Dấu ấn từ một mái trường

(ANTĐ) - Nằm khiêm tốn trên con đường Trung Kính nhỏ và bụi bặm, tất cả những gì thuộc về ngôi trường ấy dường như cũng toát lên vẻ khiêm nhường, lặng lẽ. Những phòng học, phòng ở dù đã qua nhiều lần tu sửa nhưng cũng in hằn rõ dấu vết khắc nghiệt của thời gian  40 năm qua. ở đó, trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân, có những thầy cô giáo hàng chục năm gắn bó với những đứa trẻ thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm - những người vừa làm thầy, vừa làm cha, mẹ.

Dấu ấn từ một mái trường

(ANTĐ) - Nằm khiêm tốn trên con đường Trung Kính nhỏ và bụi bặm, tất cả những gì thuộc về ngôi trường ấy dường như cũng toát lên vẻ khiêm nhường, lặng lẽ. Những phòng học, phòng ở dù đã qua nhiều lần tu sửa nhưng cũng in hằn rõ dấu vết khắc nghiệt của thời gian  40 năm qua. ở đó, trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân, có những thầy cô giáo hàng chục năm gắn bó với những đứa trẻ thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm - những người vừa làm thầy, vừa làm cha, mẹ.

Năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, để phục vụ công tác hậu phương quân đội, ủy ban hành chính thành phố Hà Nội (nay là UBND TP Hà Nội) đã ra quyết định thành lập trường Nguyễn Viết Xuân Hà Nội. Với mục đích chăm sóc, nuôi dạy tốt con em những liệt sỹ, thương binh. Ngôi trường như một sự tri ân của nhân dân Thủ đô dành cho những chiến sỹ đã không tiếc thân mình, hy sinh máu xương cho Tổ quốc.

Khi chiến tranh dần lùi xa, thế hệ con liệt sỹ đã trưởng thành, năm 1993 trường tiếp tục được nhận nhiệm vụ nuôi dạy các đối tượng là con mồ côi xã hội. Tháng 8-2008, khi hợp nhất Hà Nội, thêm một lần trường đón nhận những học sinh mới, đó là các em có hoàn cảnh khó khăn từ tỉnh Hà Tây cũ. 40 năm qua, rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Còn các thầy cô giáo vẫn vậy, vẫn lặng lẽ ươm những lớp trẻ, từ những em bé thiếu may mắn thành những học trò ngoan, những công dân tốt, có ích cho cộng đồng.

Chúng tôi đến ngôi trường vào đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Trường nội trú Nguyễn Viết Xuân (12-2009). Khung cảnh vẫn yên ả như vốn có, trong những lớp học đã có phần chắp vá, tiếng giảng bài của thầy cô vẫn ấm.

Gặp lại thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, người mà chúng tôi đã có dịp nhắc tới trong một câu chuyện cảm động về tình thầy trò vài năm trước. Vẫn nhiệt thành và giữ được cái uy của người lãnh đạo nhà trường như ngày nào, chỉ có điều giờ anh đã “chín” hơn, và đặc biệt không muốn nói về mình nữa. Bởi vậy, những thông tin về anh vẫn là những gì mà tôi nhớ được, một Thạc sỹ Công nghệ thông tin, xuất thân từ một gia đình ở Vĩnh Phúc có cha là liệt sỹ khi anh chưa tròn một tuổi, chưa một lần biết mặt cha.

Anh vào học trường Nguyễn Viết Xuân được một thời gian thì người mẹ cũng bỏ anh đi. Tốt nghiệp lớp 12 ra trường học đại học, và sau khi nhận tấm bằng Thạc sỹ thì trở về trường công tác. 2 năm sau, 34 tuổi, anh được tín nhiệm đề bạt làm Hiệu trưởng của trường. Là người trẻ, làm quản lý của một trường mà cán bộ giáo viên đa số là thầy cô giáo cũ, nhưng anh luôn nhận được sự trân trọng của đồng nghiệp, học sinh bởi tấm lòng và trách nhiệm trong công việc đối với nhà trường.

