Có một nơi, Tết bận hơn ngày thường...

(ANTĐ) - Nghe tôi hỏi về chuyện chuẩn bị nghỉ ăn Tết của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu “khái quát” bằng một câu hết sức... tưng tửng: “ăn thì chẳng ai cấm, nhưng nghỉ thì chúng tôi có truyền thống... tại chỗ”. Thấy tôi có vẻ không hiểu, ông giải thích thêm: “Là chúng tôi vẫn đón Tết như mọi người, nhưng khái niệm “nghỉ” thì hầu như không có”.

Có một nơi, Tết bận hơn ngày thường...

(ANTĐ) - Nghe tôi hỏi về chuyện chuẩn bị nghỉ ăn Tết của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu “khái quát” bằng một câu hết sức... tưng tửng: “ăn thì chẳng ai cấm, nhưng nghỉ thì chúng tôi có truyền thống... tại chỗ”. Thấy tôi có vẻ không hiểu, ông giải thích thêm: “Là chúng tôi vẫn đón Tết như mọi người, nhưng khái niệm “nghỉ” thì hầu như không có”.

Đây là một điều khá đặc biệt đã gần như thành thông lệ bất thành văn đối với các nhân viên của khoa Cấp cứu này: Đón Tết với 100% quân số.

Có lẽ, không một cơ quan nhà nước nào mà đến tận chiều 30, công sở vẫn “tấp nập” người qua lại. Hình ảnh đó người ta chỉ thấy ở phòng cấp cứu của các bệnh viện tại Hà Nội. Thay vì vui vầy mâm cơm tất niên với gia đình, những bác sỹ ở đây vẫn hối hả cùng ánh đèn ưu tiên của những chiếc xe cấp cứu loang loáng, vụt đến rồi vụt đi. Những ca mổ, những bản y lệnh, những cuộc hội chẩn vẫn diễn ra hết sức bình thường.

30 chưa phải là Tết

Lẽ thường đến thời gian này, hầu hết các cơ quan, xí nghiệp đều đã bắt đầu rục rịch lên chương trình cho cán bộ, nhân viên nghỉ Tết. Những đơn hàng, kế hoạch, hợp đồng... đã được khóa sổ. Dẫu rằng thời gian nghỉ Tết của mỗi đơn vị khác nhau, nơi nghỉ dài, nơi nghỉ ngắn, nhưng tối thiểu là cũng phải có 3 ngày không ai phải làm việc. ấy thế nhưng điều đơn giản ấy đối với những cán bộ ngành y thì có lẽ lại quá xa vời. Bác sỹ Chi giải thích cho cái sự “bất công” này bằng một lý luận hết sức logic: “Chú em nên nhớ, đến bận bịu như ngành công an thì ăn trộm nó cũng phải kiêng ngày 30 và mùng 1. Nhưng đã gọi là bệnh tật thì nó chẳng kiêng dè ai cả, và nó cũng chẳng chừa lễ tết hay đêm hôm. Mà các cụ đã dạy rồi, cứu người như cứu hỏa, chậm 1 phút là nguy hiểm đến tính mạng. Thế cho nên chúng tôi mà nghỉ Tết thì đồng nghĩa với việc, khối bệnh nhân cũng sẽ... nghỉ sống luôn”. Bác sỹ Chi công tác tại khoa Cấp cứu đã lâu, đối với ông Tết và ngày thường thì có lẽ chỉ khác nhau về mặt... không khí. Còn công việc thì chẳng có gì thay đổi. Sáng mùng một vẫn khoác blu trắng đi thăm bệnh như thường. Ông cho biết thêm: “Trong số tất cả các khoa của bệnh viện thì khoa Cấp cứu lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng nhất, đặc biệt là những ngày cuối năm người dân đi lại nhiều, do đó tình trạng tai nạn gia tăng một cách đáng kể”. Thế cho nên, thay vì được giảm áp lực công việc cuối năm thì ngược lại, các bác sỹ ở đây lại gia tăng công việc gấp nhiều lần, thậm chí đến tận chiều 30 vẫn hối hả với những ca nhập viện.

Mấy năm nay bác sỹ Đỗ Trọng Nam đã quen với việc đón giao thừa trong bệnh viện. Nghe hỏi về kế hoạch nghỉ Tết anh xua tay rối rít: “Nhà báo đừng hỏi, cứ nghe đến Tết là chúng tôi giật mình thon thót”. Hỏi: “Tại sao thế?”. Anh Nam: “Thường ngày chúng tôi đã không hết việc, thế mà Tết lượng bệnh nhân bao giờ cũng tăng từ 20-30% làm sao vui được”. Anh Nam nhớ lại, 30 Tết năm ngoái khoa Cấp cứu buồn như trấu cắn. Thông thường tâm lý người bệnh dù chỉ hơi thuyên giảm bao giờ cũng muốn về nhà để có một cái Tết vui vầy cùng gia đình. Chỉ trường hợp chẳng đặng, chẳng đừng mới bắt buộc phải nhập viện trong thời điểm ấy. Do đó, nhưng ca nhập viện vào dịp cuối năm bao giờ cũng là những ca đặc biệt nặng. Người nhà bệnh nhân mặt ai nấy cũng rầu rầu khiến bác sỹ cũng chẳng còn bụng dạ nào mà Tết với nhất nữa. Bệnh nhân nhập viện thì đủ loại, tai nạn giao thông, đột quỵ, thần kinh, ngộ độc... Trôi qua thời khắc giao thừa tại khoa Cấp cứu là những y lệnh mổ khẩn cấp, những yêu cầu chuyển viện vượt tuyến hay những lời rên la của các bệnh nhân. Bác sỹ Nam tâm sự: “Hai năm nay, Tết chỉ bắt đầu với chúng tôi vào sáng mùng 2. Chú em hỏi tại sao à? Trực suốt ngày 30 đến trưa mùng 1, mệt nhoài. Về đến nhà chỉ kịp lăn ra ngủ, còn hơi sức đâu mà lo Tết”. Rồi anh kết luận xanh rờn: “Chỉ khi nào hết bệnh nhân, may ra ngành y mới có một cái Tết cho riêng mình”.

Giao thừa không yên ả

Thông thường, những ca trực cuối năm bao giờ cũng để lại những ấn tượng đặc biệt. Với bác sỹ trẻ Hoàng Bùi Hải ca trực đêm giao thừa năm 2007 vẫn để lại một kỷ niệm khá... khác người. Anh Hải kể lại: Khoảng 1h kém sáng mùng 1, anh cùng bác sỹ Nam tiếp nhận liền một lúc 2 ca cấp cứu thuộc loại “kỳ quặc”. Cả hai bệnh nhân này đều nhập viện cùng một lý do: Đón giao thừa bằng ma túy quá liều. Một bệnh nhận nữ do sử dụng thuốc lắc đã bị ngộ độc dẫn đến thao cuồng, nói năng lảm nhảm, ca còn lại thì trong tình trạng suy tim do sốc heroin. Đến khi các bác sỹ cấp cứu xong, thay vì thanh toán viện phí, cả 2 bệnh nhân tỉnh lại quay ra bắt đền bác sĩ vì đã làm cắt cơn “phê” của họ. Thấy lý do ngược đời, bác sỹ Hải lên tiếng giải thích yêu cầu cả hai nghiêm túc thực hiện nội quy bệnh viện liền nhận được những “lời chúc” với vô số “phụ tùng” của Adam và Eva đến tối tăm mặt mũi. Lợi dụng lúc các bác sỹ đang hối hả với ca cấp cứu tiếp theo, cả 2 bệnh nhân này chuồn thẳng để lại khoản viện phí phó mặc cho bệnh viện.

Ngay trên tầng 2 của khoa Cấp cứu là Trung tâm Chống độc. Không bị “ấn tượng” bởi những “tai nạn đầu năm” xúi quẩy như dưới khoa Cấp cứu, bác sĩ Bế Hồng Thu lại có kỷ niệm vui vui vì những danh mục chị viết sẵn để lại cho ông xã trước lúc đi làm mà chị gọi đùa là “Bản danh sách của Schiller”. Trong bản danh sách ấy căn dặn từng công việc cho bữa cơm cúng tất niên. Nào là bài khấn gia tiên phải như thế nào, thực phẩm, vàng mã để ở những đâu... Trong khi ông xã lúi húi với những việc đó ở nhà thì chị đang đánh vật với 6-7 ca ngộ độc liên tiếp nhập viện. Chị Thu nói: “Riêng với ngành y, công việc đặc biệt căng thẳng trong dịp Tết. 30 Tết năm ngoái, tình trạng ngộ độc rượu và thực tăng đột biến khiến cho những bác sỹ ở đây làm không hết việc”. Chính vì vậy, cả khoa Chống độc 100% quân số vẫn làm việc như ngày thường. Chỉ tội cho ông xã nhà chị lần đầu tiên phải vào bếp làm cơm tất niên, rõ ràng vợ đã ghi ra giấy hẳn hoi mà cứ lúng túng như gà mắc tóc, chốc chốc lại nhấc máy gọi cho vợ: Em ơi, gạo nếp để chỗ nào? Hay: Anh tìm không thấy gói mộc nhĩ đâu cả. Cuối cùng, bực mình vì cứ phải “điều khiển từ xa”, chị Thu chọn giải pháp tắt máy để ông xã tùy cơ ứng biến. Chị  nói vui: “Cũng may là cuối cùng chồng tôi cũng làm xong 2 bữa cơm tất niên và giao thừa mà không  để xảy ra “sự cố” nào”.

