Cổ tích giữa đời thường
(ANTĐ) - Hai chàng trai tật nguyền chưa một lần đến lớp đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khi trở thành cộng tác viên của hàng chục tờ báo, thường xuyên có tin, bài được sử dụng trên báo in, báo phát thanh, báo điện tử…
Những bài báo mới đăng của Vũ Anh Tuấn |
Những “nhà báo” không thẻ
Hai chiếc giường kê cạnh nhau trong gian phòng chừng 15m2; hai Laptop: một đặt trên giường và một trên bàn làm việc luôn trong trạng thái online; sổ tay, bút; một chồng báo xếp ngay cạnh; một phong bì chuyển qua đường bưu điện vừa đến từ Thời báo Ngân hàng…
Sự “bừa bộn” ấy dường như được sắp đặt cố ý để mọi thứ có thể trong tầm mắt của người nằm. Phải, là tầm mắt chứ không phải tầm tay, vì bàn tay, bàn chân và cả cơ thể co quắp, teo tóp ấy đã hàng chục năm nay không còn thuộc về sự điều khiển của họ. Chỉ với ngón cái và ngón trỏ của bàn tay phải, họ lướt web hàng giờ, cập nhật tin tức từ các hãng truyền thông nổi tiếng thế giới: AP, BBC, Reuters,… biên dịch, tổng hợp thành những trang thông tin quốc tế của nhiều tờ báo.
Vũ Anh Tuấn (người anh) |
Người anh là cộng tác viên đắc lực của báo Hà Nội mới, Thời báo Ngân hàng, Khoa học và đời sống, Phụ nữ Việt Nam… Hiện anh đang đảm trách chuyên trang Nhìn ra thế giới của báo Khuyến học và Dân trí.
Kém anh gần chục tuổi nhưng tuổi nghề và tay nghề không hề thua kém, người em thường xuyên cung cấp thông tin về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội mới Tin chiều, trang Thông tin điện tử của Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Hai anh em, hai cung bậc giọng nói, hai cá tính khác nhau: một điềm tĩnh, thâm trầm, một sôi nổi mạnh mẽ và quyết đoán, nhưng họ có chung sự bền bỉ, một tinh thần làm việc hiếm có, một nghị lực phi thường để vượt lên số phận…
Vũ Anh Tú (người em) |
Sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ, bất hạnh bỗng dưng ập xuống: lên một tuổi, cơ thể người anh bắt đầu có biểu hiện co rút, thoái hóa. Từ đó, gương mặt vẫn “lớn” theo thời gian nhưng thân thể thì nhỏ bé, mong manh, chỉ có da bọc xương, tưởng như khẽ chạm vào là tan biến. Bất hạnh ấy một lần nữa lặp lại sau 9 năm, khi người em trai ra đời.
Nuốt nước mắt đắng cay vào lòng, hai ông bà còng lưng bươn chải lo cho gia đình 6 miệng ăn với 2 cậu con trai nằm liệt giường.
Như chuyện cổ tích
Không một ngày tới trường, chỉ nhờ chị gái, em gái và một vài người bạn, hai anh em đã tập đọc, tập viết rồi tự học những gì các anh thấy cần. Đến nay, vốn tri thức tích lũy được đủ để họ nắm bắt nhanh nhạy những gì đang diễn ra xung quanh, biên dịch trôi chảy những thông tin bằng tiếng Anh và viết tin, bài theo “đặt hàng” của các báo, hay đảm trách cả một chuyên trang trên báo.
“Mình không chịu được những gì bình lặng, tẻ nhạt. Chỉ có nghề báo mới đem đến sự sôi động và mới mẻ như mình mong muốn” - người em tâm sự. Còn với người anh, nghề báo giúp anh cảm nhận rõ vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội, để thấy mình không “thừa”, đó là lý do khiến anh gắn bó với công việc này. “Vả lại, những người như mình cũng không có nhiều sự lựa chọn” - giọng anh chùng xuống.
Cảnh "cho chữ" |
Nghề báo nhọc nhằn, tôi thắc mắc liệu có khi nào anh cảm thấy buồn nản? Làm thế nào để vượt qua những lúc ấy? Một thoáng ưu tư trên gương mặt hốc hác với ánh nhìn khắc khoải, người anh thành thật: “Có chứ. Nhiều khi mệt mỏi, chán nản, muốn buông xuôi phó mặc cho số phận. Nhưng nghĩ mọi người xung quanh luôn quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng ở mình, lại thấy mình có lỗi, lại tự “lên giây cót” để tiếp tục phấn đấu”.
Tôi hiểu vì sao những tiếng nói, giọng cười trong căn nhà không bao giờ quá đà, chỉ vừa đủ sôi nổi để tạo nên không khí ấm áp. Dường như ai cũng sợ sẽ vô tình chạm đến nỗi đau dù đã nén chặt trong lòng các anh. Và các anh đã không phụ lại những tấm lòng tin yêu ấy, luôn sống thật khỏe, thật ý nghĩa với những thành công mà người bình thường không dễ gì làm được.
Những câu chuyện lý thú, sôi nổi của hai chàng trai trong căn nhà số 10, ngõ 9, phố Liễu Giai khiến buổi chiều mùa hè trở nên ngắn ngủi. Ngỏ ý xin hai anh viết cho vài chữ vào cuốn sổ tay làm kỷ niệm, nhưng khi được các anh vui vẻ đồng ý và bắt tay vào thực hiện, thay vì cảm giác sung sướng, chúng tôi ăn năn vì thấy mình vừa làm một việc thật… tàn nhẫn!
Cả cơ thể nhỏ bé, mong manh ấy khó nhọc vận hết sức để nhích lên được vài… milimét gọi là “sửa tư thế” cho thuận lợi. Nhờ tôi duỗi hộ những ngón tay co quắp ra trang giấy, hai ngón tay còn cử động được của anh loay hoay quắp lấy chiếc bút một cách lỏng lẻo. Những nét chữ run run dần hiện ra: “Nỗ lực, cố gắng!” ở giường bên, người em đang nắn nót: “Mỗi ngày mới là một hành trình mới…”. Cảnh “cho chữ” và những lời gan ruột ấy, có lẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí chúng tôi.
Không được cấp thẻ nhà báo, chưa một lần đến tòa soạn nhưng số tờ báo tham gia cộng tác còn lớn hơn tuổi đời của các anh, đó là hai anh em Vũ Anh Tuấn, Vũ Anh Tú, những cái tên không còn xa lạ với người làm báo và độc giả bấy lâu nay.
Kiều Tuyết - Nguyễn Huệ