"Đại bàng" miền Trung "gác kiếm" hoàn lương

ANTĐ - Trong căn nhà nhỏ ven quốc lộ 1A chất đầy những phách gỗ lũa đẹp đến mê hồn, ông Phạm Thế Thanh đang ngày ngày đục đẽo, gia công tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ, bỏ lại sau lưng những tháng ngày đã hằn in trong những nếp nhăn dưới mái đầu bạc. Gặp ông, ít người nghĩ rằng ông từng một thời là tay giang hồ khét tiếng dọc miền Trung.

"Đại bàng" miền Trung  "gác kiếm" hoàn lương  ảnh 1
Tuổi thơ dữ dội

Phạm Thế Thanh chào đời trong vùng quê nghèo ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cậu bé Thanh thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác khi chỉ được sống bên mẹ vẻn vẹn 3 tháng. Năm đó, vì không chịu nổi những khó khăn gian khổ nên cha của Thanh đã đem theo vợ bỏ vào Huế sinh sống, gửi đứa con trai còn đỏ hỏn cho người em gái ở quê nghèo. Cuộc đời Thanh bắt đầu “khác thường” từ đó. 

Bà cô ruột của Thanh là người chuyên sống bằng nghề buôn bán nay đây mai đó nên thường dắt theo đứa cháu nhỏ đi cùng. Cô thì mải mê kiếm tiền còn cháu thì lủi thủi một mình và dần trở thành một cậu bé cô độc. Lớn hơn một chút, Thanh được cô cho đi học, nhưng Thanh thường mong sớm đến kỳ nghỉ hè để được theo chân cô đi buôn bán sống kiếp bụi trần ăn đường ngủ quán. Những tháng ngày lang thang theo cô đã biến Thanh từ một cậu bé cô độc thành một cậu trai lỳ lợm và ngang tàng, nóng nảy. Ở trường, Thanh sẵn sàng ăn thua đủ với bất kỳ thằng bạn nào dám chọc vào mình. Ở quê, chúng bạn cùng lứa sợ Thanh như sợ hổ bởi ngoài máu yêng hùng với những ngón võ học được đã giúp Thanh khẳng định được chỗ đứng trong đám bạn của mình khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Mới hơn 17 tuổi, Thanh quyết định bỏ học vào Quảng Trị xin học nghề sửa chữa đồng hồ để kiếm sống. Tuy nhiên, quen đi đây đó nhiều nên Thanh nhanh chóng chán với việc phải ngồi một chỗ. Rảnh rỗi lúc nào là Thanh lại thường xuyên tụ tập bạn bè ăn nhậu, quậy phá. Tuổi thơ dữ dội của Thanh kết thúc ở tuổi 19, trong một ngày tháng Giêng năm 1971 trước cửa trại giam Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình sau khi Thanh đánh trọng thương người đàn ông ăn trộm đồng hồ của mình.

Rẽ lối giang hồ

Bước vào nhà giam, tấm vé thông hành vào chốn giang hồ bắt đầu được đóng dấu cho Thanh. Sau khi bị bắt vào trại giam Đồng Sơn, tính hiếu thắng thích ăn thua nhanh chóng khiến Thanh trở thành đầu sỏ trong đám tù tội. Sau những cuộc đấu sức để xưng hùng xưng bá với rất nhiều bạn tù, Thanh bị chuyển ra Trại giam số 3 ở Tân Kỳ, Nghệ An. Tại Tân Kỳ, Thanh tiếp tục trở thành đầu sỏ trong việc tranh chấp ngôi vị đại ca trong tù vì bản tính hiếu thắng. Cái tên “Thanh đại bàng” cũng ra đời ở Trại giam Tân Kỳ sau vài lần suýt mất mạng vì thư hùng với một đại ca khác là “Phong nghĩa địa”.

 “Hồi đó mình cũng chẳng phải ghê gớm gì đâu. Chẳng qua ghét mặt mấy thằng kia thường muốn đạp trên đầu người khác nên mình không chịu được lại sôi máu nhảy vào. Vậy nên dù cải tạo tốt nhưng mình bị ngồi trại dài dài dẫu tội trạng ban đầu không nặng”, Phạm Thế Thanh kể. Sau 7 năm ngồi tù, Thanh được mãn hạn về quê vào những ngày đất nước trở lại hòa bình. Không người thân thích ở quê nghèo, bước chân cô độc của Thanh “đại bàng” lần hồi vào Huế tìm lại gia đình. Sau hơn 20 năm xa cách, tủi nhục, Thanh mới được gặp mặt cha mẹ.

Với bản tính giang hồ của mình, ở Huế chưa được bao lâu thì Thanh âm thầm bắt liên lạc với 2 bạn tù cũ trong Trại giam Tân Kỳ để lập đường dây buôn thuốc Tây lậu do mình cầm đâu. Ở giới giang hồ bên ngoài, Thanh khét tiếng với cái tên “đại bàng miền Trung” bởi Thanh sẵn sàng đáp trả băng nhóm nào đụng đến những chuyến hàng của mình trên đường áp tải từ Huế ra Vinh, xa hơn là ra Bắc. Danh tiếng của Thanh được vô số tay anh chị từ Huế ra phía Bắc biết đến, không ai lạ gì “đại bàng miền Trung” cả.  