Câu chuyện với anh chỉ xoay quanh chuyện trường, lớp, chuyện các cô giáo, cô bảo mẫu và các em học sinh. Anh bảo, thật khó để trong một chốc một lát mà hiểu hết được tấm lòng của các thầy cô ở trường, vì nó lặng lẽ và bình dị lắm, nó là những câu chuyện hàng ngày, hàng giờ và là chuyện “thường” ở ngôi trường này. Vì thế, câu chuyện tôi ghi lại được ở trường chỉ là những khoảnh nhỏ, những lát cắt có phần chưa đầy đủ.

Kể từ khi trường nhận thêm đối tượng là con mồ côi, cũng đã có thêm nhiều phức tạp, các thầy cô cũng thêm phần vất vả. Trong số các em mồ côi, nhiều em có những hoàn cảnh rất éo le, không có người quan tâm, chăm sóc, thậm chí bị ngược đãi, điều đó đã ảnh hưởng đến một phần tính cách các em mà không phải dễ dàng thay đổi trong một sớm, một chiều.

Chẳng hạn như trường hợp hai chị em Đào Thị Bạch Kim và Đào Thị Thu Lệ (nhà ở Chương Mỹ) mà chúng tôi vô tình gặp giữa cuộc trò chuyện. Hai em đã vào trường được 2 năm, bố đã mất, còn mẹ vì khó khăn và một phút thiếu suy nghĩ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, mới thụ án được 2 năm trong trại giam. Khuôn mặt sáng, nói năng lễ phép, thông minh, hai năm đều đạt học sinh giỏi, các em đã thay đổi hẳn so với lúc mới vào trường, lầm lì và rất bướng.

“Vào trường, các thầy cô và các bạn rất quan tâm nên con đỡ buồn nhiều và cố gắng học tập. Mỗi lần cho chúng con đi thăm mẹ trong trại ở Hải Phòng, các thầy, cô thường dặn: Các con phải thấy những việc làm sai của người lớn sẽ phải gánh những hậu quả nặng nề như vậy nên các con phải cố gắng học tốt và sống tốt. Chúng con rất mong mẹ cải tạo tốt để về với chúng con...”. Đó là những lời tâm sự rất thật của hai chị em Kim và Lệ.

Những trường hợp của hai chị em Kim và Lệ chỉ là một trong số rất nhiều các hoàn cảnh khác nhau của trường. Bởi thế, các thầy cô ở đây thường nói vui là “vừa dạy, vừa dỗ”.

Nhà có 2-3 đứa trẻ đã chành chọe đủ thứ chuyện, huống hồ mỗi cô bảo mẫu ở trường phải phụ trách mấy chục đứa trẻ cùng lứa tuổi, đa phần không được hưởng một nền giáo dục đầy đủ trước khi vào, các cô đều phải nắm rất kỹ tình hình, hoàn cảnh và diễn biến tâm lý của từng em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt để có ứng xử phù hợp khi giảng bài và động viên các em tự tin hòa nhập trong môi trường nội trú.

Mặc dù khó khăn là vậy nhưng tỷ lệ tốt nghiệp học sinh luôn ở mức cao của thành phố. Số lượng học sinh giỏi các năm đều tăng, các em được học thêm nghề, được phát triển các môn năng khiếu...

Năm 2009 là năm thứ hai trường Nguyễn Viết Xuân tiếp nhận đối tượng mới nữa là các em học sinh mồ côi của tỉnh Hà Tây cũ. ở đó có rất nhiều gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều gia đình vô cùng ngạc nhiên với việc các thầy cô xuống tận địa phương và tận nhà để kiểm tra hoàn cảnh gia đình và động viên con em họ đi học. Tuy vậy không phải gia đình nào cũng thấy được ý nghĩa, thuận lợi khi các em được vào trường.

