Đêm trắng của những người tình nguyện

ANTĐ - “Không phải ai cũng có nơi để về, có người thân bên cạnh, có đủ tiền trang trải những nhu cầu cơ bản nhất của một con người…”. Đó là những dòng tâm sự của nhóm tình nguyện Ấm khi tôi hỏi họ về cuộc sống của những người vô gia cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Và những hoạt động của nhóm Ấm chỉ để mang thêm chút lửa làm ấm lòng những con người bất hạnh này.

Những mảnh đời… không nhà 

Giữa một Hà Nội ồn ào, vội vã với những lo toan cho riêng mình còn có những mảnh đời vẫn đang leo lắt sống qua ngày. Tài là một trong những người có cuộc sống như thế. Em tâm sự: “Em mạnh mẽ và có thể tự làm việc để nuôi sống bản thân mình mà không cần xin xỏ hay nhờ cậy ai”. Năm nay Tài 17 tuổi, em nhặt phế liệu trong chợ Long Biên. Sau khi đi làm cả ngày, em về ngủ tại nhà trọ giá 10.000 đồng/đêm cùng với 7 người khác nữa chung một phòng. Tài đã bươn chải trên Hà Nội 6 tháng rồi.

Còn cụ Trần Thị Thắm, 82 tuổi, tuy đã già nhưng may là còn đủ sức khỏe nên vẫn lao động được để nuôi sống bản thân. Cả đêm cụ nhặt rác xung quanh Hồ Gươm và chợ Long Biên, đến gần sáng cụ ghé lưng ngủ tạm ở bờ sông Phúc Xá hay vỉa hè chợ Đồng Xuân. Điều mà cụ sợ nhất là nếu chẳng may cụ ốm thì không thể làm việc được và cũng không có ai chăm sóc.

Còn vợ chồng bà Mai chuyên nhặc rác ở chợ Long Biên lại gặp phải hoàn cảnh éo le khác. Bà Mai bảo: “Bà bị ho suốt và viêm phổi nặng, chân cũng bị sưng và teo lại nếu không đi lại thì bị liệt hẳn”. Chồng bà Mai cho biết, một tháng nay bà ốm, sút tới 6 kg, càng ngày tiều tụy. Điều mà vợ chồng bà muốn là sao có được ít gạo để ăn và một chỗ trọ để che mưa che nắng. Nhưng đó chỉ là giấc mơ bởi họ không thể kiếm nổi mỗi tháng 1 triệu tiền thuê nhà. Một ngày làm việc, nhặt phế liệu cả đêm đến sáng, cặp vợ chồng này chỉ kiếm được 50 đến 100 nghìn đồng, đến chiều họ lại về chợ Long Biên trú tạm. 

Không chỉ những người lớn tuổi phải vật lộn bươn chải với cuộc sống không nhà ở Hà Nội. Mà nơi gầm cầu, xó chợ cũng là chốn nương náu của những thân phận bé nhỏ. Em Nguyễn Thị Tuyết, 14 tuổi. Khi hỏi chuyện về em, em khóc, em cũng muốn được như bao đứa trẻ khác, muốn được học, được chơi, được yêu thương, nhưng không, em phải đi bán kẹo cho mẹ, rất sợ bị mẹ mắng khi không bán hết, mà 14 tuổi rồi, em kể rằng, em không biết chữ vì không được cho đi học. Trẻ em đường phố luôn phải học cách ẩn mình để tự bảo vệ bản thân và tránh bị bắt. Và vì thế cuộc sống của các em luôn không hề dễ dàng. Ngay dưới đường tàu hỏa trên cầu Long Biên có một nơi trú ẩn của các em nhỏ lang thang. Ngoài việc đối mặt với gió, lạnh và mưa, các em trú trên trụ cầu rất cao so với mặt đất. Đây là nơi các em ngủ, sinh hoạt, trú ẩn và đó là một vị trí cực kỳ nguy hiểm…

Đêm trắng

22h30’ thứ bảy, như thường lệ,  tại quán café Kusa’s Closet 23 Trần Hữu Tước, mọi thành viên trong một nhóm sinh viên tình nguyện mang tên “Ấm” đã  có mặt đông đủ. Người thì mang cả thùng nước sạch đóng trong chai lọ cũ, người thì mang theo vài bộ quần áo cũ. Còn Huyền (sinh viên năm 2, Đại học Ngoại Thương) mang theo 40 chiếc bánh mì để làm quà cho những người vô gia cư… Một thùng xôi đỗ thơm phức đã chuẩn bị sẵn sàng. Những thành viên nhanh tay chia ra 75 suất quà. Mỗi suất quà là một phần xôi hoặc 2 cái bánh mì, một hộp sữa và kèm theo một chai nước sạch. Đó là toàn bộ phần quà mà các bạn trẻ sẽ đem đến cho người vô gia cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đêm nay. 

