Đại gia vé số ra tù tìm núi tu thân

ANTĐ - Ông đã từng ở đỉnh cao của cuộc sống khi trúng 4 tờ vé số, từng tiêu tiền không tiếc tay, từng có nhiều bạn bè đến xin xỏ và ăn nhờ ở đậu nhiều ngày. Nhưng rồi “lộc trời” mấy chốc cũng chẳng bền lâu khi chỉ một thời gian ngắn sau số tiền kia cũng hết, còn ông vẫn giữ thói quen vung tiền qua cửa sổ để rồi nợ nần chồng chất. Bị đòi nợ ráo riết, ông đánh cả chủ nợ rồi thụ án tù vì tội cố ý gây thương tích. Ra tù với hai bàn tay trắng và số nợ lớn, ông ngày ngày cặm cụi làm việc để trả nợ đời, và trả nợ người.

“Của thiên trả địa”

Căn nhà nhỏ của ông Đặng Văn Đào (SN 1956) nằm cách biệt trong rẫy cà phê bạt ngàn giữa vùng đất 

Ya Xia (Sa Thầy, Kon Tum), muốn đi vào chỉ có một con đường duy nhất phải đi ngang qua rất nhiều vườn cà phê của các gia đình khác. Gặp không khó, nhưng để ông kể lại chuyện ngày xưa thì chẳng dễ dàng gì, bởi câu chuyện về cuộc đời ông muốn giấu kín cho riêng mình. Phải chờ ông từ sáng tới tối chúng tôi mới được gặp, có lẽ vì thấy được sự chân tình đặc biệt này nên ông cũng không còn ngần ngại mà mở lòng. 

Ông quê gốc ở thị trấn Bần (Văn Giang, Hưng Yên) nhưng cả cuộc đời cũng đã lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc, đi cả nước ngoài để làm việc. Hơn 17 tuổi, ông xin đi làm công nhân tại công trình thủy điện Thác Bà, rồi sau đó tới công trình thủy điện Sông Đà. Sau khi thủy điện Sông Đà hoàn thành, ông cùng rất nhiều công nhân khác của công ty được chuyển sang Phnom Pênh (Campuchia) xây dựng các công trình hữu nghị bên đó. Được hơn 2 năm, ông về lại Việt Nam và tiếp tục theo công trình thủy điện Yaly (Gia Lai). Và cũng chính thời gian sống ở đây, ông đã có những thời điểm “huy hoàng” của cuộc đời mình như cái cách ông trò chuyện với tôi.

Ông Đào kể: “Ngày ấy cách đây 15 năm, khi công trình thủy điện Yaly đang dần hoàn thành, công việc ít, mà tuổi tôi cũng đã lớn không theo được đoàn công nhân đi các công trình khác nữa, tôi xin ở lại đây với đồng lương ba cọc ba đồng. Tôi có chơi số đề, nhưng chỉ chơi cho vui thôi. Còn chuyện trúng vé số ấy thì cũng hy hữu lắm, vì tôi không phải là người mê vé số. Mấy tờ vé số ấy là của người ta cho đấy. Số là có anh bạn chuẩn bị đi công trình mới nên có tổ chức một buổi chia tay, rồi mua tặng mỗi người mấy tờ vé số. Chẳng hiểu sao trong cả chục người hôm ấy cùng mua mà chỉ có tôi trúng được thôi. Kể cũng lạ!”. Lần ấy 4 tờ vé số của ông Đào trúng gần 300 triệu. Ở cái thời điểm năm 2000 thì đó là cả một gia tài khổng lồ. Cả đời ông chưa bao giờ cầm được số tiền lớn quá 20 triệu chứ đừng nói tới 300 triệu như thế. Thời điểm ấy, vàng mới có hơn 400 ngàn một chỉ, với số tiền cao như thế, ông bỗng chốc một đêm thành đại gia của xứ này khiến không ít người bất ngờ.

