Bài 2: Trước hết phải có con người mới

(ANTĐ) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống người nông dân cả về vật chất và nhận thức. Không phải, chỉ tạo ra 1 lớp vỏ bọc, thay đổi bên ngoài theo kiểu bình mới rượu cũ. Muốn tạo được sự thay đổi cả về lượng lẫn chất, phải tạo được một cuộc đổi mới thực sự.

Xây dựng nông thôn mới:

Bài 2: Trước hết phải có con người mới

(ANTĐ) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống người nông dân cả về vật chất và nhận thức. Không phải, chỉ tạo ra 1 lớp vỏ bọc, thay đổi bên ngoài theo kiểu bình mới rượu cũ. Muốn tạo được sự thay đổi cả về lượng lẫn chất, phải tạo được một cuộc đổi mới thực sự.

>>> Bài 1: Gian nan tìm nguồn vốn

Để có nông thôn mới cần quá trình xây dựng lâu dài và bền bỉ
Để có nông thôn mới cần quá trình xây dựng lâu dài và bền bỉ

Quyết liệt, kiên trì và liên tục

Chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về xây dựng NTM vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực hiện Chương trình xây dựng NTM là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 70% dân số cả nước. Vì vậy, xây dựng NTM phải thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và coi đây là sự nghiệp của dân và triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chương trình là cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tam nông.

Bởi vậy, Thủ tướng lưu ý các địa phương phải nhận thức rõ đây không phải là chương trình đề ra để xin dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mà là chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của người dân… “Nguồn vốn phải được xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư; huy động người dân đóng góp bằng các hình thức vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, ngày công”, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, liên tục, có giải pháp đồng bộ, xây dựng lộ trình có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng thời kỳ để đạt hiệu quả cao nhất.

Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo hình thức chính quyền xã và người dân chủ trì cùng cán bộ kỹ thuật xây dựng quy hoạch để bảo đảm khoa học, thực tiễn, hiện đại và tôn trọng cái hiện có. “Ba vấn đề lớn trong quy hoạch phải quan tâm là bố trí không gian cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…; hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa; xây dựng cụm dân cư tập trung, hợp lý” - Thủ tướng nêu rõ. Về nội dung trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương cần linh hoạt dựa trên mục tiêu chung để cụ thể mục tiêu cho riêng mình, bảo đảm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, vị trí, phấn đấu không dừng lại ở những con số đã đặt ra.

Không phải dựng lên vỏ bọc bề ngoài

Xã Mai Đình, Sóc Sơn theo đánh giá, so với 19 tiêu chí đề ra của Bộ NN&PTTN, có đến 70-80% số tiêu chí đã ở mức xấp xỉ đạt, song, chủ yếu là về hạ tầng cơ sở. Đến Mai Đình những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí tấp nập của việc xây dựng NTM, tấm biển to, dựng ngay đầu làng với tinh thần Đảng bộ, UBND và nhân dân xã Mai Đình quyết tâm hoàn thành xây dựng NTM. Các công trình xây dựng cũng đã được lên kế hoạch, đất xen kẹt, hoang hóa cần bán để lấy kinh phí xây dựng NTM cũng đã được lên danh sách...

Song, cũng đến thời điểm này, người dân Mai Đình dường như chưa hiểu nhiều về xây dựng NTM, thế nào là xây dựng NTM. Ông Nguyễn Đình Chúc, thôn Thái Phù, xã Mai Đình khi được hỏi về chủ trương xây dựng NTM tại xã Mai Đình, thật thà cho biết, cũng không hiểu NTM là gì, chỉ thấy có triển khai họp dân để nói về làm đường, xây trường học. Còn khi được hỏi, Nhà nước và người dân đóng góp cùng xây dựng, ông Chúc cho rằng, ông sẵn sàng tham gia đóng góp bằng ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công cộng phục vụ bà con, nhưng, nếu phải đóng góp bằng tiền thì gia đình không có điều kiện.

Về ý kiến này, ông Lê Đức Minh cho biết, xã Mai Đình với trên 4.000 hộ dân song phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp. Lượng lao động trên địa bàn xã tham gia vào các nhà máy, khu công nghiệp là không nhiều, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nên thực sự mức thu nhập của người dân ở đây không cao. 

 Thêm vào đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề rất khiêm tốn, trong đó, hầu hết là đào tạo, tập huấn ngắn ngày. Do vậy, ông Minh cũng không khỏi lo lắng, sau khi xây dựng xong bộ mặt NTM về điện, đường, trường, trạm, thì phải làm sao nâng được mức sống của người dân, thay đổi được phong tục, tập quán sinh hoạt, canh tác. “Không phải Nhà nước, TP cứ cho chúng tôi tiền để xây trường mới, làm đường giao thông rộng, đẹp... là chúng tôi an tâm, mà cái chính, là làm sao thay đổi được từ nhận thức của người dân. Xây dựng NTM là xây dựng con người NTM, chứ không phải chỉ dựng lên cái vỏ bọc về chất bề ngoài”, ông Minh trăn trở.

Cùng chung quan điểm này, ông Tăng Minh Lộc cho rằng, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài. Xây dựng NTM không chỉ có hạ tầng mà phải chuyển người dân khu vực nông thôn từ người sản xuất nhỏ, manh mún thành người nông dân sản xuất hàng hóa. Từ chỗ thu nhập thấp thành có cuộc sống sung túc; từ chỗ xây dựng tùy tiện, hủy hoại môi trường thành có ý thức sản xuất xây dựng theo quy hoạch, biết bảo vệ và phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; có ý thức bảo vệ văn hoá dân tộc, nâng cao dân trí cộng đồng... Vì không thể một sớm một chiều, chỉ khi nào người dân hiểu rõ mục tiêu nội dung, cách làm xây dựng NTM, người dân mới “đứng lên” tự giác tham gia... thì NTM mới bền vững. 

Ông Lộc cũng cho rằng, vốn xây dựng NTM phải cần từ nhiều nguồn, tức là cần xã hội hóa, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. “Đúng là qua khảo sát ở 11 xã điểm (đều là các xã trung bình trở lên của mỗi tỉnh) thì để thực hiện đủ 19 tiêu chí NTM phải cần bình quân 154 tỉ đồng/xã. Tuy nhiên đấy là tổng nhu cầu mà vốn xây dựng NTM phải từ nhiều nguồn”, ông Lộc cho biết.

Không thể có NTM nếu hạ tầng công cộng hiện đại mà nhà ở, vườn tược của các hộ xập xệ, hoang tàn…, không thể có NTM nếu lao động nông thôn còn thiếu việc làm, đời sống, thu nhập thấp… Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khi nhận định về xây dựng NTM. Và, đó được đánh giá chính là nội lực của người dân cho xây dựng NTM. Ông Lộc khẳng định: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là một chính sách PTNT toàn diện đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phải làm lâu dài, không thể một sớm một chiều.

Vì vậy, rất cần phải tổ chức học tập, nghiên cứu, trước hết là cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo ở các địa phương để hiểu đầy đủ và thống nhất hành động”. Bởi, ông Lộc cho rằng, khâu khó nhất trong xây dựng NTM chính là làm chuyển biến nhận thức cho cán bộ cơ sở và người dân nông thôn, làm cho họ hiểu sâu yêu cầu và nội dung của xây dựng NTM, khát vọng về một cuộc sống tốt hơn và phải dựa vào mình là chính thì mới chủ động tự giác tham gia và mới sáng tạo trong cách làm.         

Ngân Tuyền