Cơn lốc cờ bạc, lô đề
Bài 1: Người lao động nghèo càng nghèo
(ANTĐ) - Bỏ lại gia đình, làng xóm với quyết tâm lên thành phố tìm cơ hội làm giàu, những người nông dân vốn thật thà, chất phác ấy không ngờ rằng mình lại bị cuốn vào vòng quay lô đề, cờ bạc. Ngày này qua ngày khác, vết trượt ngày càng dài mà ngay bản thân họ cũng không thể dứt ra được.
Đổ mồ hôi lấy tiền đánh đề
Người công nhân cặm cụi làm việc bên chiếc máy cưa bụi mù không khẩu trang, không mũ nón, toàn thân nhuốm đầy bụi cưa, mồ hôi nhỏ giọt giữa tiết đông se lạnh. Lặng lẽ, âm thầm, ấy vậy mà chẳng ai ngờ Tuân (Thái Bình) lại là một “con đề” hạng nặng. Tiền công được 50.000đ/ngày, trừ chi phí các khoản còn lại bao nhiêu Tuân đều “nướng” hết vào vòng đỏ đen.
Hàng ngày, tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi vào buổi trưa là Tuân có mặt ở ngay quán nước đầu cổng, lê la bàn tán với “bạn đề” cân nhắc xem hôm nay đánh con nào đến 13h30 lại quay đầu vào làm việc. Cứ như vậy, lịch đánh đề của Tuân không hề thay đổi chỉ có khác là cái dáng đi ấy cứ ngày càng dật dờ, lom khom khắc khổ.
Lê Mạnh Tuân (Tiền Hải - Thái Bình) có thâm niên sống ở đất Thủ đô đã 5 năm nay, anh làm thợ mộc tại một xưởng ngoại thành Hà Nội. ở đất ngoại thành chưa sầm uất như trong nội thành nên hình thức cờ bạc của giới lao động ngoại tỉnh trọ quanh đây cũng khá đơn giản. Chủ yếu là chơi đề và lô. Có ngày cao điểm, tức là những hôm có giấc mơ đẹp, Tuân “nướng” hết 200.000đ vào đề.
Tháng này qua tháng khác, Tuân cứ khất, cứ hẹn sẽ gửi tiền về cho vợ, cho con vào tháng sau, khi mình “trúng quả đậm”. Nhưng cái ngày ấy ngày càng xa vời. Đã 7 tháng nay, Tuân chưa gửi được một đồng nào về cho con nộp tiền học.
Ngày lao động cực nhọc |
Vốn xuất thân từ một vùng quê chỉ có ruộng mà không hề có nghề gì làm thêm, Tuân đã theo một số bạn bè, anh em cùng làng rủ nhau lên Hà Nội kiếm tiền. Thời gian đầu, lịch gửi tiền cứ đều đặn hàng tháng, đến về quê thăm vợ con Tuân còn sợ tốn tiền, lại mất buổi làm cũng hạn chế tối đa. Nhưng cái lịch gửi tiền ấy cứ thưa dần, vài tháng một lần, năm 3-4 lần, rồi một năm không lần nào.
Tuân bảo: “Trước khi lên Hà Nội làm, vợ ở nhà đã dặn kỹ là uống rượu ít, và không được sa đà vào cờ bạc. Mình cũng hứa đấy, nhưng lên làm cùng mấy anh em cùng trọ ở đây, họ đánh rồi mình cũng đánh. Mà cả cái khu trọ này đều đánh, nhỏ thì cũng phải vài chục nghìn, còn nhiều thì vô kể”.
“Đã mấy tháng nay rồi không về quê, vợ cũng gọi điện lên, nghe giọng con léo nhéo gọi bố về nhưng không có tiền thì về làm gì, đợi gỡ được quả này kiếm món tiền thì về cũng được - Tuân nhấn mạnh quyết tâm. Nhưng, không biết cái ngày “gỡ” tiền đề, tiền lô đã mất của Tuân là bao giờ và cái khát vọng làm giàu của Tuân cùng bao “con đề” khác có thành sự thực?!
Những giấc mơ không có thật
Hàng ngày, cứ từ 18h30 trở đi, dọc trên các con phố ở các quán trà đá ven đường là thấy cảnh nhộn nhịp của giới lao động ngồi đó thư giãn và chủ đề bàn luận không gì khác ngoài đề tài “hôm nay đề về bao nhiêu”, đánh mấy chấm...
Những quán trà đá nào lịch sự có thêm cái tivi thì không còn chỗ mà ngồi, chen chúc, thậm chí công việc xong muộn, tắm rửa cũng chả cần, vẫn với đôi chân lấm lem, đôi tay vôi vữa nhưng cũng ngồi đợi kết quả.
Người nào cũng sôi nổi, rồi cái giờ khắc trông đợi cả ngày cũng đến, truyền hình Hà Nội đã đến giờ thông báo kết quả xổ số. Hàng chục cái đầu nhao lên, rồi tiếng suýt xoa, vỗ đùi, tiếng chửi thề không ngớt.
Đêm về bên chiếu bạc |
Chương trình đã hết, nhưng cuộc bàn luận của kẻ được, người thua vẫn còn dai dẳng đến 20h30 mới thưa dần. Gương mặt phờ phạc vì một ngày phụ xây mệt mỏi, càng thẫn thờ hơn bởi hôm nay Dũng đã mất toi 165.000đ.
Kéo chiếc xe về khu công trường, hội tá lả đã đang họp ầm ĩ, máu cờ bạc lại nổi lên, bao nhiêu mệt mỏi vụt tan biến hết, vội vàng rửa qua chân tay, Dũng lao vào nhập cuộc. Nửa đêm, cái thời điểm người người đang ngon giấc thì cái lán của Dũng vẫn sáng đèn, 4 con người vẫn say sưa sát phạt.
Gương mặt dù đã được những ngày lao động vất vả làm già đi nhưng vẫn không giấu được sự non trẻ trong suy nghĩ. Dũng còn hơn tháng nữa mới bước qua tuổi 20. Nhà nghèo, anh em đông, Dũng bỏ học từ sớm, xuống Hà Nội kiếm sống cũng 3 năm nay.
Dũng kể: “Ở làng có mấy anh hơn tuổi em, cũng xuống Hà Nội làm, khi về anh nào nhìn cũng sành điệu, thế là em cũng bỏ nhà xuống Hà Nội kiếm tiền để được như các anh ấy”. Không biết Dũng học được những gì, chỉ thấy tóc tai bù xù, bấm lỗ tai nhằng nhịt, ngày đi xách vữa, kéo xe lấy tiền nướng vào lô đề, cờ bạc để hoàn thành giấc mộng đổi đời.
Một điều bất ngờ là giới lao động tự do, chủ yếu ở công trường xây dựng, các xưởng mộc, hàn... cũng sắm cho mình điện thoại chỉ để phục vụ việc chơi đề.
Xem kết quả xổ số, gọi điện ra quán nước để ghi đề mỗi khi bận quá không trực tiếp ra ghi được. Cờ bạc đã ăn vào máu, đã dính vào mấy người dứt ra không nổi, nhiều người đầu đã hai thứ tóc nhưng ngày vẫn đi làm thuê để tối về lại thâu đêm trên chiếu bạc.
Những người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng ấy nuôi ước mơ giàu lên nhờ đỏ đen. Nhưng đó chỉ là những giấc mơ không bao giờ thành sự thực. Và, xưa có câu “đánh đề ra đê mà ở”, nhưng nay thì đê cũng hết.
Ngân Tuyền
Bài 2: Sinh viên thành “con bạc”