Cuối năm, về làng vàng mã Đông Hồ

ANTĐ - Đến làng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh những ngày này đâu đâu cũng ngợp trời vàng mã. Hiện Đông Hồ đã có tới 90% các hộ làm vàng mã. Những chiếc ô tô Mercedes, Lexus y như thật có giá lên tới hàng chục triệu đồng vẫn được các đại gia đặt hàng để gửi xuống người âm. Thật buồn, làng tranh dân gian Đông Hồ đã đi vào thơ ca bấy lâu giờ đã không mấy ai gọi bằng cái tên ấy nữa, thay vào đó người ta gọi bằng một cái tên khác: Làng vàng mã Đông Hồ!
Cuối năm, về làng vàng mã Đông Hồ ảnh 1

Tiếc cho một làng tranh

Tranh Đông Hồ lừng danh đất Kinh Bắc, những năm cực thịnh, cả làng có tới 150 nhà thuộc 17 dòng họ làm tranh để bán. Cụ Nguyễn Hữu Sam, đã ngoài 80 tuổi tiếc nuối: Những năm 1942 - 1943, thời kỳ được xem là phát triển mạnh mẽ nhất của tranh Đông Hồ. Lúc đó tôi còn nhỏ, cứ Tết đến, làng Đông Hồ lại nhộn nhịp, ai cũng tìm về làng  mua tranh để về treo trong nhà đón mừng năm mới. Hồi ấy, chỉ có cái làng Đông Hồ này làm tranh thôi. Người ta chuộng tranh Đông Hồ vì nó phản ánh được đa dạng đời sống người dân Việt. Cả đời tôi chỉ gắn bó với nghề này chứ không làm nghề khác, tôi gìn giữ và trân trọng nó. Nhưng giờ chỉ làm cho vui, ít người mua lắm. Tiếc thì có tiếc, nhưng biết làm sao được. Giờ người dân cũng phải làm thứ mà xã hội cần, vì cơm áo, gạo tiền… Tranh Đông Hồ nổi tiếng là vậy, nhưng có cung mà không cầu thì người dân phải sống làm sao?

Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ giờ chỉ còn 3 hộ làm là nhà ông Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Nhật Sở, còn lại đều chuyển sang nghề vàng mã. Được biết, cuối tháng 9-2004, nhờ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, sở VHTT&DL Bắc Ninh đã khai trương “Phòng tranh Đông Hồ”. Tuy nhiên, những cố gắng cũng chỉ dừng lại ở việc “gắn thêm mác” cho phòng tranh của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Từ đó cho tới nay, câu chuyện về hướng đi của tranh Đông Hồ vẫn bị bỏ ngỏ, mặc thời gian đẽo gọt và sự già nua của người giữ nghề. 

Cuối năm, về làng vàng mã Đông Hồ ảnh 2

90% hộ dân làm vàng mã

Đa phần các hộ đã chuyển sang làm vàng mã. Cũng nhờ vàng mã mà kinh tế cả làng cũng khá lên. Những hộ giàu là những hộ có mối xuất vàng mã đi Đài Loan, hộ khá thì làm vàng mã bán cho các tỉnh miền Bắc. Mỗi nhà chỉ làm một vài mẫu, vài sản phẩm nhất định nên chuyên nghiệp và số lượng hàng hóa luôn được đáp ứng khá nhanh trong thời gian ngắn. Theo thống kê hiện Đông Hồ có tới 90% các hộ làm vàng mã. Dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân hay cuối năm vào Tết, làng Đông Hồ nhộn nhịp, tấp nập xe ra vào chở hàng đi các tỉnh. Trần sao âm vậy, từ bát đĩa đến ô tô xe máy, nhà lầu, võng lọng ngựa, xe, hình nhân, nón, hài, tủ lạnh, ti vi, điện thoại Iphone 6… không thiếu một thứ gì.

Chúng tôi dừng chân tại nhà anh Nguyễn Văn Bình, cả sân rộng được phơi giấy đủ sắc màu. Bên trong nhà, có đến chục người đang hối hả cắt, dán, vẽ, tô… Anh cho biết đã hơn một tháng nay cả nhà làm ngày làm đêm cho kịp các mối đặt hàng. Thông thường quanh năm chỉ làm những mẫu như giấy đinh, giấy tiền, vàng thỏi, nón lá, guốc mộc, khăn đóng, áo dài, áo vest, áo quần bộ. Nhưng đến cuối năm thì có nhiều đơn hàng đặt xe ô tô, nhà cao tầng, làm kỳ công và mất thời gian lắm. Nhưng bù lại giá cao nên cũng cố làm. Cả năm chỉ được mùa cao điểm là những ngày này”. Anh cho biết thêm đơn  hàng anh vừa nhận được là của một quan chức đặt hàng 2 chiếc xe BMW, 5 chiếc Iphone 6, 5 nhà cao tầng, ngoài ra là quần áo, tiền vàng có giá trị lên tới vài chục triệu đồng. Làm xong phải bí mật chở đến nơi họ đốt. 

