Bài cuối: Những phản hồi chân tình của bạn đọc

(ANTĐ) - Sau loạt bài phản ánh công việc, nỗi vất vả của lực lượng CSGT cũng như tâm sự và suy nghĩ của những CBCS mang sắc phục lúa chín, ANTĐ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hết sức thẳng thắn và đầy trách nhiệm của bạn đọc.

Lưng áo vàng đẫm mồ hôi:

Bài cuối: Những phản hồi chân tình của bạn đọc

(ANTĐ) - Sau loạt bài phản ánh công việc, nỗi vất vả của lực lượng CSGT cũng như tâm sự và suy nghĩ của những CBCS mang sắc phục lúa chín, ANTĐ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hết sức thẳng thắn và đầy trách nhiệm của bạn đọc.

>>>Bài 1: Chèo chống giữa “đại công trường”

>>>Bài 2: Những nỗi vất vả... chẳng giống ai

>>>Bài 3: Cách nào “gỡ” áp lực cho CSGT?

Ảnh chụp tại ngã tư Trần Phú- Điện Biên Phủ
Ảnh chụp tại ngã tư Trần Phú- Điện Biên Phủ

“Tôi thực sự cảm phục các chiến sỹ CSGT”

“Tôi đọc khá kỹ những bài viết về các chiến sỹ CSGT đăng trên Báo ANTĐ số ra gần đây. Cảm giác đầu tiên là vô cùng cảm phục các anh, và sau đó, thú thực trong tôi bỗng xuất hiện tâm trạng hổ thẹn, áy náy. Chắc chắn không riêng mình tôi mà nhiều người khác chưa thực sự hiểu công việc các chiến sỹ CSGT làm hàng ngày, hàng giờ. Đoạn đường nào thông thoáng thì nghĩ rằng do hạ tầng cơ sở tốt. Còn mỗi khi gặp cảnh ùn tắc, ý nghĩ đầu tiên trong tôi bao giờ cũng là CSGT làm việc thiếu hiệu quả. Nhìn lại bản thân mình, không ít lần chính cá nhân tôi đã vô tình gây sự ùn tắc ở một nút giao thông thêm phức tạp, bằng hành động đi lấn sang đường ngược chiều, hay cố gắng luồn lách lên các phương tiện khác mà ít khi xếp hàng. Các lực lượng Công an Hà Nội, như CSHS, CSCĐ, họ có những vất vả, hiểm nguy khi phải đối đầu trực tiếp với kẻ ác.

 Nhưng tôi đã biết được rằng, CSGT có sự vất vả mang đặc thù của công việc hàng ngày phải tiếp xúc với môi trường, đường phố, thay đổi thời tiết. Hôm vừa rồi, tôi đọc trên một tờ báo đăng tải ý kiến của một Giáo sư - Bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai, đại ý rằng, môi trường ở những ngã tư, nút giao thông đông lưu lượng phương tiện qua lại rất “độc”. Những người tiếp xúc thường xuyên, làm việc thường xuyên ở môi trường ấy có nguy cơ mắc các bệnh về phổi, hô hấp, mắt, mũi và cột sống. Ví dụ đơn giản như đường Trường Chinh, tuyến đường hàng ngày tôi đi làm. Mặc dù khẩu trang, kính đeo kín mít, nhưng “chịu trận” khoảng nửa tiếng giữa các luồng phương tiện ùn ứ là sau đó, thế nào cũng có cảm giác nôn nao, ngộp thở. Trong khi đó, các chiến sỹ CSGT chỉ có chiếc còi và gậy giao thông để phân luồng. Cảm ơn Báo ANTĐ đã giúp tôi một cách nhìn, cách hiểu thật đúng về công việc của các chiến sỹ CSGT. Và chắc chắn một điều, từ nay mỗi khi ra đường, tôi sẽ thực hiện đúng như suy nghĩ của đồng chí Trưởng phòng CSGT: “Phải nghĩ mình là CSGT”.

Chị Ngô Minh Phượng

 (Phố Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa)

17 vụ chống đối lực lượng CSGT

Theo Phòng CSGT - CATP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 17 vụ các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ chống lại lực lượng CSGT. Hành vi của các đối tượng chống đối là lao xe vào lực lượng làm nhiệm vụ, dùng hung khí như dao, gạch, chai thủy tinh tấn công, hắt a-xít, dầu nhớt vào các chiến sỹ CSGT. Các vụ việc này đều đã bị bắt giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan CSĐT Công an các quận, thành phố để xử lý trước pháp luật.

“Còn thiếu sự cương quyết”

Tôi đồng tình với quan điểm của ANTĐ qua loạt bài “Lưng áo vàng đẫm mồ hôi”, rằng tình trạng ùn tắc, phức tạp của giao thông Hà Nội thời gian vừa qua có “lỗi” không nhỏ từ ý thức của người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó, tôi muốn nêu những suy nghĩ của mình về tính hiệu quả cũng như tác phong “chưa chuẩn” của khá nhiều chiến sỹ CSGT mà tôi trông thấy trên đường. Điều đầu tiên, đó là thái độ của nhiều CBCS CSGT còn thiếu cương quyết đối với những vi phạm giao thông. Ôtô, môtô đi sai vạch sơn, rẽ trước đèn tín hiệu, đi vào đường ngược chiều…đều bị xử lý. Thế nhưng những trường hợp xe 3 bánh tự gióng chở hàng cồng kềnh, xe đạp hay người đi bộ sai luật, thậm chí vi phạm ngay trước mắt lực lượng làm nhiệm vụ, lại không bị nhắc nhở, xử lý. Tôi từng chứng kiến ở ngã tư Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu, một chiếc xe 3 bánh tự gióng chở những thanh sắt dài đi trong giờ tan tầm. Một chiến sỹ CSGT nhìn thấy chiếc xe này từ xa, và khi nó đến gần, thay vì xử lý, chiến sỹ này lại làm như không thấy, quay nhìn sang hướng khác. Một vi phạm nhỏ có thể gây ùn tắc lớn. Một sự thiếu cương quyết không chỉ khiến người đi đường không “tâm phục, khẩu phục”, mà sẽ khiến người vi phạm “nhờn” luật.

Vấn đề theo tôi cũng rất quan trọng, đó là tác phong của CSGT khi làm nhiệm vụ. Nếu như hình ảnh các chiến sỹ CSGT đứng bục được coi là chuẩn mực, thì bên cạnh đó vẫn có không ít hình ảnh chưa đạt “chuẩn”. Nhiều CBCS, gậy điều khiển giao thông trong tay không sử dụng đúng mục đích, mà cầm đung đưa, hoặc quay tít ngay trước mắt người tham gia giao thông. CSGT, theo tôi, công việc chính là hướng dẫn giao thông và xử lý vi phạm. Nhưng nhiều trường hợp có vẻ thiên về xử lý hơn. Một ngã tư đông người nhưng có chiến sỹ vẫn đứng tụt vào trong cả chục mét với mục đích “chộp” người nào rẽ sai đèn tín hiệu. Việc xử lý một trường hợp vi phạm kiểu này sẽ khiến công tác đảm bảo giao thông bị ảnh hưởng, chưa nói nó còn gây hình ảnh không đẹp về lực lượng CSGT. Ngoài 2 vấn đề trên, thực tế tham gia giao thông, tôi chứng kiến không ít những thái độ, lời nói thiếu bình tĩnh của CSGT. Những hành vi này chắc chắn sẽ khiến người đi đường giảm đi sự chia sẻ với lực lượng CSGT.

Bác Nguyễn Thị Quỳnh

(Tập thể Cơ khí, phường Thượng Đình, Thanh Xuân)

“Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ”

Theo dõi diễn biến của giao thông Hà Nội trong khoảng 5 năm trở lại đây, tôi nhận thấy có những bước đột phá, thay đổi tích cực trên 2 tuyến đường Kim Mã và trục phố Thái Hà - Chùa Bộc. Một tuyến phân luồng rõ ràng cho các phương tiện thô sơ, cơ giới. Một tuyến được tính toán, thiết kế đèn tín hiệu hết sức hợp lý, giảm cơ bản tình trạng ùn tắc. ấn tượng khác là trên trục phố Thái Hà - Chùa Bộc, những vi phạm giao thông của người đi bộ sẽ bị xử lý, từ nhắc nhở đến phạt hành chính. Tuy nhiên tìm hiểu kỹ, tôi được biết những thay đổi trên 2 trục đường, phố này đều có sự tài trợ kinh phí, kỹ thuật của các tổ chức nước ngoài. Đúng là chúng ta còn khó khăn, đúng là để có được những thay đổi trên phải “đổi” bằng kinh phí không nhỏ. Nhưng có lẽ không nên vì thế mà chúng ta bị động trước việc tổ chức, sắp xếp các luồng tuyến giao thông, hay xử lý những vi phạm nhỏ nhất như người đi bộ sai luật. Hướng dẫn, cưỡng chế các phương tiện trên đường Kim Mã phải đi đúng phần đường; xử phạt người đi bộ sai Luật Giao thông, những phần việc ấy đều do lực lượng CSGT đảm nhiệm chính, có sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể chính quyền phường sở tại. Thực tế cho thấy, đó đều là những công việc không quá phức tạp. Nhưng chúng ta đã thiếu chủ động giải quyết, quá trông vào các dự án tài trợ. Rồi hoạt động của “Đội CSGT kiểu mẫu” trên địa bàn quận Đống Đa, vì sao mỗi tháng chỉ “làm mẫu” được vài ba buổi, vì sao chậm nhân rộng, trong khi tác dụng của mô hình này không nhỏ? Giải quyết ùn tắc giao thông, biện pháp mà chúng ta đang làm hiện nay mới chỉ là tăng cường lực lượng CSGT. Đây không phải là biện pháp hay và duy trì được lâu dài. Nó chỉ khiến cái “gánh” của CSGT thêm nặng. Quan trọng hơn phải là cách thức tổ chức giao thông. Tổ chức khoa học, có tầm nhìn, thì không chỉ CSGT đỡ vất vả, mà áp lực đô thị cũng sẽ giảm.

Anh Đặng Đình Kiểm 
(Phường Văn Chương, Đống Đa)