Có tiền trong tay, ông bắt đầu ăn chơi cho thỏa những ngày đêm cặm cụi làm việc trong hầm, hay giữa trưa nắng rát mặt. Ông cười gượng mà chua chát: “Tôi cũng không hiểu tại sao hồi ấy mình lại hoang phí đến như thế. Còn trẻ không biết tính toán thì đã đành một nhẽ, đằng này tôi đã ngoài 40, đã có vợ con ở quê nhà rồi mà còn chơi hoang thế kể cũng dại dột thật. Lúc ấy tôi đã định mua miếng đất, đón vợ con vào ở cùng rồi dùng số tiền còn lại làm ăn buôn bán sống qua ngày. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cứ chơi. Hồi ấy bạn bè tôi nhiều “khủng khiếp” lắm! Đi đến đâu cũng thấy có người chạy tới tay bắt mặt mừng, rồi lại phải “khao” bằng những trận nhậu thâu đêm suốt sáng, em út xếp hàng để lựa thoải mái, tiền vung ra như nước không tiếc tay. Hồi ấy bạn bè “quý” và “nể” tôi lắm, nói gì ai cũng tán dương, cũng vỗ tay và khen hay cả! Nhưng rồi…!”. 

Ông Đào thật thà bộc bạch rằng, đến tận bây giờ ông cũng không hiểu mình tiêu pha như thế nào mà chỉ trong vòng hơn một năm, số tiền hơn 300 triệu kia vèo một cái là hết sạch sành sanh. Ông thì không nghiện ngập, không cờ bạc, chỉ có vui chơi với “bạn bè”, vậy mà hết! Trong khi vợ con ông ở nhà chưa được hưởng một đồng nào từ số tiền ấy! Hết tiền, nhưng ông nói không ai tin, vì dễ gì số tiền lớn đến thế có thể tiêu xài nhanh được. Người này người nọ bắt đầu khích bác, bảo rằng ông keo kiệt, bảo rằng ông tính toán. Vì sĩ diện, ông vay tiền bạn bè, vay tiền nhiều người để tiêu xài vì đã “quen” với việc “vung tiền lấy oai” như trước đó. Người ta cho ông vay tiền, tính lãi suất với giá cắt cổ vì “ông mới trúng số, tiền nhiều lắm!”. Cho vay rồi mãi mà không thấy ông đem tiền đến trả, người ta đến đòi, ông khất lần khất. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác quá mức chịu đựng, các chủ nợ tìm đến nơi ông ở với số tiền lãi mẹ đẻ lãi con đến mức chóng mặt tới hơn 100 triệu. Tá hỏa, ông xin từ từ trả nợ. Nhưng không ai chịu. Họ hè nhau đánh ông. Bị nhiều người cùng đánh một lúc, ông chỉ biết cúi đầu chịu đòn rồi chẳng biết vớ được con dao ở đâu, thế là cứ vung lên loạn xạ. Mấy người bị đâm trúng, mấy người bị đâm trượt cứ náo loạn cả một vùng. Ngày hôm sau ông bị bắt. Chấm dứt chuỗi ngày huy hoàng của cuộc đời, thay vào đó là những chuỗi ngày đầy đau khổ.

