Bỏ tiền nuôi người nghèo và người nghiện

ANTĐ - Thử hỏi có mấy ai làm được việc đó, vậy mà suốt 40 năm qua, bà đã làm nhiều việc từ thiện như cưu mang trẻ cơ nhỡ, giúp đỡ những người nghèo. Không những thế hàng trăm đối tượng nghiện ngập ma túy còn được bà cảm hóa từ bỏ ma túy để hoàn lương. Người giàu lòng nhân ái đó là bà Nguyễn Thị Phương, hiện đã ngoài 70 tuổi, ở khu phố 4, P.10, Q.3, TP.HCM.

Bỏ tiền nuôi người nghèo và người nghiện ảnh 1
Giúp người từ thuở còn nghèo khó

Trong ngôi nhà cũ kĩ, rộng 12m2 cũng là nơi đặt bếp ăn Đại đoàn kết, bà Phương đang tất bật chuẩn bị những suất cơm trưa để phát cho bà con nghèo. Bà cho biết: “Buổi sáng, bếp ăn Đại đoàn kết của bà sẽ phát mì gói để họ lót dạ, buổi trưa và buổi chiều sẽ phát 160 suất cơm. Không những đến đây, được ăn cơm miễn phí, người già neo đơn, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn còn được bà hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng và xây cho nhà tình thương”.

Ngày nào cũng vậy, suốt 16 năm qua, bà vẫn âm thầm cùng các nhà hảo tâm nhóm lửa căn bếp Đại đoàn kết để làm công việc nhường cơm, sẻ áo giàu tính nhân văn. Bà Phương cho biết, bà làm từ thiện bởi giữa bà và những người khốn khó có sự đồng cảm sâu sắc. Thuở còn trẻ, đời bà gắn liền với sự nghèo khổ, sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Sinh ra trong gia đình nghèo, khi đất nước trong giai đoạn chiến tranh cả nhà bà phải ly tán khắp nơi. Năm 12 tuổi, bà Phương đã tham gia du kích với nhiệm vụ hậu cần chuyên lo việc phục vụ ăn uống cho các chiến sĩ và phụ trách vót chông.

Theo truyền thống của gia đình, hết lòng yêu nước, bà Phương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sau ngày, đất nước thống nhất, bà được cử về công tác tuyến đường sắt số 3, tại Q.3, TP.HCM với công việc thư ký văn phòng. Năm 1976, trong một lần đi đường thấy 6 đứa trẻ con bị thất lạc cha mẹ, phải sống lang thang, đói khổ ngoài đường, bà Phương động lòng không kìm được nước mắt. Thế là người đàn bà tốt bụng này quyết định cưu mang chúng về nuôi dù lúc này bà có 4 người con ruột mà gia đình lại rất nghèo khó.

Từ đó, lo chuyện cơm áo cho lũ trẻ là cả một vấn đề, người mẹ này phải làm việc liên tục, vất vả như một cái máy. Hằng ngày, ngoài những giờ làm ở cơ quan, bà Phương tranh thủ đạp xe đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM để nhận nuôi bệnh nhân thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù tảo tần vất vả nhưng người mẹ này vẫn đứng ra chăm nom, lo lắng cho các con của mình và những đứa trẻ bất hạnh tươm tất từng bữa ăn. 

Gánh nặng gia đình là vậy nhưng người đàn bà tốt bụng này vẫn thường xuyên chia cơm, sẻ áo cho những bà con nghèo trong khu phố. Thuở ấy, lo cái ăn cho cả nhà còn khó nên không đủ khả năng giúp người, bà Phương thường đi tìm giúp và giới thiệu việc làm cho những người nghèo khổ. Bà thường xuyên san sẻ phần cơm đạm bạc của gia đình mình cho những đứa trẻ mồ côi và người nghèo cơ nhỡ.

Bà Phương chia sẻ: “Ngày ấy, gia đình của tôi cũng có được cái ăn, nhìn những đứa trẻ lang thang đói khát không thể tự kiếm được bát cơm mà mình thấy xót lòng. Thôi thì cưu mang chúng, có gì ăn nấy, mình gắng làm thêm để lo cho chúng cũng được. Lúc đầu, tôi cũng tối cả mặt mũi để chạy lo cái ăn cho bọn trẻ nhưng sau này tìm được việc làm thêm thì cũng giảm được phần nào khó khăn. Hồi đó, nhìn thấy bọn trẻ ngoan ngoãn, nghe lời mà mình càng thêm vui và thương chúng”.

Bỏ tiền nuôi người nghèo và người nghiện ảnh 2

Làm thêm để giúp người nghèo

Để xoay xở cái ăn miễn phí cho người nghèo bà lại làm thêm nghề đóng sách thuê, nghề làm giá đỗ để kiếm thêm thu nhập làm kinh phí tăng suất ăn cho nhiều người. Tuy lúc này tuổi tác đã cao, nhưng bà lão vẫn thức khuya, dậy sớm để làm giá đỗ đem ra chợ bỏ mối cho bạn hàng. Nhờ thu nhập kha khá mà bếp ăn từ thiện của bà cũng được duy trì. Vài năm sau, cảm mến việc làm từ thiện của bà Phương, nhiều Mạnh thường quân đã tìm đến để cùng bà chung tay đem lại bữa cơm ấm lòng cho người khốn khổ.

