Cuộc sống phía sau cánh cổng làng phong Văn Môn

ANTĐ - Trong bóng tối, họ không phải nhìn thấy chính mình, không phải nhìn thấy lờ mờ cuộc sống qua đôi mắt không còn tinh.

Nỗi cô đơn khi bóng tối bao trùm

Trong cái thời tiết se lạnh của mùa đông, chúng tôi tìm tới Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn– nơi đã bao dung bao con người mắc bệnh phong- nơi mà người dân địa phương quen gọi là "làng phong". Từ cổng nhìn vào, trong những dãy nhà hai tầng đã cũ, chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân mắc bệnh phong đang tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân buổi sáng cho mình. Đó là những con người, tay không còn cầm nắm, chân không còn tự bước được, mắt đã mờ, lòa... Không thể tưởng tưởng nổi, họ - những bệnh nhân phong đã sống ở nơi đây từ khi chỉ là những cô, những cậu thanh niên tuổi đôi mươi. 

Không nằm trên trục đường chính, Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn nằm ẩn mình trên triền đê sông Hồng, đoạn chảy qua xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Bước chân vào trong cánh cổng bệnh viện, lập tức người ta có cảm giác như bước chân vào một thế giới khác. Có một cái gì đó buồn- chậm- im lặng theo những bóng người lặng lẽ nơi thềm nhà, ghế đá dưới gốc cây.

Bệnh nhân phong ở bệnh viện có giờ giấc sinh hoạt hoàn toàn khác với cuộc sống bên ngoài. Không có bữa sáng lúc 7h, bữa trưa lúc 11, 12h, cũng chẳng có bữa tối lúc 19h. Họ chỉ có bữa ăn lúc 9h30 sáng và bữa ăn lúc 15h30 chiều, khi bữa tối 19h của những người bình thường khác bắt đầu thì cũng chính là lúc họ chìm vào bóng tối. Giường ai người ấy nằm, chăn ai người ấy đắp. Bóng tối bao trùm càng khiến những bệnh nhân phong nơi đây càng thêm cô đơn. 

Cuộc sống phía sau cánh cổng làng phong Văn Môn ảnh 1Những ánh mắt cô đơn luôn dõi về quê hương, nguồn cội- nơi họ có song không thể về
Trong bóng tối, họ không phải nhìn thấy chính mình, không phải nhìn thấy lờ mờ cuộc sống qua đôi mắt không còn tinh.

Chúng tôi thấy trong mắt họ là những kí ức buồn, những nỗi cô đơn không thể hóa giải, sự thiếu vắng của những người con, người cháu, dẫu biết rằng các hộ lý, điều dưỡng nơi đây đều coi họ là cha là mẹ để chăm sóc, phục vụ. Cụ Triệu Thị Đạo vẫn nhớ rằng: “Tôi quê ở Hà Nội, vào đây khi mới hơn 20 tuổi, chẳng có người thân. Anh em chết hết rồi, còn cháu thì cũng chẳng có. Ăn có thể chưa no, mặc có thể chưa ấm...nhưng nó không quan trọng bằng tình thân máu mủ’’. Nói tới đây, giọng cụ lạc đi, trầm lại khiến cho chúng tôi cảm thấy nỗi buồn khó nói thành lời.

Cuộc sống phía sau cánh cổng làng phong Văn Môn ảnh 2Một cụ già với đôi chân giả của mình
Với những con người đáng thương này, con đường dẫn tới bệnh viện phong là điều họ muốn quên đi. Trong số họ, có người quên, người nhớ về quê hương nguồn cội. Nhưng có để làm gì- khi họ cũng chẳng còn được nhớ tới, chẳng được gia đình quay lại đón về. Tất cả họ, hòa chung vào một cộng đồng- làng phong. 