Trả nợ đời

“Đại gia vé số” bị tuyên án 4 năm 3 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Sự đời quả thật cũng vô cùng hy hữu khi vợ con ông ở quê nhà chỉ biết đến chuyện ông trúng số sau khi ông bị bắt vào tù. Ngồi trò chuyện với tôi bên tách cà phê được chính ông trồng, lựa những hạt chuẩn nhất tự rang và pha ra để tiếp khách, “đại gia” một thời hồi tưởng về thời tiêu tiền như nước của mình. Trong câu chuyện, người đàn ông 58 tuổi này tránh nhắc lại chuyện xưa. Ông chỉ thao thao về đàn gà thả vườn, về hơn 1ha cà phê cho thu hoạch mỗi năm cũng được dăm ba trăm triệu. Thế nhưng đó là chuyện của bây giờ, còn cái ngày ông vào tù, rồi ra tù lại là những chuỗi ngày thăng trầm nhất của cuộc đời. Trầm ngâm, ông Đào bảo: “Người ta bảo “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nhưng với tôi, những ngày ở tù không buồn bằng 2 năm ra tù sau đó. Trong tù, tôi vẫn hy vọng sẽ được những người nhận là bạn bè, những người đã kết nghĩa anh em với tôi lúc tôi có tiền đến thăm, rồi khi ra tù nhờ họ giúp đỡ cho một công việc nào đó. Thế mà suốt 4 năm ở tù không ai một lần đến thăm. Lúc ra tù, gõ cửa khắp nơi, ở đâu họ cũng ngoảnh mặt quay lưng như chưa hề quen biết, buồn cho cái tình đời ấy thế. Chỉ có vợ con tôi là chờ đợi tôi, thăm nuôi tôi, rồi tha thứ và bao bọc cho tôi những ngày ấy. Thật không gì đau xót bằng!”.

Ra tù, ông về quê một thời gian nhưng không sống được ở quê nhà vì những lời thị phi, vì sự nghèo khó nên quyết định đi tìm những người bạn xưa đã từng vui thú với ông lúc ông có tiền. Nhưng rồi ông chỉ nhận được những lời hứa hẹn, hay chua chát hơn là sự thờ ơ. Buồn bã, ông quyết định vào Yaly một lần nữa, với hy vọng làm lại từ đầu. Mấy năm trời không chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất thủy điện này, nên ông ngỡ ngàng trước sự đổi mới của nó. Những công nhân ngày xưa đã đi hết, chỉ còn lại một số ít và những cư dân đi kinh tế mới vào, nên quá khứ của ông không mấy ai còn được biết. Ông làm thuê làm mướn, cố gắng tằn tiện để gửi về quê cho vợ trả nợ số tiền ngày trước ông còn nợ của người ta. Lúc ông đi tù, các chủ nợ đã bắt vợ ông phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi. Bí kế, người vợ tảo tần của ông phải bán mảnh vườn để lấy tiền trang trải chỉ giữ lại ngôi nhà nhỏ mà vẫn không đủ, phải vay mượn thêm để bù vào số tiền đó. Biết vợ một đời đã khổ vì mình, lúc ấy ông ân hận lắm nên chỉ còn cách cắm đầu vào làm việc. Cơ may rồi cuối cùng cũng đến, năm 2008 cà phê mất giá nên nhiều chủ vườn muốn bán tống bán tháo đi để chạy nợ. Ông bảo vợ vay mượn thêm ít tiền rồi mua lại 1,2 ha cà phê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Có vườn cà phê, ngày ngày ông dồn tất cả sức lực vào chăm bón, thu vén để trả nợ. Qua nhiều năm có được có mất, đến bây giờ, số nợ ông đã trả hết, lại có dư được chút ít để xây một ngôi nhà nhỏ rồi đón vợ con vào sinh sống ở mảnh đất Tây nguyên này. 

Bây giờ, người đàn ông lừng lẫy ngày nào chỉ vui vẻ với vườn cà phê cùng đàn gà và gió ngàn. Nơi ông ở chỉ là một căn chòi mái tôn, tường xây loang lổ, chưa sơn, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ và cái  bếp dùng để nấu nướng. Dưới tán lá của hàng cây sầu riêng cao vút giữa vườn là chiếc võng đã rách vài chỗ. Ông ngày ngày nghỉ ngơi ở đó với dáng vẻ đen nhẻm như một nông dân thực thụ. Ông bảo giờ mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại, khỏe thì vun gốc cây, bắt sâu, mệt thì lên võng đu đưa thư thả, lánh xa những chuyện thị phi của cuộc đời. Hỏi về những người bạn, những người một thời ông giao du, giúp đỡ. Ông trầm giọng, một thoáng buồn ẩn sau đôi mắt: “Đã lâu rồi không còn ai đến nữa!”.