Từ đó, bếp Đại đoàn kết không chỉ phát cơm miễn phí cho bà con nghèo, sinh viên viên nghèo mà còn giúp vốn, xây cất nhà tình thương cho người tàn tật nghèo khó, cưu mang, chăm sóc những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Hiện nay, mỗi ngày, bếp an Đại đoàn kết của bà Phương cung cấp khoảng 200 suất cơm từ thiện. Mỗi tháng, bà còn hỗ trợ hàng chục kg gạo, và nhiều thùng mì tôm cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp hàng tháng cho hàng chục trẻ khuyết tật trên địa bàn phường 10.

Không những thế từ năm 1998 đến nay, bà Phương đã vận động xây cất được 18 căn nhà tình thương cho người nghèo, tàn tật neo đơn. Anh Nguyễn Văn Cư, người phụ giúp làm bếp Đại đoàn kết chia sẻ: “Thấy cô Phương vẫn mỗi ngày vất vả làm giá ăn, rồi đóng sách để kiếm tiền làm chi phí lo chuyện ăn uống cho bà con nghèo mà tôi rất mến phục. Trước đây vợ chồng tôi cũng rất khổ nhờ cô Phương tạo điều kiện giúp đỡ mà chúng tôi cũng có được cuộc sống ổn định như hôm nay. Được góp một phần công sức để thắp lửa cho bếp ăn Đại đoàn kết này, vợ chồng tôi rất vui và cảm thấy hạnh phúc vì đã góp một phần công sức cùng với cô”.

Bị thương vì giúp người nghiện

Trong nhiều năm qua, ngoài việc đem bát cơm đến với người nghèo khổ, bà Phương còn được bà con phường 10 yêu mến và tín nhiệm về những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống ma túy. Từ năm 1994, khi chuyển về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, bà lão nhận thấy ở địa bàn phường này ngoài những cảnh đời nghèo khó, còn có rất nhiều người nghiện ma túy. Hồi ấy, tệ nạn này ở phường khá phức tạp, trẻ vị thành niên, người lớn cứ hút chích ma túy công khai ngoài đường.

Hậu quả của tệ nạn này sinh ra nhiều vụ trộm cướp gây mất trật tự cho khu phố, không những vậy mà kim tiêm dính máu bị con nghiện vô tư vứt bừa bãi, đã có không ít người bất hạnh dẫm phải. Không ngại nguy hiểm, ngày nào, bà Phương cũng ra sức thu nhặt kim tiêm đem đi tiêu hủy để giữ an toàn cho người dân nhưng một người nhặt nhiều người vứt nên chúng vẫn cứ đầy đường. Bất kể đêm ngày, bà lão đến gặp trực tiếp những người nghiện để dùng lời lẻ cảm hóa và phát thuốc y học cổ truyền giúp họ cai ma túy. 

Ban đầu, bà Phương gặp nhiều sự phản ứng dữ dội, bị những người nghiện thuốc chửi mắng nặng lời, rồi không ít lần bà phải mang thương tích vào người. Năm 2002, lúc đang giúp một thanh niên tên N.T.H cắt cơn nghiện, thì anh này do không kìm chế được giẫy đạp khiến bà Phương ngã vào tường gãy mất hai chiếc răng cửa. Rồi lần khác, bà lại bị một người tên C.T.L xô xuống ngã gãy tay trái.

Thấy việc cảm hóa này nguy hiểm, người nhà bà Phương hết lời khuyên bảo bà bỏ việc nhưng thương những người lạc lối mà bà lão tốt bụng này quyết tâm giúp họ hòa nhập cộng đồng. Bà vẫn cứ đều đặn đến chăm sóc và tạo điều kiện để người nghiện ma túy từ bỏ nàng tiên nâu. “Người nghiện sống rất mặc cảm về bản thân, nên mình phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng mà vỗ về để họ chịu dùng thuốc cai nghiện. Quá trình giúp họ từ bỏ thuốc đòi hỏi mình phải có cái tâm và kiên trì thật sự. Nếu mình nản lòng bỏ cuộc nửa chừng thì họ sẽ sẽ bị tái nghiện ngay”, bà Phương chia sẻ.

Từ năm 1994 đến nay, bà Phương đã cảm hóa hơn 100 người thoát khỏi cảnh nghiện ngập. Nhiều người đã hòa nhập cuộc sống, rồi làm ăn lương thiện. Cảm thấy việc làm của bà có ích cho công động nên nhiều gia đình đưa con em đã dính vào ma túy đến để được bà lão cảm hóa và họ đặt cho bà biệt danh “Bà Phương ma túy”. Một anh xe ôm từng được cảm hóa tâm sự: “Nhờ cô Phương tạo niềm tin và là chỗ dựa tinh thần mà tôi đã không “chơi” hàng nữa và bỏ hẳn luôn. Nhiều năm qua, tôi đi chở xe ôm, đã có vợ con và sống hạnh phúc bên gia đình”.

Điều bà Phương vui nhất là mình không chỉ giúp đỡ được người nghèo khó mà bà còn đưa được nhiều thanh thiếu niên lầm đường hòa nhập cuộc sống. Nhiều năm qua, địa bàn phường 10 cũng không còn bóng dáng ma túy. Với những đóng góp ấy, bà lão tốt bụng này đã nhận được Huy chương Vì sự nghiệp Nhân đạo do Thủ tướng Chính phủ tặng và nhiều Bằng khen của chính quyền địa phương về những đóng góp mà bà giúp ích cho đời.