“Chim cánh cụt biết bay” Hoa Xuân Tứ và nửa cuộc đời dùng miệng bón cơm cho con tật nguyền

ANTĐ - Một tai nạn đã cướp đi của ông hai cánh tay lành lặn khi còn là đứa trẻ, nhưng bằng nghị lực ông đã biến cằm, vai và đôi chân của mình như hai bàn tay để làm việc như bao người bình thường khác. Ông mãi mãi là biểu tượng vượt qua mọi khó khăn, từng là thần tượng của bao thế hệ người Việt Nam suốt gần 5 thập kỷ qua. Gần 50 năm sau ngày được tôn vinh, thiếu niên Hoa Xuân Tứ ngày nào giờ đã trở thành ông lão, người ta càng khâm phục hơn về nghị lực vượt khó, cùng tình yêu thương với đứa con tật nguyền vô cùng vĩ đại của người cha này.
“Chim cánh cụt biết bay” Hoa Xuân Tứ và nửa cuộc đời dùng miệng bón cơm cho con tật nguyền ảnh 1

Kỷ niệm của cậu bé cụt tay

Trong căn nhà nhỏ lụp sụp bên dòng sông Lam, trước mắt chúng tôi là người đàn ông với mái tóc muối tiêu, nước da sạm nắng, đôi tay cụt đến tận nách. Không thể tưởng tượng nổi người đàn ông đó đã có một tuổi thơ khó nhọc và cay đắng; cũng chính ông đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục. Chuyện về cậu bé Hoa Xuân Tứ (SN 1950), trú xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị cụt tay vẫn học giỏi, nhanh nhẹn, đặc biệt là viết chữ đẹp bằng vai, má đã được nhiều người biết đến từ những năm 60 thế kỷ trước. Đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng kí ức về cái ngày khủng khiếp đó dường như vẫn còn in mãi trong tâm trí ông. 

Thời đó, làng Hưng Nhân có rất nhiều bãi bồi bên dòng sông được người ta trồng mía. Hằng ngày, Tứ vẫn thường theo anh trai ra sông kéo tre ép mật. Một hôm, anh trai có việc phải đi đâu đó, thấy con trâu kéo trục ép mía cứ đi vòng vòng hay quá nên Tứ chạy lại ngó nghiêng. Bắt chước anh trai, Tứ vác cây mía cho vào guồng ép. Nhưng thay vì rút tay ra khi cây mía vào guồng thì Tứ cứ thế cầm đẩy theo. Một bàn tay bị cuốn vào vòng trục. Hoảng sợ, Tứ la lên rồi theo phản xạ tự nhiên đưa tay còn lại kéo tay kia ra. Thế là cả hai tay đều bị cuốn vào guồng, máy ép nát cả hai tay đến tận vai. Mặc dù, tính mạng được giữ lại nhưng đôi tay đã không còn. 

Bị mất đi cánh tay, Tứ phải chịu sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Tuổi thơ của cậu bé lớn lên trong nỗi buồn phiền của chính bản thân và sự dè bỉu của bạn bè. Thấy các bạn tung tăng đến trường, Tứ cũng mò mẫm đi theo. Mới đầu đến lớp, thầy giáo khuyên bố mẹ đưa con về nhưng vì ham học nên suốt giờ lên lớp, các bạn ngồi học, Tứ cũng đứng ngoài cửa sổ cầm que viết theo. Thấy Tứ ham học, các thầy cô nhận cậu vào học. Tứ kẹp phấn vào kẽ ngón chân, đôi bàn chân run rẩy vì bị chuột rút, viết ra không thành chữ. Sau đó, cậu chuyển sang tập viết bằng cằm và vai. Dù không có tay, nhưng Tứ vẫn giành được thành tích đáng nể trong học tập, nhiều năm liền giành được danh hiệu học sinh tiên tiến. Rồi Tứ vinh dự được tham dự Đại hội “2 giỏi” toàn tỉnh và được các nhà văn, nhà báo biết đến.

