Campuchia, đến rồi nhớ mãi

ANTĐ - Chúng tôi đến Campuchia giữa trưa một ngày đầu tháng 9. Nao nức cái cảm giác được thỏa mãn ước muốn được một lần đặt chân lên mảnh đất của những ngôi đền cổ kính, kỳ vĩ của nền văn minh Angkor. Một trong những kỳ quan thế giới hiếm hoi còn lại cùng với Machu Picchu, Vạn lý trường thành, kim tự tháp Ai Cập.

Cầu thang dốc đứng nối với tầng thứ 3, cao nhất của Angkor Wat


Cổ kính và bình yên

Một thành phố khá yên bình, xe cộ thưa vắng, khá nhiều ô tô cá nhân và không kín đặc xe máy như Hà Nội, đó là cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Phnom Penh. Dọc những con phố chính thấp thoáng chùa tháp cổ kính và những ngôi biệt thự kiến trúc thời thuộc địa. Địa danh mà du khách không thể bỏ qua là chùa Vàng, chùa Bạc, Hoàng cung (dù không bề thế so với láng giềng Thái Lan). Trên quảng trường sông 4 mặt trước Hoàng cung rộng thênh thang lát đá trắng, bồ câu đậu rợp kín như thể đang đứng trên quảng trường của một thành phố cổ châu Âu. Chúng tôi không quên ghé qua chùa Bà Pênh, nơi thờ bà chúa lập nên vùng đất Phnom Penh, thăm đài Độc Lập, tượng đài Hữu nghị tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Một chi tiết khá thú vị là ở Phnom Penh có một con đường mang tên Hà Nội. Một người Việt đang làm việc tại đây cho tôi biết đường Hà Nội khá nhỏ, không có người gốc Việt nào sinh sống ở đó.

Thực ra Phnom Penh không rộng là mấy, ngồi trên ô tô có lẽ chỉ đi nửa tiếng là hết những con phố chính. Không có nhiều nhà chọc trời, cũng chưa phát triển các khu đô thị mới nhưng là một thành phố du lịch, ở đây các tòa nhà lớn chủ yếu vẫn là khách sạn. Chúng tôi nghỉ lại một đêm tại khách sạn Naga World, một khách sạn 5 sao nằm bên bờ sông Mê Kông. Cách khách sạn vài trăm mét là cây cầu nối qua đảo Kim Cương chỉ độ 200-300m mà năm ngoái đã xảy ra sự kiện bi thảm. Người dân chen nhau xem hội đua ghe chỉ vì nghe tiếng hô sập cầu mà hốt hoảng giẫm đạp lên nhau khiến hơn 370 người thiệt mạng. Ông chủ của Naga World quả có cách làm ăn rất chuyên nghiệp. Khách sạn 5 sao có hơn 500 phòng nhưng họ không “mong” lợi tức từ kinh doanh khách sạn, cái chính là sòng bạc. Đây là sòng bạc lớn nhất Campuchia, các con bạc đến Naga World chủ yếu là người châu Á vào mỗi cuối tuần, nhiều hơn hẳn vẫn là người Việt. Chưa biết không khí trong sòng VIP ra sao nhưng dạo qua sòng bài “cò con” ở tầng 1, các bà - các chị cũng không kém cánh nam giới chúi vào đặt cửa. Chỉ có điều thắng bạc lớn ở đây gần như là chuyện không tưởng, điều này thì các nhà kinh doanh sòng bạc rõ hơn ai hết.

Người ta nói đến Campuchia để nhớ Việt Nam mươi mười lăm năm về trước. Tưởng không phải thế mà thật lại chính là vậy. Du khách dù không có nhiều tiền đến Campuchia vẫn có thể ở khách sạn 5 sao. Nhiều nhà dân chỉ lợp bằng lá nhưng lại thấy chiếc “xế hộp” mới coóng đậu trong nhà. Trong cái hiện đại đó lại thấy những điều “quen quen” thuở trước. Ví như ngay dọc những con đường ven thành phố lớn, do hệ thống thoát nước gần như chưa có nên mưa rào bất chợt mà nước ngập kín ngõ, tràn cả vào nhà. Lại nhớ đến kỷ niệm thời tôi còn nhỏ, khu tập thể nhà tôi cứ mỗi trận mưa to thì mọi nhà lại hò nhau tát nước. Ngay lúc này thử món kem             Campuchia màu sắc hấp dẫn nhưng chỉ thấy toàn… đá, mọi người bảo ăn kem này lại nhớ kem Hà Nội thời bao cấp, cái miệng bây giờ ăn sướng quen rồi nên… khó nuốt được.

Người Việt làm du lịch ở Siem Riep

Tượng điêu khắc quanh đền Angkor Wat

Rời Phnom Penh, chúng tôi vượt qua quãng đường hơn 300km đến Siem Riep, thành phố của những đền đài cổ kính, di sản văn hóa nhân loại. Tận mắt chiêm ngưỡng những địa danh mang tên Angkor Wat, kỳ quan của thế giới hay Angkor Thom với khu đền Bayon 54 đỉnh tháp hay đền Ta Prohm còn nguyên dấu tích một thời bị quên lãng trong rừng già cổ thụ mới ngộ ra một ngày tham quan vẫn thấy “thòm thèm”. Angkor Wat sừng sững và kỳ vĩ nổi lên giữa không gian khoáng đạt là hào nước hình vuông dài một cây số rưỡi. 5 ngọn tháp, đỉnh cao nhất tới 65m với các mặt Phật cùng những bức phù điêu và chạm khắc trên đá của Angkor Wat đạt tới đỉnh cao về độ tỉ mỉ và tuyệt kỹ. Bước chân vào quần thể “cấm thành” Angkor Thom, chúng tôi như lạc vào rừng tượng 4 mặt cười ở đền Bayon, đặc biệt không nụ cười nào giống nụ cười nào, để rồi mê đắm với những điệu múa uyển chuyển của tiên nữ Apsara hay thích thú khám phá ra cuộc sống của người Khmer cổ xưa. Cảm xúc chung nhất đọng lại là choáng ngợp và ngưỡng mộ những nghệ nhân thời đại Angkor 800-900 năm trước.

Hòa vào dòng người nườm nượp đến với những ngôi đền cổ kính của nền văn minh Angkor thuở xưa bỗng dưng thấy “thèm” cho du lịch Việt Nam. Vương quốc Campuchia là một trong những địa điểm du lịch mới và hẫp dẫn nhất trên thế giới. Sau hơn 30 năm bị cô lập, khách du lịch đến Campuchia tăng lên qua từng năm. Có một điều thú vị là người cai thầu việc kinh doanh dịch vụ tham quan tại Siem Riep là một Việt kiều có tên Sáu Cò, người được coi là giàu nhất Campuchia hiện nay. Chỉ tính riêng ở các di tích cổ Angkor này, giá vé cho khách du lịch là 20 USD một ngày hay 48 USD cho 3 ngày đến tất cả các điểm tham quan. Thử nhẩm tính mỗi năm Campuchia đón 2 triệu lượt khách quốc tế thì doanh thu sẽ là con số khổng lồ.

Nếu nói nắng là “đặc sản” của Campuchia cũng không sai bởi dù bây giờ đang mùa mưa nhưng mới 7 - 8h sáng nắng đã rát mặt,  đường dẫn vào các khu đền cổ Angkor luôn mát rượi dưới tán cây trong bầu không khí rất trong lành. Trên đường tham quan, chúng tôi bất chợt được nghe một đoạn nhạc bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của một tốp nhạc công. Quả thật du khách Việt đóng góp cho du lịch Campuchia “nặng túi”.


Campuchia, đến rồi nhớ mãi - kỳ 2