Với mức hỗ trợ ngày một tăng lên ở dành cho đối tượng mồ côi ở cộng đồng, nên dù chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng đã là số tiền khá với các gia đình nông thôn. Chính điều này cũng gây khó khăn cho trường bởi không ít hộ gia đình quan niệm, với chừng đó tiền thì chi tiêu học hành, ăn ở cho trẻ có khi không hết, các em ở nhà lại có thể giúp việc chăn trâu, cắt cỏ... Họ không nghĩ được rằng đứa trẻ cần hơn thế rất nhiều để phát triển tốt nhất về thể chất, đạo đức và trí tuệ... để có một hành trang tốt sau này.

Lại có em mồ côi bố, mẹ nuôi 3 đứa con, các thầy cô phải về tận địa phương (huyện Chương Mỹ) để thuyết phục. Người mẹ thì muốn con vào trường học, nhưng gia đình nhà nội, hàng xóm láng giềng lại kỳ thị theo kiểu “có con mà không nuôi được, phải đưa vào trung tâm”, thà đói rét nhưng ở nhà “rau cháo cũng sống được”, không muốn mang tiếng với làng xóm “không nuôi được phải nhờ Nhà nước”?!

Đi thăm nơi ăn chốn ở của các em, chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thái, phụ trách Phòng Y tế dinh dưỡng, cũng là một cựu học sinh của trường. Bố hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cô được vào trường học năm 1982, khi đang học lớp 7. Sau khi tốt nghiệp cấp III, cô được trường tạo điều kiện cho đi học đại học và quay trở về trường công tác.

Cô nhớ lại: Những năm tôi học, đối tượng học chỉ là con liệt sỹ nên rất thuần tính, có khi học sinh lên đến 4 trăm người nhưng trường cũng chỉ cần 1 bác bảo vệ rất già, học sinh rất tự giác trong mọi việc. Nay trường có chưa đến 200 em học sinh nhưng cũng cần đến 5 cô bảo mẫu, bảo vệ đủ 4 người khép kín 24/24h nhưng vẫn rất vất vả. Giờ cái nền móng gia đình đôi khi không được tốt, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách đứa trẻ.

Vất vả là thế nhưng đã gần các em rồi thì thật khó xa. Cô Thiều Thị Đào, một người mới vào trường ít năm nhưng được các em học sinh rất quấn. Cô kể, năm cô học xong phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô đã phải xin vào Nam làm công nhân. Khi mẹ đã già, cô về quê và xin vào trường để tiện chăm sóc mẹ. Với mức lương hợp đồng chỉ trên 1 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với lương công nhân nếu cô tiếp tục làm nhưng người phụ nữ chưa một lần được làm vợ, làm mẹ ấy đã tìm thấy hơi ấm từ những đứa trẻ mồ côi ở đây.

Có lần, cô được trường phát cho một cái váy nhưng về đến phòng mệt quá nên cô năm nghỉ. “Các con” thấy cô mệt thì đứa xoa bóp đầu, tay chân, rồi chúng hò nhau mặc váy cho cô. Những việc thật nhỏ bé thế thôi mà khiến cô vui lắm. Mỗi dịp lễ, Tết, “các con” về hết, các cô buồn lắm, chỉ ngóng hết kỳ nghỉ để gặp chúng nó.

Chiến tranh dần một lùi xa, các thế hệ học sinh ngày một trưởng thành. Thế hệ con liệt sỹ quay trở lại trường công tác đến giờ cũng có 7 thầy, cô. Mới đây trường cũng nhận thêm một cựu học sinh thuộc thế hệ con mồ côi về công tác. Hơn ai hết, họ hiểu những học sinh kém may mắn ở đây. “Làm việc dưới mái trường này, cái tâm quan trọng lắm. có lẽ trường là ngôi trường duy nhất các thầy cô không được học sinh tặng hoa ngày 20-11” - đó là tâm sự của tất cả những người mà chúng tôi gặp trong buổi sáng hôm đó.

Hà Loan - Nguyễn Đệ