Trong số hơn 300 bệnh nhân nặng, có những người nhập viện từ ngày đầu bệnh viện được thành lập. Nhiều người đã mất, nhưng cũng có người vẫn sống trong cô đơn cho tới bây giờ, không họ hàng thân thích. Dù sao họ vẫn được an ủi phần nào khi được sống cùng với những người cùng cảnh ngộ. 

Những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ cũng có ruộng, có vườn để cấy cày gặt hái, có cả chùa lẫn nhà thờ để sinh hoạt tín ngưỡng. Họ cũng có nhà văn hóa để sinh hoạt ngày lễ, tết. Chúng tôi có cảm giác, họ có đủ những thứ mà những người bình thường ngoài xã hội có. Nhưng cái “đủ” ấy chỉ vỏn vẹn bên trong cánh cửa đã nhuốm màu thời gian.

Cuộc sống phía sau cánh cổng làng phong Văn Môn ảnh 3

                                 Trong một căn buồng sinh hoạt của bệnh nhân phong

"Lời thề y đức và tình người đã níu kéo chúng tôi..."

Quay ngược thời gian, trại phong Văn Môn Thái bình được thành lập từ năm 1900 (tiền thần của Bệnh viện Phong da liễu Văn môn ngày nay). Là trung tâm kinh tế của tỉnh, nên thị xã Thái Bình thời đó đã cuốn hút những người nghèo khổ ở các làng xã trong tỉnh, trong đó có bệnh nhân phong, về đây. Ban ngày họ vào thị xã xin ăn, đêm thì tá túc ở các xóm làng quanh đấy. Cuối cùng, theo đề xuất của một vị giám mục Kitô tên là Sr.D.F Pedro Muan gorni, ông công sứ người Pháp- Vouillon thấy cần thiết phải dành một nơi ở xa thị xã lập trại phong, để thu gom tập trung những bệnh nhân phong đi lang thang ở tỉnh lỵ, và từ đó trại được thành lập ở một gò bên bãi sông Hồng của làng Văn Môn, được gọi là trại phong Văn Môn.

Hiện nay, theo tiêu chuẩn, sống tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân phong sẽ được nhà nước hỗ trợ là 510.000 đồng/tháng/cụ. Số tiền này được bệnh viện dùng để chi trả cho bữa sáng và thuốc bổ sung cho các cụ dùng khi cần thiết. Trước đây, chỉ những cụ nào bị bệnh nặng mới được ưu tiên thêm 1 bát canh để cho dễ ăn, nhưng hiện nay do có mức hỗ trợ như vậy, cụ nào cũng canh để ăn, có thức ăn để gắp.

Ở đây không thể không nhắc đến đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... luôn sống chứa chan tình người, là trụ cột để cho những bệnh phong níu giữ số phận của mình. Nhiều người trong số họ, đã gắn bó gần như suốt thời gian công tác trong ngành y tế của mình với bệnh viện phong. Từ những thập niên 50-60, khi phong bị coi là bệnh nan y, là thứ "dịch hạch" khủng khiếp, người mắc bệnh thường bị đuổi ra khỏi làng... cho đến ngày nay, dù quan niệm đã cởi mở hơn, song nhiều người vẫn xa lánh bệnh nhân phong, thì họ, hàng ngày hàng giờ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân phong.

Một bác sĩ không muốn nêu tên của bệnh viện tâm sự: Cũng cùng chuyên môn da liễu, nếu làm ở bệnh viện tuyến trên, hoặc ra ngoài mở phòng khám tư chúng tôi có thể làm kinh tế tốt hơn, giúp đỡ gia đình. Ở đây thì chỉ được hưởng lương đúng theo quy định. Nhưng nhìn họ, toàn những người đáng tuổi bố mẹ, ông bà mình sống cô đơn không con cháu ở đây, tự nhiên thấy thương cảm vô cùng. Lời thề y đức cùng với tình người đã níu kéo chúng tôi ở lại, và khi thời gian qua đi, thực sự chúng tôi coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình.