Cụ già đánh giày kỳ lạ nhất Việt Nam

(ANTĐ) - Ở cụ có nhiều cái “nhất”: người cao tuổi nhất đánh giày thuê; người có thâm niên đánh giày lâu nhất và người có thu nhập cao nhất từ nghề đánh giày.

Cụ già đánh giày kỳ lạ nhất Việt Nam

(ANTĐ) - Ở cụ có nhiều cái “nhất”: người cao tuổi nhất đánh giày thuê; người có thâm niên đánh giày lâu nhất và người có thu nhập cao nhất từ nghề đánh giày.

Chân dung người đánh giày thế kỷ
Chân dung người đánh giày thế kỷ

Đánh giày thu nhập… 10 triệu đồng/tháng

Gần chục năm trước đây, người ta quen gọi là “ông Bảng hói” vì khi đó cụ “mới” bước vào tuổi thất thập, thoắt cái giờ đã 78 mùa xuân nên nhiều người chuyển sang gọi là “cụ già” đánh giày. Buổi sáng một ngày cuối tuần, tôi tìm đến chỗ cụ Bảng ngồi- đó là khoảng vỉa hè nằm kẹt giữa số nhà 22 và 24 phố Tràng Tiền để đánh giày và cũng nhân thể hàn huyên. Hà Nội năm nay lạnh kéo dài, đã sang xuân rồi mà thi thoảng đài vẫn báo có rét tăng cường, cụ Bảng đã lại sùm sụp một cái mũ len trên đầu, phần vì chống lạnh, phần vì muốn che đi cái đầu hói đã trở thành thương hiệu của mình.

Được trời phú cho sức khỏe, đã gần bát thập mà cụ Bảng “hói” còn gân cốt lắm, vóc người to thô, hai bàn tay xù xì gân guốc đang “múa” cái bàn chải trên đôi bốt cao cổ của chị phụ nữ nào đó gửi. Mắt thì khỏi nói, liếc lên cái là nhận ra người quen: “Cậu đấy à, lâu lâu mới thấy qua tôi”, rồi chỉ cái ghế gỗ con, mời tôi ngồi.

Đánh một đôi bốt da, cụ Bảng "hói" kiếm được 15 nghìn đồng
Đánh một đôi bốt da, cụ Bảng "hói" kiếm được 15 nghìn đồng

Xung quanh ngoài tôi… chẳng còn khách nào. Đơn giản vì người ta không thể đợi đến lượt, đành phải gửi lại giày dép, túi xách cho cụ đánh dần, chất thành đống. Giá cả thì rõ ra đấy rồi, một đôi bốt cao như đang đánh giá 15 nghìn đồng/lượt; giày dép phổ thông: 7 nghìn/lượt; túi xách, áo da thì tùy loại… nhưng hầu như khách quen ai cũng đưa tròn tiền, chẳng mấy người lấy lại tiền thừa vì họ quá ưng cách “nghệ nhân” chăm sóc giày dép. Vì thế chằng hề giấu diếm, cụ “khai” luôn thu nhập: “Trung bình thì 200-300 nghìn/ngày; có hôm cao điểm thì được đến nửa triệu đồng”.

Chẳng thế mà trước hôm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, có mấy đài truyền hình đến quần cụ Bảng “hói” cả ngày giời, xong rồi ái ngại vì làm mất thu nhập và phiền đến cụ, họ biếu luôn 1-2 triệu đồng. Ấy thế nhưng cụ Bảng chi cũng nhiều: Tiền thuê phòng trọ 7m2 ở ngõ phố Hồng Hà mất 25 nghìn đồng/ngày; thêm bữa tối với vợ chồng chủ nhà (họ cũng đều đã ngoài thất thập, cụ Bảng trọ quen ở đây đã nhiều năm) mất 15 nghìn đồng; tiền xe ôm sáng đi- tối về hai cuốc hết 15 nghìn đồng; ăn sáng, ăn trưa mất cỡ 30 nghìn đồng; chưa kể bà bán nước chè sát chỗ cụ Bảng ngồi vẫn “chém” đều 3 nghìn đồng/cốc chè đặc… tính chi li mất đến cả trăm bạc/ngày.

66 năm trời mải miết đánh giày

Chi tiêu tốn kém thế nên cấm có thấy cụ Bảng “hói” chịu nghỉ đánh giày một ngày nào, dù mưa rát mặt hay nắng cháy da, trong suốt… 66 năm trời, tính đến nay. Chẳng nói gì Việt Nam, mà ngay cả trên thế giới chắc cũng chẳng có ai theo cái nghề đánh giày lâu đến mức kỷ lục như vậy. Cụ có tên cúng cơm là Đinh Văn Bảng, sinh năm 1933, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1945 nạn đói lan rộng, cậu bé Bảng hòa vào dòng người chạy đói, rời vùng quê chiêm trũng lên Hà Nội. Đang ôm bụng lép nằm lăn lóc ở góc vườn hoa cạnh Bờ Hồ thì cậu được một đàn anh đến thu nạp, cho ăn uống để hồi sức, rồi nhét vào tay một cái hòm gỗ với mấy hộp xi, sau đó lùa cậu ra cùng với đám trẻ con đánh giày, bắt đi kiếm tiền.

Đôi bàn tay gân guốc, mải miết chải giày suốt 66 năm trời
Đôi bàn tay gân guốc, mải miết chải giày suốt 66 năm trời

“Ngày đó chỉ có tụi lính lê dương với các quan Tây mới có giày da. Đối với một đứa trẻ 12 tuổi như tôi lúc ý thì cái bốt mõm nghóe của chúng khác nào quả tạ”- cụ Bảng “hói” chậm rãi quay ngược thước phim đời mình- “Mà chúng không chịu cởi ra để đánh, cứ giơ chân ra thôi, nhiều khi dẫm cả gót giày lên đùi, đau điếng”.

Đánh một đôi giày như thế, cậu Bảng được trả công 3 đồng bạc Đông Dương- chỉ bằng một bán phở “không người lái”; mà nhiều khi còn bị đá đít, bị quịt tiền. Thế nhưng đàn anh thì bất biết, cứ chiều đến là tà tà lượn chiếc “Vê- lô- xô- lếch” tới thu mỗi đứa trẻ 30 đồng bạc, không đủ thì no đòn. Cụ Bảng còn nhớ, có lần có thằng trong nhóm đánh giày vì đói quá, lén giấu đi 3 đồng. Không may cho nó là đàn anh tìm ra, thế là nó bị một trận uống no nước hồ Gươm.

Cụ Bảng cũng đi một đôi giày to sụ, nhưng đến chỗ ngồi trên phố Tràng Tiền, cụ thường cởi ra, đi chân trần cho thoáng
Cụ Bảng cũng đi một đôi giày to sụ, nhưng đến chỗ ngồi trên phố Tràng Tiền, cụ thường cởi ra, đi chân trần cho thoáng

Năm 1954, thực dân Pháp thua, rút hết về nước mang theo cả những đôi giày da thuộc. Cậu thanh niên Bảng quăng hòm đánh giày xuống hồ Gươm. Về lại quê Bình Lục, cụ lấy vợ và đẻ liền một lèo 4 người con. Đất nghèo quê khó, mà làm nghề nông thì cụ cũng không thạo vì sống nhiều năm ở thành phố nên chỉ được vài năm cụ lại mò lên Hà Nội, tiếp tục đóng hòm đánh giày, lang thang kiếm ăn.

Cũng có một thời gian, nghe theo chúng bạn, cụ Bảng “hói” từng nhảy tàu hỏa, bôn ba vào các tỉnh phía Nam tính đổi đời cho thoát kiếp đánh giày. Được dăm năm khi thì dính những trận sốt rét vì đào vàng ở Phú Bổn, Gia Lai; rồi những trận cháy lưng làm đường ở Mỹ An, Đồng Tháp; mặn chát mùi biển khi nuôi tôm chết hàng loạt ở Vũng Tàu... cụ chán chường mò về Hà Nội. Lần thứ 3 lại đi đánh giày.

Đệ nhất đánh giày Hà thành

Có lẽ chính cụ Bảng “hói” cũng không ngờ rằng cái nghề đánh giày lại vận vào cuộc đời cụ lâu đến như vậy. Cụ cũng không ngờ rằng cái nghề mọi người vẫn coi là "hèn kém" ấy về sau lại mang đến nhiều thứ cho cuộc đời cụ, đúng như câu ông bà đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Tôi ngồi lục lọi đám xi đánh giày bên cạnh cụ Bảng “hói”, có đến dăm bảy loại, bàn chải cũng có đến 3-4 thứ. Cụ Bảng có cách đánh giày rất riêng: Đầu tiên cụ dùng một cái bàn chải lông cứng chải vài lượt cho bay hết cát bụi; sau đó dùng cái bàn chải thứ hai để quết xi, tùy theo giày đen hay giày màu mà dùng loại xi cho phù hợp; cái bàn chải thứ ba và thứ tư đều dùng để chải bóng theo từng cấp độ. Và cuối cùng là một miếng vải dạ để chau chuốt lại lớp da  lần cuối cùng cho thật bóng bẩy.

Phút nghỉ ngơi của "đệ nhất đánh giày Hà thành"
Phút nghỉ ngơi của "đệ nhất đánh giày Hà thành"

Đôi giày nào cụ Bảng “hói” cũng tuân theo quy trình như thế, bất kể của khách lạ hay khách quen. Chưa kể, nếu ai đó có thì giờ rảnh rỗi, ngồi xem cụ “múa” với những đôi giày mới thấy hết được tay nghề của “đệ nhất đánh giày Hà thành”. Vì tất cả những lẽ đó khách hàng của cụ Bảng cũng có những người hết sức đặc biệt: Có người đến đánh giày của cụ khi còn trai trẻ, giờ đã lên đến chức ông, chức bà nhưng vẫn “nghiện” lối đánh của cụ Bảng, đi xa không nổi thì sai con cháu mang giày sang tận nơi cho cụ đánh. Có những người ở mãi Sơn Tây hay Đông Anh, dù giày chưa bẩn lắm song hễ có dịp đi qua phố Tràng Tiền lại ghé vào để cụ chăm sóc cho đôi giày của mình. Chưa kể còn rất nhiều khách Tây, nghe tiếng về cụ tìm đến hỏi thăm, quay phim chụp ảnh. Có những trường hợp về nước rồi họ vẫn nhớ đến cụ Bảng “hói”, lâu lâu họ lại gửi sang biếu chút tiền, kèm theo vài hộp xi lạ thăm hỏi.

Ngồi với cụ Bảng chừng hơn tiếng đồng hồ, tôi đứng lên xin phép. Chợt thấy tán cây sấu ngay trước chỗ cụ ngồi giờ đã lớn vổng ngang nhà mái bằng, mới nhớ lần đầu tiên tôi biết cụ, cái cây sấu này còn non lắm, mới trồng…

Cao Minh