Cùng nữ phi công chinh phục bầu trời

ANTĐ - Nghề phi công những tưởng chỉ phù hợp với nam giới. Nhưng với niềm khao khát làm chủ những con “chim sắt” để được bay trên bầu trời, nhiều cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã theo đuổi ước mơ đến cùng. Đáng nói, không ít nữ phi công đã trở thành cơ trưởng, cơ phó, vị trí quan trọng bậc nhất trong phi hành đoàn.

Cùng nữ phi công chinh phục bầu trời ảnh 1Nữ cơ trưởng tuổi 28 Huỳnh Lý Đông Phương 

Nữ cơ trưởng tuổi 28

Mới tiếp xúc với Huỳnh Lý Đông Phương (SN 1987) không ai nghĩ rằng, cô đã trở thành nữ cơ trưởng đầu tiên của hàng không Việt Nam, điều khiển dòng máy bay A321 của Vietnam Airlines. Huỳnh Lý Đông Phương khá cao, không thua kém người mẫu, dáng mảnh khảnh, có gương mặt khả ái. Cuốn hút người đối diện từ cái nhìn đầu tiên bởi phong thái và sự duyên dáng. Lần đầu khi gặp Đông Phương, nếu không biết trước cô là một nữ cơ trưởng thì ai cũng nghĩ, cô đang hoạt động trong giới showbiz. 

Để theo đuổi ước mơ được bay, được tự mình làm chủ một chiếc máy bay trên bầu trời, Đông Phương đã bỏ dở 2 năm học Đại học Kinh tế quốc dân TP.HCM để quyết định sang Pháp tu nghiệp.  Trong 2 năm Đông Phương theo học ngành kinh tế, mẹ cô vẫn có một linh cảm, con gái mình không hề thích ngành nghề này mà vẫn ước mơ được làm phi công. Dù biết vậy, mẹ Đông Phương vẫn khó có thể đáp ứng nguyện vọng của con gái, bởi phi công là một nghề nguy hiểm. Đó còn chưa kể, những tiêu chuẩn để trở thành một phi công cũng rất ngặt nghèo, đặc biệt với phái nữ nên chưa chắc Đông Phương có thể đáp ứng. Tuy nhiên, với mơ ước cháy bỏng được trở thành một phi công, Đông Phương chưa bao giờ từ bỏ ý định và tìm mọi cách thuyết phục bố, mẹ. Biết không lay chuyển được ước mơ của con gái “rượu”, gia đình đã đồng ý cho Đông Phương đi học phi công từ tháng 9-2007 tại Pháp.

Chia sẻ về những kỷ niệm thời gian đào tạo tại Pháp, Đông Phương cho biết, kiến thức về ngành hàng không thời điểm đó với cô là con số 0 tròn trĩnh. Trong khi đó, các bạn ai cũng có kiến thức, am hiểu về ngành này, thậm chí nhiều người đã được tham gia các chuyến bay. Cảm giác ban đầu của cô khá “hẫng” và lo không đuổi kịp mọi người trong lớp, nhất là trong một môi trường giáo dục khá mới và xa lạ. Để bù phần kiến thức thiếu hụt, cô đã vùi đầu vào học, gặp bất kỳ khó khăn nào cô đều tự động viên mình phải vượt qua. Có hôm, cô bị ốm nhưng vẫn cố đi bay huấn luyện và bị nôn.

Đông Phương kể lại: “Lúc đó, về phòng tôi đã khóc rất dữ. Tôi tự nhủ, tố chất mình không thể trở thành một phi công và mình phải chấp nhận với thực tế không thể thay đổi này”. Tuy nhiên, khi nhìn lại mình trong gương, Đông Phương tự nhủ sẽ làm được phi công và phải có được tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu để không phụ sự kỳ vọng của gia đình. Và sự cố gắng của một cô gái mảnh mai đã mang về kết quả như mong đợi. 

Chia sẻ về cảm giác lần đầu tiên được làm chủ một chiếc máy bay, nữ cơ trưởng của Vietnam Airlines cho biết: “Lần đầu tiên tự mình lái máy bay cất cánh, hạ cánh, thời điểm mỗi phi công không cho phép mình mắc bất kỳ lỗi nào, dù nhỏ nhất là cảm giác khó quên trong đời của Đông Phương. Có một chút hồi hộp ở tay lái, một chút lo lắng nhưng khi hoàn thành thì cảm xúc như vỡ òa, xen lẫn một chút tự hào”. 

Năm 2011, Đông Phương chính thức đầu quân cho Vietnam Airlines và tiếp tục trải qua quá trình huấn luyện, giám sát để trở thàng nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam.

Cùng nữ phi công chinh phục bầu trời ảnh 2Nữ cơ phó Hà Thị Diệu Hiền

Những chuyến bay chở đầy tâm tư

Sinh năm 1985, Hà Thị Diệu Hiền hiện là cơ phó, đội bay A321, đoàn bay 919 của Vietnam Airlines, vốn xuất thân là một kiểm soát viên không lưu với thâm niên 5 năm tại Công ty Quản lý bay miền Bắc. Hàng ngày, cô có nhiệm vụ hướng dẫn, điều khiển máy bay lăn đỗ vào đường băng và cất hạ cánh. Tuy nhiên, sau chuyến bay cảm giác (kiểm soát viên không lưu bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái, để quy trình điều khiển máy bay ở mặt đất chuẩn chỉnh hơn) Diệu Hiền đã quyết định chuyển sang học bay để trở thành một phi công. Xuất thân là con gái Huế, từng theo học trường Quốc học Huế, cha mẹ kỳ vọng Diệu Hiền có thể trở thành một mẫu người phụ nữ của gia đình hơn là muốn thấy cô bay lượn trên bầu trời. Ngay tự trong thâm tâm, cô cũng chưa bao giờ nghĩ, tàu bay sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của mình. 

Diệu Hiền chia sẻ: “Quyết tâm chuyển từ kiểm soát viên không lưu sang làm phi công giúp mình có một góc nhìn mới, được gần hơn, hiểu hơn máy bay và bầu trời”. Đúng ngày 20-10-2012, Diệu Hiền trở về nước sau khi hoàn thành khóa huấn luyện bay cơ bản ở Mỹ và từ đó đến nay, cô đầu quân cho đội bay của Vietnam Airlines. Tâm sự về nghề, Diệu Hiền cho biết: “Là nữ phi công, vinh quang cũng có mà nỗi buồn không phải không mang theo”. 

Những chuyến bay xuyên đêm không kể thời gian, giờ giấc là điều vô cùng bất lợi với những nữ phi công, đặc biệt với những người đã có gia đình. Vào những dịp nghỉ lễ, Tết, trong khi mọi người được quây quần bên người thân, bên gia đình với những giây phút thiêng liêng của đêm Giao thừa thì có khi, các nữ phi công vẫn phải bay lượn trên trời, đưa những hành khách cuối cùng của năm cũ về đoàn tụ bên gia đình. “Lái những chuyến bay Tết, chuyến bay cuối cùng của năm cũ mang nhiều cảm xúc, đan xen vui buồn. Vui vì được nhận những lời chúc mừng năm mới, lời cảm ơn từ những người khách không quen bỗng thấy ấm áp và ý nghĩa. Nhưng cũng tủi vì nghĩ cha mẹ, gia đình cũng đang đợi mình trong thời khắc thiêng liêng của đêm Giao thừa”, Diệu Hiền trải lòng.

Thậm chí, những ngày dành riêng cho phái nữ như 8-3 hay 20-10 đều khá xa lạ với các nữ phi công. Ngành nghề đặc thù, họ không có những ngày lễ riêng, khi có chuyến bay, nhận lệnh là xách vali và “lao” vào bầu trời xanh thẳm. Dù ít thời gian bên gia đình, chăm sóc người thân, dù luôn phải tất bật với những chuyến bay, dù luôn phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn trên những chuyến bay chở đầy hành khách và nặng trĩu tâm tư những ngày cuối năm, nhưng khi đề cập đến chuyện, có tính việc đổi nghề thì cả Đông Phương và Diệu Hiền đều dứt khoát nói “không”. Với họ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua vì phi công là ước mơ, là khao khát chinh phục bầu trời, được hòa mình vào không gian bao la.