23h30’, khi thành phố đi ngủ cũng là lúc những sinh viên tình nguyện lên đường. Toàn đội gồm 27 thành viên chia thành 2 nhóm đi theo 2 cung đường: cung phố cổ và cung khu vực xung quanh phố cổ. Trung bình, 2 người một xe máy, bạn ngồi đằng sau xe giữ nước uống và các phần quà, mỗi khi đi qua khu vực có người vô gia cư nằm nghỉ, các bạn lại dừng xe và nhẹ nhàng đặt từng phần quà bên cạnh nơi họ nằm tránh cho họ mất giấc ngủ. Những nơi người vô gia cư tập trung nhiều là tại các công viên, trước cửa các trung tâm thương mại, chân cầu Long Biên và nhiều nhất là khu vực trước cửa ga Hà Nội.

Đêm đã xuống sâu hơn, Hà Nội như chìm hẳn vào giấc ngủ. Những chiếu mỏng manh dưới ánh đèn đường vàng nhạt tạo ra hình ảnh đáng thương đầy ảm đạm. Gia tài của những người vô gia cư là đôi quang gánh, chiếc hộp sắt hay đôi khi chẳng có bất cứ thứ tài sản nào đáng giá ngoài bản thân mình cả. Ngồi bên lề đường phố Trần Quý Cáp, 2 người vô gia cư một già một trẻ ngồi tựa vào nhau vẫn chưa ngủ. Cậu trai trẻ năm nay vừa tròn 20, mới bỏ nhà ra đi còn người già thì ú ớ nói không nên lời. Khi một bạn trẻ hỏi có ai cần quần áo không thì người già ú ớ, cậu trẻ ngồi bên cạnh phải phiên dịch là cái quần này chật lắm rồi. Các bạn tình nguyện đưa cho người này một bộ quần áo. Ông ướm thử lên người và mỉm cười mừng rỡ thay lời cảm ơn. 

Một thành viên của nhóm kể lại, có hôm nhóm đi phát quà tới tận 3 giờ sáng, Long nhìn thấy một người ngồi một mình, ngủ gục trên vỉa hè, hỏi tên là gì, người đó ngây dại nhìn, bảo không nhớ, hỏi nhà ở đâu, cũng không biết. Đó là những câu chuyện mà nhóm bạn trẻ này thường gặp mỗi tối thứ bảy hàng tuần, nhưng có lẽ nó lại câu chuyện hiếm đối với các bạn trẻ đang sống trong đời sống vật chất đầy đủ. 

 Điểm cuối cùng, mọi người tập trung tại khu vực trước cửa ga Hà Nội. Tại đây tất cả mọi người chia nhau đi phát quà cho người lang thang cơ nhỡ. Nằm co ro tại góc bên trái ga, cụ Đăng năm nay 70 tuổi (quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) trông giữ xe ở khu vực ga vẫn còn thức. Cụ nhỏm dậy cầm lấy phần quà của các bạn trẻ và cảm ơn. Hàng ngày cụ trông xe tự do cho khách ra vào ga, thu nhập được vài ba chục nghìn. Ban ngày cụ ra lề đường trông xe, đến tối “xí” góc tối này làm chỗ ngủ qua đêm. Một số người khác mắc võng nối từ cột này qua cột khác làm chỗ nằm, một số nằm lăn lóc trên sập hàng. Cứ mỗi một chỗ ngủ, các bạn trẻ đặt một phần quà và một chai nước. Để tiết kiệm chi phí, các thành viên gom nhặt chai lọ nhựa rồi cho nước sạch vào chai đem đến cho người vô gia cư. 

Đã gần hết đêm, các bạn trẻ chia các suất quà còn lại để đem về phát cho người vô gia cư xung quanh khu vực mình. Còn tôi ra về. Hà Nội đã bắt đầu chuyển ngày mới. Trên đường chỉ còn đôi ba chiếc xe của đám trẻ ăn chơi rồ ga phóng như điên dại trong ánh đèn vàng. Đối lập với đó là những bước chân âm thầm mang những bữa sáng nho nhỏ đến cho người vô gia cư. 

Ấm - Từ thiện vì người vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn

Hoàng Thảo, người thành lập nhóm tình nguyện Ấm - từ thiện vì người vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn cho biết: những người lang thang cơ nhỡ là những đối tượng bị bỏ quên của xã hội. Mọi người thường có nhiều cách nhìn sai lệch về họ. Chính vì vậy mà nhóm tình nguyện Ấm thành lập ra để giúp đỡ đối tượng này. Từ ngày thành lập đến nay, số lượng thành viên luôn có sự thay đổi bởi đây là một nhóm từ thiện tình nguyện, không ràng buộc. Tuy nhiên số lượng thành viên chủ chốt cố định khoảng 15 người. Đặc biệt, trong quá trình đi giúp đỡ người vô gia cư, nhóm Ấm đã thu thập thông tin về những người vô gia cư tại các cung đường mà họ đi qua, lập danh sách để theo dõi và giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Ngoài hoạt động đi phát quà vào tối thứ bảy hàng tuần thì nhóm còn giúp đỡ các đối tượng bệnh nhân hiểm nghèo, các trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật, lang thang cơ nhỡ. Tất cả mọi giúp đỡ có thể gửi đến nhóm Ấm tại quán café KUSA’S CLOSET 23 TRẦN HỮU TƯỚC hoặc liên hệ theo địa chỉ Facebook Ấm - Từ thiện vì người vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn.