Đảm bảo sức chiến đấu cho chó nghiệp vụ

(ANTĐ) - “Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua khiến hàng nghìn trâu bò chết cóng ở nhiều địa phương. Nhưng tại đơn vị chúng tôi, do tích cực triển khai các biện pháp chống rét nên đã chăm sóc và bảo vệ an toàn đàn chó. Đến thời điểm này, khi giá rét đã bớt, đàn chó của chúng tôi vẫn khỏe mạnh, đảm bảo 100% “quân số” sẵn sàng làm nhiệm vụ” - Trung tá Phan Đình Vĩnh, Đội trưởng Đội Quản lý và Sử dụng chó nghiệp vụ (Đội QLSD CNV) - Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, CATP Hà Nội cho biết.

Đảm bảo sức chiến đấu cho chó nghiệp vụ

(ANTĐ) - “Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua khiến hàng nghìn trâu bò chết cóng ở nhiều địa phương. Nhưng tại đơn vị chúng tôi, do tích cực triển khai các biện pháp chống rét nên đã chăm sóc và bảo vệ an toàn đàn chó. Đến thời điểm này, khi giá rét đã bớt, đàn chó của chúng tôi vẫn khỏe mạnh, đảm bảo 100% “quân số” sẵn sàng làm nhiệm vụ” - Trung tá Phan Đình Vĩnh, Đội trưởng Đội Quản lý và Sử dụng chó nghiệp vụ (Đội QLSD CNV) - Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, CATP Hà Nội cho biết.

Chăm sóc chó nghiệp vụ
Chăm sóc chó nghiệp vụ

Tri tình bằng cử chỉ

Thấy khách lạ, cả đàn đua nhau gầm gừ một cách dũng mãnh. Trung tá Vĩnh quát khẽ: “Trật tự!”. Như có phép màu, đàn chó đột ngột ngừng sủa, đứng hiền lành ve vẩy đuôi. Quả là những chú chó thông minh đã được đào tạo và dạy dỗ chu đáo. Đội QLSD CNV hiện quản lý, huấn luyện đàn chó 18 con, chủ yếu là chó bécgiê giống Đức lai Nga, giống Tây Ban Nha. Khách đến chơi, nếu tinh ý sẽ nhận thấy có những chú chó rất dữ với người lạ, song có những chú không hề có phản ứng gì. Cán bộ Đội QLSD CNV giải thích cho chúng tôi, phản ứng của mỗi chú chó phụ thuộc vào từng nghiệp vụ mà chúng được huấn luyện. 18 chú chó ở đây được chia làm 3 nhóm: Nhóm chuyên làm nhiệm vụ giám định hơi, nhóm chuyên đặc định các chất ma túy và chất nổ, nhóm làm nhiệm vụ bảo vệ. Những chú chó “không hiếu khách” thuộc giống chó bảo vệ, luôn gầm gừ và sủa to nhất đàn.


Thượng tá Cao Hùng Luận - Phó Trưởng phòng CSBV&HTTP cho biết, sau khi đã trải qua lớp huấn luyện 6 tháng tại Trung tâm huấn luyện Chó nghiệp vụ (C32)- Tổng cục Cảnh sát, mỗi chú chó sẽ được cấp chứng chỉ và có một huấn luyện viên chăm sóc, dạy dỗ. 18 chú chó ở Đội QLSD CNV, mỗi chú có tuổi đời trung bình từ 3 đến 4 năm và nặng trên 40kg. Vì là chó “Tây” nên để dễ huấn luyện và sử dụng, mỗi chú đều có tên cũng “Tây” như Micki, Lucxi, Nicxi, Talic, Laika, Zec...

Để đảm bảo sức khỏe hàng ngày tham gia luyện tập và các công việc chuyên môn, mỗi chú chó ở đây được hưởng tiêu chuẩn ăn theo quy định đảm bảo đủ chất với nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chúng là thịt bò, thịt gà, lòng lợn, cá... Sau khi dẫn chúng tôi thăm một lượt đàn chó, Trung tá Vĩnh bộc bạch: “Đây là những con chó rất khôn, có năng khiếu và cũng như người ấy. Huấn luyện viên dạy dỗ và chỉ bảo gì chúng đều hiểu, chấp hành ngay. Chỉ có điều, vì chúng không… nói được tiếng người để hiểu được chúng muốn gì, tình trạng sức khỏe ra sao chỉ bằng cách duy nhất là phải nghiên cứu về loài động vật này thông qua cử chỉ, ánh mắt, tiếng sủa của chúng. Điều quan trọng nhất trong nghề của huấn luyện viên chó nghiệp vụ là phải thực sự yêu thương, gần gũi với chúng. Tình cảm không nói được bằng lời, mà phải gửi gắm qua những cử chỉ hàng ngày khi tiếp xúc”.

Như chăm con mọn

4 mùa trong năm, chó nghiệp vụ “sợ” nhất mùa đông, bởi giá rét và những chứng bệnh như người mà chúng có thể mắc phải: ho, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Sức khỏe yếu sẽ ảnh hưởng đến quá trình luyện tập và nguy cơ lây nhiễm sang các con trong đàn. Chính vì vậy, hàng năm, Đội QLSD CNV đều phải xây dựng chi tiết, chu đáo kế hoạch chống rét cho đàn chó. Và nói như Trung tá Vĩnh, thì 20 năm trở lại đây, chó nghiệp vụ mới phải chịu và đã vượt qua an toàn trận rét “lịch sử” này, bằng công sức của huấn luyện viên và toàn đội.

Từ giữa tháng 1-2008, khi nghe bản tin dự báo thời tiết và các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bình luận liên tiếp về đợt rét đậm, rét hại dài nhất trong lịch sử, có thể còn kéo dài trong nhiều ngày nữa, toàn đơn vị đã triển khai ngay các biện pháp chống rét. Trên cơ sở dự trù kinh phí từ đầu năm, các anh đã mua 18 bục gỗ, 2,5 tấn bao tải gai, trên 4 tấn rơm để lót ổ đủ ấm cho tất cả các chuồng chó. Biện pháp thắp sáng điện về đêm để tăng ấm cho đàn chó cũng được áp dụng. Song có lẽ vất vả và công phu nhất vẫn là việc cho ăn và vệ sinh hàng ngày cho từng con chó. Thức ăn, đồ uống của chó luôn ấm, bởi nếu không đảm bảo nhiệt độ, chú nào chú nấy cũng chỉ liếm qua là bỏ ăn, uống ngay.

Hơn nữa, trong những ngày giá rét, anh em tăng cường nấu các món ăn khoái khẩu của chó khiến chúng luôn ngon miệng khi ăn. “Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân cho chúng có khi vất vả hơn chăm con mọn”, Thượng sỹ Lưu Quang Hùng, huấn luyện viên chú chó Lucxy nói vui. Quả thật, do chó béc giê chủ yếu bài tiết qua lưỡi, khóe mắt, mũi. Lông chó càng dày thì khả năng chịu rét càng kém nên hàng sáng, từng huấn luyện viên và bác sỹ thú y trong đơn vị dùng khăn ấm để rửa mặt và chải lông cho chó. Do có những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C nên đàn chó được phép dậy muộn và được “miễn” bài tập buổi sáng ngoài sân. Những ngày giá rét vừa qua mà trong đơn vị nhiều anh em giấc ngủ không trọn vẹn, nửa đêm nghe gió lùa qua khe cửa vội bật dậy đảo qua chuồng chó xem chúng ra sao. Để mỗi sáng khi thấy chúng vẫn khỏe mạnh bình thường, anh em lại một lần… thở phào.

Nhìn những chú chó khoẻ mạnh, lông mượt đang quan sát khách, chúng tôi không khỏi vui lây. Chợt nhớ đến tâm sự của chỉ huy Đội QLSD CNV: “Qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa rồi, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đàn chó. Chúng là những “người bạn” đặc biệt, giúp cho lực lượng Công an phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm”.

Tiến Chính