từ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay).

Khách đến đây sinh hoạt cùng với gia chủ, vừa có thể ra vườn hái xoài, trồng nấm, trồng rau… như nhà nông đích thực. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống người dân An Giang, du khách có thể nhờ chính người dân bản địa dẫn sang các điểm làng nghề xung quanh như làng nghề mây tre, làng làm nhang, lò rèn… Giá nghỉ đêm ở đây tương đối rẻ, chỉ từ 100.000/đêm, tùy vào nhu cầu của khách. 

Vào mùa cao điểm, từ tháng 10 đến Tết Âm lịch, gia đình ông Đính đón 2,3 đoàn khách mỗi tháng, chủ yếu là khách du lịch phương Tây. Với mỗi người khách, ông coi như người trong nhà, tận tình giúp đỡ. “Làm du lịch đôi lúc có vất vả hơn làm vườn, nhưng bù lại tôi được giao lưu với nhiều bạn bè. Người Tây họ thích lối sống mộc mạc, giản đơn, không quá cầu kỳ. Trước đây, tôi không biết tiếng Anh nên giao tiếp khó lắm, nhưng từ khi tham gia các lớp tập huấn thì dần dà cũng nói được những câu phổ biến” - ông Đính  chia sẻ. 

Đến An Giang, thử làm nông dân vùng sông nước ảnh 2Khách du lịch nước ngoài đến homestay Phước Nguyên

Ở cùng, ăn cùng người dân

Cách nhà của ông Ba Đính vài bước chân là gia đình của anh Trần Phước Nguyên, cũng là một địa chỉ homestay có tiếng ở Mỹ Hòa Hưng. Điểm nổi bật nhất ở đây là các mô hình “tự làm” độc đáo, từ xắn tay vào làm những mẻ giá đỗ tươi, bắt cá cho đến tự tay hái những trái bưởi da xanh… Du khách đến nhà anh cũng được giới thiệu vào bếp thưởng thức những món ăn dân dã nhưng cũng rất ngon miệng của người dân miền Tây như cá chiên sốt cà, canh ngao, thịt kho tộ… Theo anh Nguyên, mặc dù cũng chỉ mới tham gia mô hình homestay, nhưng gia đình anh kiếm thêm được hơn 

10-12 triệu đồng/tháng từ việc làm du lịch. Ngoài việc đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và đón khách từ các công ty lữ hành, nhà anh cũng tự quảng bá trên mạng xã hội facebook và thu hút được rất nhiều khách lưu trú qua đêm. Vào những lúc cao điểm, quá đông khách thì anh lại gửi khách sang những hộ kế bên. Anh Nguyên chia sẻ: “Lúc mới đầu chúng tôi chẳng ai nghĩ mình có thể kinh doanh du lịch gì cả. Nhưng khi được sự ủng hộ và giúp đỡ từ chính quyền và các dự án nước ngoài, chúng tôi mới thấy được rằng đây là cách làm du lịch mới khá hiệu quả. Không chỉ là lưu trú qua đêm, chúng tôi cũng đưa du khách đi thăm các làng bè, tham quan chợ nổi Long Xuyên, rừng tràm Trà Sư… Trong xã cũng tổ chức các đội hát đờn ca tài tử để phục vụ khách khi có nhu cầu”.  

Theo ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng,  từ khi có sự hỗ trợ của chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là dự án EU), bà con xã Mỹ Hòa Hưng đã được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch cũng như kỹ năng làm du lịch. Từ một xã làm nông, gần như không có tên trên bản đồ du lịch An Giang, Mỹ Hòa Hưng đã hình thành được điểm du lịch cộng đồng độc đáo với khoảng 10 hộ dân, gắn làm vườn, chăn nuôi với phát triển du lịch homestay. Ước tính trong năm 2015, Mỹ Hòa Hưng đã đón trên dưới 2.000 khách nước ngoài, trải nghiệm các hoạt động mang tính chất địa phương như làm vườn, thu hoạch trái cây, tát mương, bắt cá, kéo lưới, mò ốc…  

Mặc dù điều kiện đường sá đi lại còn khó khăn, các hộ dân mới chuyển đổi từ hình thức làm nông sang làm du lịch, tuy nhiên, trong thời gian tới, với những thành quả của dự án EU cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã, các sản phẩm du lịch địa phương sẽ ngày càng được nâng cấp đa dạng, hoàn thiện, đội ngũ làm du lịch ngày càng đông đảo và chuyên nghiệp hóa. Và trong tương lai, nhắc đến An Giang, du khách không chỉ biết lễ vía bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư… mà còn biết đến Mỹ Hòa Hưng như một điểm đến dành cho những người muốn một lần trải nghiệm cuộc sống thực thụ của cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ.