Chút tình ngõ nhỏ Hà thành

ANTĐ - Người Hà Nội có lẽ không mấy ai không biết những câu hát trong “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh “Phố nhỏ, ngõ nhỏ nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than…”, một bài hát mà như thơ, hoàn chỉnh và hay đến độ có thời người ta… nhầm là phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đấy, cái đất Kẻ Chợ này cũng nhiều điều lạ, chẳng cần nhà mặt phố, cứ ngõ nhỏ thôi là cũng đã đủ hát lên đầy tự hào…

Chút tình ngõ nhỏ Hà thành ảnh 1Ngõ Tạm Thương. Ảnh: PHÚ KHÁNH

“Thương một đời đâu phải tạm thương”

Không biết có phải bị ám ảnh bởi câu thơ “siêu kinh điển” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Sương giăng mờ  trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải tạm thương” hay không mà đa phần giới văn nghệ sĩ người Hà Nội hoặc người ở Hà Nội nức nở xúc động bầu Tạm Thương là con ngõ nhiều lôi cuốn nhất trong các ngõ phố Hà Nội. Ngõ nhỏ chỉ vừa hai xe máy khéo tránh nhau. Nhiều bữa các hàng quà trong ngõ cho khách để tràn xe, muốn đi lọt mà không va cứ phải tay ga, tay phanh, mỏi mồm cười: “Anh/chị cho đi nhờ chút ạ”…

Ngõ bắt đầu từ số nhà 38 Hàng Bông nối thông ra ngõ Yên Thái, Tạm Thương xưa thuộc thôn Yên Thái, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Theo Từ điển đường phố Hà Nội thì "Khoảng đầu đời Nguyễn có tên là Trạm Thương, nơi này có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là Kho Tạm nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương”. Cũng không biết cụ thể nguồn cơn thế nào mà ra đời câu ví “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”. Trong cuốn Thăng Long Hà Nội, nhà văn Tô Hoài, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lý giải câu này rằng: Xưa ngõ Trạm là trạm dịch. Nhà Nguyễn tổ chức các trạm này từ Thăng Long vào cho đến Phú Xuân. Các anh lính ở đây đều rất hách dịch, chuyên tụ tập đánh bài.  

Còn ngõ Tạm Thương thì có kho thóc, các bà các cô cân thóc ở đây đáo để, đánh cãi chửi bới cả ngày. Vì thế, cái câu “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương” bao hàm ý chê bai. Thế nhưng, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả của nhiều đầu sách về Hà Nội lại có một cách lý giải khác, gần như trái ngược hoàn toàn. Ấy là, cuối thế kỷ XIX, có một người tên là Thạch Văn Ngũ, sau khi đi lính khoảng những năm 1884, 1885 về có học nghề làm yên ngựa trên phố Hàng Trống, sau rồi tách mở cửa hiệu riêng ở Ngõ Trạm. Ông đưa thanh niên quê mình - làng Ninh Hiệp lên dạy nghề, đàn ông Ngõ Trạm thời đó cần cù chăm chỉ. Còn ngõ Tạm Thương xưa có nghề thêu do người làng Quất Động mang lên phố. Các cô gái trẻ, cả ngày dịu dàng bên các khung thêu. Vì thế, “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương” lại hoàn toàn được hiểu theo nghĩa tôn vinh.

Kể cũng lạ, một con ngõ, không quá sang giàu, cũng chẳng bình dân, không quá đẹp, cũng chẳng xấu… lại được bao thế hệ người Hà Nội yêu mến, trân trọng. Có lẽ, ngõ Tạm Thương nói riêng và ngõ Hà Nội nói chung mang cái phong thái rất… Hà Nội. Trầm buồn nhưng thân thương và gây… nhớ! Hàng ngày, ta cứ hồn nhiên nắng mưa đi qua, nhưng nó sẽ thành ký ức chẳng thể nào quên khi có một buổi chiều mùa đông nào đó, bạn gọi ta bằng giọng hụt hơi, nháo nhào đến góc quán rượu đầu ngõ Tạm Thương thấy bạn buồn rầu nâng chén rồi thông báo: “Bố mẹ tớ chia tay, tớ sẽ theo mẹ vào Nam”. 

Chút tình ngõ nhỏ Hà thành ảnh 2Ngõ Yên Thái

Dấu xưa

Đất Kẻ Chợ là sự hợp thành của nhiều phường, nhiều làng mà thành. Thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1882 và sau đó chiếm toàn bộ Hà Nội năm 1883. Năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa, chính phủ bảo hộ đã quy hoạch tổng thể với mong muốn Hà Nội nhang nhác Paris. Với khu vực “36 phố phường”, họ cho nắn thẳng các phố tên Hàng vốn lồi ra lõm vào, nhà dân muốn sửa sang hay xây mới phải theo đúng chỉ giới do thành phố quy định. Khi tòa đốc lý thực hiện quy hoạch, khu vực này chỉ có trên chục ngõ mang tên các làng xưa như: Yên Trung (phố Hàng Giầy), Gia Ngư (phố Hàng Đào), Phất Lộc, ngõ Hàng Khoai I, Hàng Khoai II (phố Hàng Khoai), ngõ Hàng Đậu (phố Hàng Đậu)... Tuy nhiên, những con ngõ đã được căn chỉnh lại vì Sở Lục lộ quy định “chiều ngang phải đủ để xe tang ra vào”. 

Cũng vào thời gian ấy, chính phủ bảo hộ cho phép thành phố được mở rộng các con đường sẵn có với khu vực xung quanh để thuận lợi cho hoạt động quân sự và giao thương. Đường Thiên Lý (quốc lộ 1 hiện nay) qua các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai… được mở rộng thành phố. Đầu những năm 1920, quá trình đô thị hóa tự phát ở các làng này diễn ra rất mạnh. Nguyên nhân là khu vực nội đô đã quá chật chội, giá đất lại cao trong khi giá đất các làng ven đô rất rẻ. Người có tiền trên phố về các vùng này tậu đất lập cơ sở sản xuất mới, có người mua mở cửa hàng buôn bán. Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ từ đường chính vào làng trở thành ngõ phố. Phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ chợ Khâm Thiên (ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên) lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành là: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ. 

Trước năm 1954, ngoài các tên ngõ đặt theo tên xóm, làng hay theo tên đình thì nhiều ngõ được gọi theo nghề, ví dụ ngõ Hài Tượng vốn là nơi ở tập trung của dân chuyên làm giày. Ngõ Ăn Mày (nay là ngõ Đoàn Kết, phố Khâm Thiên) vốn là khu đất hoang, tối tối vài chục gia đình ăn mày dựng lều tạm ngủ. Phố Bạch Mai có ngõ Lò Lợn vì có nhiều hộ chuyên mổ lợn… Trước 1954, rất nhiều trí thức, công chức hạng trung hay tầng lớp trung lưu mua nhà trong ngõ ở khu phố Pháp vì yên tĩnh, thưa dân, không gian thoáng đãng. Cho đến bây giờ, tại các ngõ này vẫn còn không ít biệt thự xưa.

Ngõ trong thơ

Phàm là người sống lâu ở Hà Nội thì đều hiểu sống ngoài mặt phố thì dễ, chứ sống ở trong ngõ mà lại là ngõ nhỏ thì cực kỳ phức tạp. Nó đòi hỏi người ta sự cư xử khéo léo. Bởi ngõ nhỏ, ra đụng vào chạm, sáng mở mắt dậy mở cửa chính hay cửa sổ đều nhìn thẳng sang nhà kia. Nếu không  mềm dẻo, hẳn sẽ chẳng thể hòa thuận mà sống được. Cũng chính vì thế mà Hà Nội hình thành nên một thứ văn hóa ngõ, vừa thân tình, vừa ấm áp, vừa tương trợ, nhưng cũng cực kỳ riêng tư. Và đương nhiên, cách sống của những người trong ngõ khác xa với cách sống của người mặt phố. 

Cũng chính vì nét rất riêng đó, mà đã có biết bao tao nhân mặc khách, vì xúc cảm đã viết nên những vần thơ đẹp. Nhà thơ, nhà viết kịch Trần Huyền Trân, thuở nhỏ sống ở ngõ Cống Trắng - Khâm Thiên, sau này, hình ảnh ngõ Cống Trắng hiện lên trong bài thơ “Đôi mùa” của ông “Ngõ hoang nở dăm mầu bướm/ Đây lúc đôi màu đưa tiễn nhau”. Trong bài thơ “Trở lại trái tim mình” sáng tác năm 1967, nhà  thơ Bằng Việt viết: “Tôi trở về những ngõ quen xưa/Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự”. Hoặc như hình ảnh ngõ còn có cả trong lời bài hát xẩm thế kỷ XX:
Em là con gái Tạm Thương
Dù không cày cấy, lương vàng cũng có một đôi quây
Ghét cho miệng thế đặt bày
Moi gan móc ruột khép lựa điều này tiếng ki.