Không những chịu khó trong học tập, Tứ còn nổi tiếng khéo làm việc nhà phụ giúp bố mẹ, nhiều việc Tứ làm người thường cũng còn ngạc nhiên. Tứ tập bơi, lặn một mạch khiến cả làng được phen bạt vía, tưởng thằng bé chết đuối. Bọn trẻ trong làng không dám khinh thường Tứ “cụt” vì việc gì Tứ cũng làm được, còn sáng tạo ra nhiều cách độc đáo như “luyện” cho trâu biết quỳ xuống để cu cậu trèo lên lưng cưỡi đi.

Nhưng có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Tứ là được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc vào năm 1966. Nhớ lại cái ngày đó, ông hào hứng: “Đại hội năm đó to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm đó chỉ có 6 thiếu nhi được tham dự thôi. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi được gặp Bác Hồ. Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng người, rồi phát kẹo nữa. Tôi vẫn nhớ như in hành động Bác đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và công tác tốt. Các cháu là những mầm non của đất nước, các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.

Biết hoàn cảnh của tôi, Bác đã chỉ thị cho bác sỹ Tôn Thất Tùng làm cho tôi cánh tay giả. Chiếc tay giả này có khớp, giúp tôi ăn cơm hay làm các việc nhẹ nhàng nhưng đã bị cuốn mất trong cơn lũ năm 1978”, ông Tứ nuối tiếc khi nhớ lại kỷ niệm này. Những lời căn dặn của Bác trở thành động lực để ông cố gắng mỗi khi vấp váp hay cảm thấy mình đuối sức trước những quăng quật của gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Tình yêu đẹp của đôi vợ chồng tật nguyền

Đến tuổi trưởng thành, dù tên tuổi được nhiều người biết đến, nhưng nghĩ mình tàn tật sẽ chẳng nên duyên được với ai. Nhưng trong một lần đi thăm người chị họ ở xã Nghi Văn, Nghi Lộc (Nghệ An), Tứ đã để ý tới cô gái có cái tên rất mộc mạc, Lê Thị Sự, hơn Tứ 6 tuổi. Đó là người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sau lần bị thương do bom đạn Mỹ gây ra khi bà đi dân công, nhà chồng sắp cưới hối hôn vì nghĩ rằng bà không còn khả năng sinh đẻ.

Dù Hoa Xuân Tứ không có tay, chấp nhận lấy ông là chấp nhận khó khăn và cơ cực nhưng bà vẫn vượt qua sự cấm đoán của gia đình để đến với ông. Năm 1970, một đám cưới đặc biệt được diễn ra. Ngày đó, cô dâu được ưu tiên ngồi xe đạp đi về trước, còn chú rể cơm nắm, cơm đùm đi bộ theo sau. Phải trải qua quãng đường 30km nên mãi đến 4 giờ chiều, Tứ mới về đến nhà. Làng Hưng Nhân hôm đó được chứng kiến một đám cưới có một không hai từ trước đến nay. Một năm sau, vợ chồng ông Tứ mua được mảnh vườn nhỏ trong làng, dựng túp lều nhỏ. Cũng trong năm này, đứa con đầu chào đời, mẹ tròn con vuông trước sự vui mừng của họ hàng hai bên. Hai vợ chồng càng cố gắng bảo ban nhau làm việc. Thế nhưng, do hạn chế vì bệnh tật nên cuộc sống rất chật vật.

Nói về cái sự nghèo của gia đình mình hồi ấy, ông Tứ ngâm nga: “Lông lươn, râu ếch, rễ cột nhà - Xương trùn, mỡ muối, nước đái gà -  Xin mời đến nhà Hoa Xuân Tứ”. Nói rồi ông Tứ cười sảng khoái: “Ngày nớ nhà tui nghèo rứa đó, người ta đặt vè như vậy để chế giễu nhà Tứ nghèo đến nỗi cột nhà cũng mọc rễ”. Bà Sự cười hiền: “Đúng là nghèo chỉ biết ăn rau mà sống”. Nhưng đến năm 1980, Hoa Xuân Tứ khiến cho mọi người trong làng phải trầm trồ ngạc nhiên khi chứng kiến vợ chồng anh xây được căn nhà gỗ vững chắc. Cũng là nhờ cái tài lặn lội mà Tứ đã tìm được cho mình số gỗ lim đắt tiền. Số là có nhà buôn gỗ bị lật thuyền tại khúc sông Lam, sau thời gian thuê người tìm kiếm nhưng vẫn không được.

Nghe biệt tài lặn của Tứ, ông này đã tìm đến thuê. Sau nhiều lần ngụp lặn không được, cuối cùng Hoa Xuân Tứ đã phát hiện ra bè gỗ cách chỗ chìm không xa. Để trả công cho Tứ, vị thương gia này đã cho nửa bè gỗ, nhưng ông chỉ lấy ít phiến về làm nhà. Những cánh cửa gỗ lim ngày ấy vẫn còn vững chắc dù cho vách tường đã cũ nát. Trên gác nhà, một chiếc thuyền nhỏ được treo áp sát mái được ông giải thích: “Căn nhà này ngày xưa to nhất làng, giờ đây lại nhỏ và lụp sụp nhất. Năm nào lụt cũng ngập đến nửa nhà!”.  

Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông bà vẫn luôn bảo ban, động viên nhau cùng cố gắng. Ngồi cạnh ông, bà Sự trìu mến: “Công việc trong nhà ông đều lo lắng cả. Hơn 40 năm từ khi về làm vợ của ông ấy, nhiều khi tôi còn ngạc nhiên trước những công việc của ông. Con cháu đều một mực cảm phục và nghe lời bố. Mọi người cho đến giờ vẫn trêu tôi lấy ông ấy vì cái danh Cháu ngoan Bác Hồ”. Ông Tứ cười giòn tan, đôi cánh tay cụt sát đến tận vai khẽ rung rung: “Nhờ trời cho tôi hàm răng và đôi chân còn khỏe để mần việc. Có việc đi cày là tôi chịu thôi, còn việc gì tôi cũng mần được hết”. 

Nửa đời dùng miệng bón cơm chăm con

Tứ có tài, học giỏi, vậy nhưng 5 đứa con của ông lại không được học hành đàng hoàng chỉ vì nghèo khổ. Vậy nên, các con đều phải tha phương khắp nơi kiếm sống. Hiện nay, vợ chồng ông đang phải chăm sóc cô con gái thứ ba là chị Hoa Thị Sen (1978) bị bại liệt thần kinh do lúc 4 tuổi trong lúc chơi bị bạn ném đá trúng vào đầu. Hơn 30 năm trôi qua, Sen vẫn nằm nguyên một chỗ, không nói năng được gì. Cuộc sống của cô con gái 34 tuổi chỉ gói gọn trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà. Nơi vệ sinh được đặt ngay trên giường bằng việc khoét một lổ thủng, phía dưới là chiếc xô nhỏ. Cô chỉ biết cười mỗi khi ai hỏi chuyện. Nhìn cái cách ông Tứ bón cơm cho con mà trào nước mắt. Bố không tay, ngậm thìa vào miệng, xúc cơm bón cho đứa con gái đã hơn 30 tuổi. Đôi bàn tay ngọ nguậy liên tục, có khi khua cả vào mặt bố, cơm vung vãi ra. Bởi vậy, dù không muốn nhưng ông cũng phải trói tay con lại…

Bà Sự nhìn con rồi nói trong nước mắt: “Số nhà tui khổ, bố nó thì mất tay, tui thì bị thương cứ trở trời là đau ê ẩm không làm được gì, thêm vào đó đứa con gái bị tàn phế suốt đời, bao nhiêu tiền gia đình đều để dành mua thuốc cho nó. Khổ đến thế là cùng chú à!”. Tâm sự với tôi, ông Tứ trăn trở: “Ước mơ lớn nhất của tôi giờ đây là làm được căn nhà xây mái ngói. Năm ngoái, có nhà hảo tâm hỗ trợ một ít, hai vợ chồng vay mượn xây được phần thô là hết tiền nên đành phải bỏ ngang vậy. Dù chưa có cửa giả gì nhưng mùa mưa lũ cũng không còn nơm nớp bố con bị nước cuốn đi nữa. Nhưng không biết đến bao giờ căn nhà của tôi mới được hoàn thiện…”, ông nói mà như khóc. Niềm mơ ước xây được căn nhà tử tế cho vợ con ở đối với ông sao mà khó đến thế?.