Câu chuyện của gia đình hải quân, và những người con bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng

ANTĐ - Khi người cha ngã xuống ở Trường Sa, đứa con gái còn trong bụng mẹ mới được 1 tháng  tuổi. Sinh con ra, chị đã đặt tên con là Trần Thị Thủy. Sống trên cát, cực nhọc sớm hôm, chị tần tảo nuôi con vào đại học. Thủy chỉ biết ba qua những bức thư mẹ nhận và tấm ảnh ố vàng khi anh Phương chưa nhập ngũ. Tốt nghiệp ra trường, Thủy đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa: Cháu muốn tiếp bước cha của cháu đã bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng. 

Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo

Khi Thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988, thì chị Mai Thị Hoa, vợ anh đang mang trong mình giọt máu của anh. Anh ngã xuống mà không hề biết mình có một đứa con gái. 

Thiếu úy Trần Văn Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng tại thôn Đơn Sa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch anh hùng. Học xong lớp 10, anh vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của quân chủng. Tháng 1-1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu đội trưởng pháo thuộc tiểu đoàn 562 lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân. Qua rèn luyện, công tác anh luôn tỏ ra là một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, được đơn vị cử đi học trường Quân chính, Quân khu 7. Tháng 1-1986, anh trở về đơn vị, được bổ nhiệm Trung đội trưởng và phong quân hàm Thiếu úy. 

Đến bây giờ chị Mai Thị Hoa vẫn không thể quên được những ngày định mệnh ấy. Sau khi nghỉ Tết cùng gia đình, ngày 10-1-1988, anh Trần Văn Phương bắt xe về đơn vị để kịp chuyến công tác cùng đồng đội.

Chuyến tàu ra đi gặp bão. Anh cùng đồng đội trở lại đất liền, anh còn viết thư cho chị. Trong thư anh viết: Đi chuyến công tác này về anh sẽ xin xuất ngũ. Anh về sẽ không làm gì cả, chỉ ở nhà để giữ nhà cho em…”. Sau cơn bão, anh cùng đồng đội lên tàu ra Trường Sa. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam còn ghi lại gương hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương như sau: “Năm 1988, ở vùng biển Trường Sa, cụm đảo Sinh Tồn, chiếc HQ 505 mở hết tốc lực máy, giật đứt neo, lao thẳng lên bãi cạn, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin, khi đã trúng đạn pháo. Sáng ngày 14-3-1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: “Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ bị trúng đạn, anh vẫn hiên ngang giữ ngọn cờ chủ quyền tại đảo Gạc Ma và hô vang: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng”.

Sau bốn năm hai tháng ở lại với đồng đội ngoài đảo xa, tháng 5-1992, liệt sĩ Trần Văn Phương đã “trở về” cùng với gia đình, mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quảng Phúc. Cách đấy không xa là ngôi nhà của người vợ và đứa con gái nhỏ. Ngôi mộ của liệt sĩ Phương cũng là nơi Thủy thường lui tới chơi đùa, nói chuyện hàng ngày với ba.  

Cùng ngã xuống với anh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tháng 3-1988 còn có 63 đồng đội khác. Tháng 1-1989, liệt sĩ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. 

Từ đó ngày 14-3, không chỉ gia đình làm giỗ anh mà cả xóm Đơn Sa giỗ anh, Quảng Bình còn có 9 gia đình khác cùng làm  giỗ. Cả nước làm giỗ cho 64 liệt sĩ  trong trận chiến đấu oanh liệt năm ấy.

Câu chuyện của gia đình hải quân, và những người con bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng ảnh 2
Những bức thư của anh Trần Văn Phương

Ba ơi, con đang ở Trường Sa đây

Thời gian thấm thoắt trôi qua, con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương đã tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Việt Nam học tại trường Đại học Quảng Bình năm 2009. Ấp ủ từ lâu được ra Trường Sa, Thủy đã làm đơn xin đi làm việc tại Trường Sa. Mẹ Hoa dù rất buồn vì chỉ có một mình Thủy là con gái nhưng vẫn động viên con cố gắng làm tốt nhiệm vụ, xứng đáng với tấm gương anh dũng của bố. Thủy tâm sự rằng: “Trường Sa đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Nhớ nhất là trong một lần ra đảo, khi đang say sóng thì tôi được gọi dậy nói rằng đang đi qua vùng đảo Gạc Ma. Phóng tầm mắt ra xa, tôi như nhìn thấy cha đang đứng dưới lá cờ Tổ quốc. Tôi thì thầm: “Ba ơi, con đang ở Trường Sa đây” rồi bật khóc thành tiếng. Tôi gọi điện về nhà cho mẹ nói to: “Mẹ ơi, con thấy ba ở Gạc Ma. Ba vẫn ở Gạc Ma mẹ ạ”. Hai mẹ con cùng khóc qua điện thoại”. Ngay trên chuyến tàu đó, Thủy đã nộp đơn đề đạt nguyện vọng được công tác tại Lữ đoàn 146. Ngày trước cha đổ máu bảo vệ chủ quyền biển đảo, nay con gái người anh hùng tiếp bước để xây dựng, củng cố chủ quyền thiêng liêng đó của tổ quốc.

Ở cơ quan mọi người vẫn thường gọi gia đình Thủy là gia đình Hải quân bởi ông xã cùng làm trong ngành Hải quân, bố chồng là thuyền trưởng tàu của Vùng 4 Hải quân. Còn Thủy là cán bộ Văn phòng bảo mật, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, đóng tại Khánh Hòa, cũng là nơi liệt sĩ Trần Văn Phương công tác trước đây. Lữ đoàn 146 không còn những người lính cùng thời với liệt sĩ Phương, nhưng khi biết Thủy là con gái người anh hùng, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ.

Và câu chuyện tình Trường Sa của Thủy với chàng Thiếu úy Nguyễn Hồ Hải cũng được dệt lên từ những đợt sóng xô bờ. Vốn cùng quê, Thủy và Hải quen nhau từ ngày đi thực tập, thỉnh thoảng nói chuyện với nhau. Tình yêu nảy nở, hai người đã quyết định đi đến hôn nhân. Nhiều lúc cô tự nghĩ hai cái tên Thủy - Hải như là sự gắn kết có duyên tiền định. Rồi ngày cô con gái chào đời, hai bên nội ngoại đang loay hoay tìm cái tên để đặt cho cháu thì hai vợ chồng Thủy đã đề nghị đặt tên con là Nguyễn Trần Navy. Nhiều người thắc mắc, Thủy giải thích ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục: “Navy theo tiếng Anh có nghĩa là Hải quân ạ!”.

Được sống nơi ngày xưa ba công tác, những lúc rỗi, Thủy lại sang đơn vị của ba xem nhiều hình ảnh ba và đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo. Câu nói bất hủ của ba Thủy - liệt sĩ Trần Văn Phương: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo” vẫn còn đó. Rồi vẫn còn đó bức tranh thật lớn vẽ lại cảnh ba nắm chặt lá cờ Tổ quốc trong tay giữa “vòng tròn bất tử” vây quanh của đồng đội. 

Vì nước, vì non mệ sá chi

Bà Hồ Thị Đức, mẹ của liệt sỹ Trần Văn Phương năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn làm lụng ruộng vườn để mưu sinh. Bà kể: “Mệ có 4 con trai thì 3 đứa mệ động viên đi lính biển hết. Thằng Phương đi xong thì thằng Hồng, thằng Hồng đi xong thì động viên thằng Hiệp đi. Chừ thằng Hồng qua cảnh sát biển rồi, thằng Hiệp đi xong về giúp mệ làm ruộng. Thằng Hồng hiện đang có mặt ở vùng 2 cảnh sát biển để làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển”. Nói về anh Trần Văn Phương, bà ứa nước mắt: “Ngày xưa, thằng Phương nói đi lính về thì sẽ sửa lại nhà cho mệ nhưng rồi hắn hi sinh ở Gạc Ma. Thằng Phương hy sinh, hắn có một đứa con là Trần Thị Thủy. Cứ nghĩ hắn con gái sẽ đi làm cô giáo, ai ngờ lớn lên, hắn viết thư vô Cam Ranh (Khánh Hòa), xin vào đơn vị ba hắn để được là lính hải quân. Khi biết hắn viết đơn như rứa, mệ động viên, ba con là người lính đã hy sinh, vào bộ đội biển, con nhớ phải lễ phép. Rứa là con Thủy đi, chừ hắn cũng dần cứng cáp, mỗi lần hắn gọi điện về, mệ nói hắn cứ yên tâm công tác, đừng lo chi ở nhà hết, ai cũng khỏe”. 

Những ngày gần đây, trước thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông, bà Đức không bỏ sót một bản tin thời sự nào trên truyền hình. Bà vô cùng phẫn nộ với hành động ngang ngược của Trung Quốc và luôn tin tưởng vào sự kiên cường những người lính biển: Mệ tin tưởng vào lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, họ thật can đảm và cũng rất điềm đạm. Không có gì phải sợ tàu Trung Quốc to mà phải hết sức bình tĩnh. Đẻ được đứa con trai mô lớn là mệ động viên đi lính biển hết, đi để góp sức góp công bảo vệ đất nước. Có hy sinh mệ cũng cam lòng, chừ có nhiễu sự, mệ cũng động viên mấy đứa tái nhập ngũ. Vì nước vì non thì mệ sá chi”.