Nhưng rồi, đường vào tù lại mở khi Thanh bị bắt trong một lần chuyển hàng ra bán ở Quảng Bình. Tháng ngày Thanh tung cánh tự do chấm dứt bằng cánh cửa nhà lao Thừa Phủ (Thừa Thiên - Huế). “Đại bàng miền trung” có thêm gần 10 năm khắp các nhà giam để tranh giành chỗ đứng. “Nhớ mãi hồi ở trại Hoàn Cát (Quảng Trị), mình đâu có giỏi võ bằng “Long võ sư” vốn nổi tiếng một thời chuyên cướp tài sản của lính ngụy để ăn chơi.

Nó đứng cho mình đánh không ngã được nó ấy chứ. Ấy thế mà sau hàng chục lần thua trận, mình cũng đã thắng được nó bằng bản lĩnh”, Thanh đại bàng kể về quãng thời gian liên tục bị chuyển khắp các trại giam từ Huế ra Quảng Bình. Đánh nhau, làm đại ca trại tù mãi rồi cũng chán, “Đại bàng miền Trung  cũng đến lúc mỏi mệt”, Thanh tích cực cải tạo, học nghề, làm tổ trưởng, nhóm trưởng thợ mộc trong tù rồi được trả về cuộc đời khi đã ở 

tuổi 37.

Bờ bình yên không muộn

Ra tù, Phạm Thế Thanh quay về vùng quê nghèo Lương Ninh với hai bàn tay trắng, dò dẫm từng bước làm lại cuộc đời mình và tìm đường phục thiện. Với chút tiền được các cán bộ cho trước khi rời trại giam, anh mua ngay một bộ đồ nghề, mở cái quán sửa xe đạp gần bãi tha ma ven quốc lộ 1A để kiếm sống, gắng làm lại cuộc đời. Anh làm mọi việc để có thể kiếm tiền bằng mồ hôi, sức lao động chân chính.

Nào phụ hồ, đào đất, bốc vác… kết hợp với cái quán sửa xe đạp nhỏ khiến cho cuộc mưu sinh của Thanh không đến nỗi chật vật. Tuy nhiên cái mác “ở tù về” vẫn khiến cho Thanh bị nhiều người xa lánh, đặc biệt là các cô gái đều “chạy mất dép”. Nhưng rồi cuộc đời cũng không quay lưng lại với Phạm Thế Thanh khi cô gái Lê Thị Cơ đã nhận lời yêu anh dù cha mẹ một mực ngăn cản. “Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời”, cuối cùng cha mẹ cô gái cũng bị thuyết phục bởi chàng trai chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn.

Năm 1982, cưới vợ xong, Thanh chuyển sang học làm thợ may rồi học nấu ăn để mở quán ăn tại quê nhà. Có của ăn của để, hai vợ chồng bàn nhau vay vốn ngân hàng tham gia khai thác sắt và trở thành triệu phú vào những năm đầu thập kỷ 90. Chẳng được bao lâu thì mỏ sắt của ông chủ Thanh bị thu hồi bởi ngày đó Nhà nước không cho phép tư nhân khai thác. Vỡ nợ, lại trắng tay, anh quay lại mở quán cơm và tìm con đường khác làm ăn.

Đến 2002 thì Phạm Thế Thanh chính thức chọn hướng đi chủ lực, mở một xưởng mộc mỹ nghệ chuyên chế tác, chạm khắc những vật dụng thường ngày như bàn, ghế, giường, tủ… Vốn là một thợ giỏi từng được làm tổ trưởng tổ thợ mộc của đám bạn tù nên tay nghề chạm khắc đục đẽo của Phạm Thế Thanh thuộc loại “hàng xịn”. Từ lúc ra tù, những lúc rảnh rỗi, ông vẫn giữ ngón nghề ấy để làm một số vật gia dụng phục cho gia đình mình. 

Đôi bàn tay tài hoa và con mắt tinh đời đã giúp anh tạo nên hàng nghìn sản phẩm “hút mắt” khách hàng trong Nam, ngoài Bắc bởi chúng chất chứa cả những nỗi niềm của một người từng trải gian truân. Những gốc già, những rễ cây đã khô cứng tưởng chừng vô giá trị nhưng qua tay ông đều trở thành những đồ vật có hình hài rất sống động, đẹp mắt. Ở cái tuổi 67, dẫu không còn day dứt bởi những tháng ngày cũ nhưng Phạm Thế Thanh vẫn luôn soi mình vào đó để “giữ lòng mình được trong dù làm bất cứ việc gì”, sống bình yên bên người vợ hiền và hai đứa con chăm ngoan, học giỏi. Hơn nửa đời người ngụp lặn giữa gió bụi phong trần của cuộc đời, “đại bàng miền Trung” đã tìm cho mình bến bờ bình yên không đến nỗi muộn màng.