Tôi hỏi chị Thu: “Không lẽ Tết nhất, bệnh viện lại không có ưu tiên cho phụ nữ?”. Chị Thu ráo hoảnh: “Tất nhiên là có, nhưng nói thì thế chứ thực ra chị em ai cũng ý thức được tính chất đặc thù của cái nghề này. Hơn nữa, bệnh tật nó chẳng ưu tiên ai cả, bệnh nhân vào đông như thế mà bác sỹ ai cũng nghĩ đến ưu tiên thì thần chết sẽ đến mang người bệnh đi ngay”.

Sinh nghề khổ nghiệp

Đứng sau Bạch Mai thì Việt Đức là bệnh viện thứ 2 của Hà Nội lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, nhất là những ca cấp cứu trước giao thừa. Lý giải cho việc này bác sỹ Lê Việt Khánh cho biết: “Ngoại trừ những ca cấp cứu trên địa bàn Hà Nội, còn lại Bệnh viện Việt Đức phải tiếp nhận những ca từ tuyến dưới chuyển lên. Thông thường những bệnh nhân tuyến dưới này sẽ được gom lại trong ngày để làm công tác sơ cứu rồi đến chiều chuyển lên một thể cho... tiện. Do đó, càng cận thời khắc giao thừa, số bệnh nhân chuyển lên càng đông”. Bắc sỹ Khánh thống kê: “Trung bình một ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 100-150 ca cấp cứu các loại thì vào dịp Tết, con số này tăng gấp rưỡi. Chính vì lẽ đó, việc nghỉ Tết với các bác sỹ là chuyện quá xa vời”. Đã mấy năm nay đón giao thừa trong bệnh viện, chắc anh cũng có nhiều kỷ niệm - tôi thăm dò. Giọng bác sỹ Khánh chợt nhỏ lại: “Thực ra lúc giao thừa anh em cũng bâng khuâng lắm, cũng may là bây giờ Nhà nước đã cấm pháo chứ giờ phút đó mà nghe thấy tiếng đì đùng chắc còn sốt ruột gấp nhiều lần. Đã mấy năm nay tôi chưa được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên. Nếu lấy cung kính làm thước đo chữ “Hiếu” thì hầu như cánh bác sỹ chúng tôi, anh nào cũng vài ba lần mang tội bất hiếu cả”. Tôi an ủi anh Khánh: “Thôi thì đặc thù nghề nghiệp nó thế, hy sinh một chút ngày Tết, nhưng mang lại nhiều niềm vui scho người khác. Thế là hạnh phúc rồi”. Anh Khánh ẩn ức: “Là tôi nói chuyện thế thôi, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng hiểu. Không ít trường hợp người nhà bệnh nhân thấy các bác sỹ hội chẩn lại tưởng chúng tôi bỏ mặc người bệnh, họ quay ra chửi bới liền”. 

Thói quen nghề nghiệp khiến tôi buột miệng hỏi anh Khánh: “Công việc quanh năm như thế, có lúc nào các anh nghĩ đến đề xuất quyền lợi gì không?” Anh Khánh lắc đầu, “đề nghị” cái điều không nằm trong câu hỏi của tôi: “Có nhiều bệnh bác sỹ chữa được, nhưng với nhiều người nhà bệnh nhân cái bệnh thiếu văn hóa ấy thì chúng tôi bó tay. Cậu viết báo sao đó để mọi người hiểu thêm về ngành y một chút. Thế là đã quý lắm rồi”.

Lâm Bình