Khi được hỏi theo anh liệu những người cõi âm có nhận được không thì anh lắc đầu: Tôi chịu, làm sao biết được họ có nhận được không? Nhưng người ta đặt hàng thì mình cứ làm, thời gian đâu nghĩ đến những chuyện đó. Vậy sau khi có Nghị định của Chính phủ xử phạt về việc đốt vàng mã nơi công cộng thì công việc của anh có bị ảnh hưởng không? - Tôi chả thấy có gì thay đổi. Vẫn thấy người ta đặt hàng ầm ầm. Cả làng Đông Hồ này làm vàng mã quanh năm, có thấy ai thất nghiệp đâu. Mà hình như kinh tế càng khó khăn thì người ta càng đốt nhiều. Đốt để hy vọng người âm phù hộ. 

Anh kể anh từng nhận nhiều đơn hàng của các đại gia nhà đất, chứng khoán. Kinh tế khó khăn, thua lỗ, đến cuối năm các đại gia không tiếc tiền đổ ra đặt hàng đủ mọi thể loại gửi xuống âm phủ. Nhiều đơn hàng lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. “Tôi làm nghề này chục năm rồi. Cũng thấy riêng việc mua vàng mã cũng phản ánh được tâm tính của nhiều người Việt, rất  mê tín và tham lam. Nhiều quan chức tham nhũng, phạm tội thì đốt vàng mã thật nhiều để mong mình thoát tội. Nhiều người lại có suy nghĩ cứ làm việc bất chính đi rồi đốt nhiều vàng mã, chăm sóc người cõi âm thật tốt để lúc nào cũng có người che chở, phù hộ, không phải lo lắng gì. Nhiều gia đình vì muốn chứng tỏ mình có “tâm”, thành kính nên cũng mua thật nhiều vàng mã đốt để tích đức. Có người đốt vàng mã để toại nguyện ước muốn có một vật dụng nào đó thì đốt mô hình đồ vật đó.

Cuối năm, về làng vàng mã Đông Hồ ảnh 3

Ngày càng biến tướng

Trở về phố Hàng Mã, nơi được xem là trung tâm vàng mã của Hà Nội, từ xa chúng tôi được kéo vào mời chào: Chọn đồ đi em, ở đây có đủ hết, cuối năm mua đốt cho các cụ để các cụ phù hộ cho năm mới được mọi điều như ý, giá cả thì khỏi phải nghĩ” - một chị bán hàng săn đón - Iphone 6, laptop, tivi, biệt thự, xe sang, cái gì cũng có hết em ạ. Tôi chỉ một nhà lầu 3 tầng thì được biết giá là 1.000.000 đồng/căn. Bà Nguyễn Thị Mai, quận Hoàn Kiếm đang mua hàng cũng tâm sự: Con gái tôi ngoài 20 tuổi không may mất vì bệnh ung thư nên tôi thương nó lắm. Cuối năm nào tôi cũng sắm đủ quần áo, tiền vàng, nhà lầu, xe hơi, điện thoại… để gửi xuống cho nó. Chả biết nó có nhận được không nhưng mình cũng yên tâm, đỡ áy náy. 

Bà Nguyễn Thị Vân, bán hàng mã lâu năm trên con phố này thì cho rằng đốt vàng mã là một nét văn hóa thể hiện lòng hiếu thảo, kính ngưỡng ông bà, có từ lâu đời. Tuy nhiên cũng chỉ cần sắm bộ quần áo, đôi giày, đôi dép, ít tiền giấy đốt là đủ, không cần phải nghĩ ra ô tô, nhà lầu làm gì.  

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại nhưng những hủ tục mang màu sắc mê tín vẫn chưa được loại bỏ. Ngoài sự nguy hại với nỗi ám ảnh giặc hỏa tung hoành, ô nhiễm môi trường và hệ lụy ghê gớm thấy rõ nhất là sự lãng phí. Nhiều gia đình ít thì vài trăm nghìn đồng, nhiều thì vài triệu, chục triệu, trăm triệu cứ thế đốt. Không có một thống kê nào nhưng số tiền bị đốt thành tro bụi chắc chắn không  hề nhỏ. Cách đây không lâu tại một ngôi chùa trong thành phố Hồ Chí Minh thay vì mang vàng mã đến các phật tử tiến cúng bằng tiền mặt để nhà chùa làm công đức,  giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ và số tiền tiết kiệm được trong vòng 2 năm đã lên tới gần tỉ đồng. Thiết nghĩ số tiền hằng năm người ta châm lửa đốt một cách vô tác dụng như vậy nếu đem đến các cơ sở từ thiện hoặc giúp đỡ người nghèo khó thì thật ý nghĩa biết bao và đó có lẽ mới thực sự là sự “tích đức”. Trong Phật giáo, chúng ta không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này.  

Nghị định 75/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã quy định, việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Song thực tế, vì thiếu những chế tài đủ mạnh nên đến nay, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra như một điều hiển nhiên, đặc biệt là vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới.