Âu lo cho số phận rùa khổng lồ hồ Đồng Mô

ANTĐ - Nước hồ Đồng Mô lúc kiệt khô, khi dềnh cao- cả 2 tình huống đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến con rùa nặng 70kg sống trong lòng hồ.

Sự xuất hiện ầm ĩ

Cuối tháng 11/2008, hàng đoàn nhà báo cùng nhiều cơ quan chức năng rầm rập phóng về thôn Cời (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây), nơi người dân bắt được một con rùa to như cái nong, nặng đến 70kg.

Nhóm người trực tiếp tham gia bắt con rùa kể lại rằng: từ trước đó nửa tháng, trên dòng sông Tích con rùa khổng lồ đã xuất hiện, quẫy đạp làm sóng nước kinh động một vùng. Họ bèn âm thầm chuẩn bị lưới tốt để quây bắt. Một đêm, rõ ràng họ đã bủa lưới trúng con vật, song lúc kéo lên thì không thấy đâu- nó đã kịp trốn xuống bùn, tẩu thoát.

Một góc hồ Đồng Mô (ảnh sưu tầm)

Không nản chí, biết rằng con vật vẫn quanh quẩn ở khúc sông này, những mành lưới tốt hơn được thợ săn chuẩn bị. Và lần thứ hai vây bắt họ đã thành công: Sau khi rùa lọt lưới, cả 6 người đàn ông khỏe mạnh cùng nhảy xuống nước, hì hục vần con vật khổng lồ đem lên bờ. Đem đo thấy chiều dài từ đầu đến chót đuôi là 90cm, cân nặng suýt soát 70kg.

Dân thương lái thậm chí còn nhanh nhạy hơn cả cánh phóng viên. Ngay trong đêm họ đã kịp mò về làng, xem rùa và ngã giá. Cũng may, khi giá trị con vật đang được qui thành kim tiền thì lực lượng công an địa phương, kiểm lâm và cả các chuyên gia của Chương trình bảo tồn rùa châu Á kịp thời có mặt để giải cứu.

Lúc này mọi người mới té ngửa ra rằng, con rùa khổng lồ này chỉ bí mật với người thường, còn với các chuyên gia về rùa, nó đã bị “lộ” từ tháng 3/2007. Người có công phát hiện ra cá thể rùa quí hiếm này là anh Nguyễn Xuân Thuận- cán bộ Chương trình rùa Việt Nam (thuộc Chương trình rùa châu Á). Ăn nằm, rình rập hàng tháng trời bên hồ Đồng Mô, một ngày đẹp trời, qua ống nhòm chuyên dụng anh Thuận mừng húm khi phát hiện thấy con vật ngoi đầu lên khỏi mặt nước thở phì phò, sưởi nắng. Thế nhưng, để chụp được tấm hình đầu tiên của con rùa này, anh Thuận còn phải chờ đợi thêm 3 tháng nữa…

Bức ảnh đầu tiên về rùa khổng lồ hồ Đồng Mô do anh Nguyễn Xuân Thuận chụp được

Trong khi các nhà khoa học cố giữ bí mật cho cá thể rùa khổng lồ sống trong lòng hồ Đồng Mô thì nó lại tự làm lộ mình. Tháng 11/2008 chính là thời điểm Hà Nội gặp trận lũ lịch sử, trong khi đó đập tràn hồ Đồng Mô lại đang xây dựng dở dang… Hàng nghìn m3 nước từ lòng hồ tràn ra sông Tích, mang theo hàng tấn cá và cả cá thể rùa khổng lồ, để rồi sau đó nó bị dân làng vây bắt như kể trên.

Các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động và thưởng một chút tiền cho những người đã tham gia vây bắt con rùa. Rồi sau đó, ngay trong ngày con vật được tức tốc đưa trở lại và thả xuống hồ Đồng Mô, sau khi đã bôi thuốc kháng sinh, sát trùng một số vết thương.

Rùa Đồng Mô liên quan gì đến cụ Rùa hồ Gươm?

Các chuyên gia của chương trình rùa Châu Á cho rằng rùa khổng lồ hồ Đồng Mô cùng loài với "cụ rùa" Hồ Gươm và là 2 trong số 4 cá thể duy nhất còn tồn tại trên thế giới của loài rùa này (2 cá thể còn lại được ghi nhận ở một vườn thú Trung Quốc).

Đây là nơi người dân thôn Cời bủa lưới bắt được rùa khổng lồ tháng 11/2008

Từ đó có rất nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra (dù chưa cái nào được thực hiện): Nào là mang rùa khổng lồ hồ Đông Mô về thả vào hồ Gươm, để hai cá thể rùa tác hợp sinh ra…cả đàn rùa con huyền thoại- dù khi đó còn chưa ai xác định được giới tính của cả 2 cá thể rùa.

Rồi khi các nhà khoa học Trung Quốc đã ép 2 cá thể rùa khổng lồ của họ đẻ nhân tạo được hàng trăm trứng, nhưng không trứng nào nở thì lại có ý kiến đề xuất, đưa rùa Đồng Mô sang Trung Quốc nhân giống. Rùa con nở thì chia cho mỗi nước một nửa….

Phản đối quyết liệt chuyện này, đầu tiên phải kể đến nhà “rùa học”, PGS Hà Đình Đức. Ngay từ khi Hà Nội còn chưa bắt cụ Rùa hồ Gươm lên chữa trị, ông Đức đã khăng khăng rằng cụ Rùa là 1, là duy nhất, là hoàn toàn khác biệt… Rùa khổng lồ hồ Đồng Mô có cái đầu vằn vện hoa văn, khác hẳn với cái đầu trơn tru của cụ Rùa hồ Gươm nên tất cả những chuyện “ghép đôi tạo giống” chỉ mang lại lợi bất cập hại mà thôi.

Rùa khổng lồ hồ Đồng Mô khi bị bắt, đầu nó có hoa văn vằn vện khác với
cái đầu trơn láng của cụ Rùa hồ Gươm (ảnh sưu tầm)

Là người đã theo sát mọi sinh hoạt của cụ Rùa hồ Gươm suốt từ năm 1981 đến nay, nhà “rùa học” thậm chí còn có lần sang thẳng Bảo tàng tự nhiên Thượng Hải để thấy rằng: “Nhìn vào hai bức ảnh chụp sọ của con Rafetus LeLoi (tên khoa học của rùa hồ Gươm) và con Rafetus Swinhoei (giải Thượng Hải) thấy rất nhiều điểm khác biệt nhau”.

Một người khác khẳng định rùa khổng lồ hồ Đồng Mô khác hẳn cụ Rùa hồ Gươm là ông Nguyễn Ngọc Khôi- người sau này được thành phố Hà Nội giao trọng trách chỉ huy cuộc vây bắt, lai dắt cụ Rùa hồ Gươm vào bể chữa trị. Ông Khôi tuy không phải là nhà khoa học song lại có thực tế nuôi các loài rùa trong hàng chục năm. Ông khẳng định như trên vì đơn giản…ông cũng có một cá thể rùa giống với rùa khổng lồ hồ Đồng Mô, được ông nuôi ở khu sinh thái đầm Bông (phường Định Công, Hà Nội)- dù rằng con rùa đầu vằn vện hoa văn của ông Khôi nhỏ hơn, chỉ nặng có 12kg.

Đây là con rùa nặng 12 kg của ông Khôi
đầu cũng có hoa văn vằn vện

Việc xác định 2 cá thể rùa sống ở 2 cái hồ cách nhau hàng chục km có cùng loài với nhau hay không tưởng chừng như kéo dài không có hồi kết. Cuối cùng, mãi cho đến ngày 12-4-2011, khi TS Bùi Quang Tề (trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm) cho biết, 8 mẫu xét nghiệm đều cho thấy, rùa hồ Gươm là một loài mới khác hoàn toàn với loài rùa Thượng Hải mà các nhà khoa học đã công bố, thì việc này mới lắng đi.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì rùa khổng lồ hồ Đồng Mô cũng là một cá thể động vật quí hiếm cần được bảo vệ cẩn thận. Những ngày vừa qua, một lần nữa báo chí bỗng lại ồn ào về cá thể rùa khổng lồ này- trong tình huống nước hồ Đông Mô đang dâng cao, có thể rùa khổng lồ sẽ lại thoát ra ngoài như cách đây 4 năm…

Đón đọc bài 2: Con rùa khổng lồ lại sẽ thoát ra ngoài sông Tích?