Anh đi, đã hẹn ngày trở lại

ANTĐ - Mỗi khi Hà Nội tưng bừng chào đón ngày giải phóng 10-10, trong ký ức nhiều người lại hiện lên một cái tên đơn vị quân đội - cái tên được nhắc có lẽ là nhiều nhất trong lịch sử thành phố. Cái tên ấy đã hóa ngôn thiêng và được dùng phổ biến đến mức, có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất nên có một con phố mang tên Trung đoàn Thủ đô. Tôi dám khẳng định rằng cái tên thân thương và trìu mến ấy đi vào lịch sử, đi vào lòng người bởi điều mà chính những người lính ấy mang lại cho thành phố và Tổ quốc mình…

Ngày ra đi

Ngày 7-1-1947, sau 2 tháng khói lửa chiến đấu giữa lòng Thủ đô mở đầu cho toàn quốc kháng chiến, Trung đoàn Thủ đô được chính thức thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn 301 và Vệ quốc đoàn cùng Tự vệ chiến đấu Liên khu I thuộc khu 36 phố phường. Chỉ huy đầu tiên của Trung đoàn là anh Hoàng Siêu Hải. Ban đầu trung đoàn được gọi là Trung đoàn liên khu I, nhưng chỉ 5 ngày sau, Hội nghị quân sự toàn quốc quyết định đổi tên Trung đoàn Liên khu I thành Trung đoàn Thủ đô.

Ngày 17-2 năm ấy, sau cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ cuộc tản cư an toàn cho gần 4 vạn người dân thành phố, trung đoàn đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp. Cuộc rút quân lịch sử bắt đầu từ 17h từ đình Phất Lộc, ra bãi cát ven sông Hồng, trung đoàn đi dưới gầm cầu Long Biên (khi trên cầu lô nhô lính Pháp), lội sang bãi giữa rồi vượt sông bằng thuyền, về vùng tự do thuộc huyện Đông Anh. Ít ai biết rằng sau sự kiện ấy, nhân dân làng Tứ Tổng xưa đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.

Và ngày về hùng tráng

Khi Trung đoàn sang vùng tự do an toàn, gần sáng 19-2, người dân vừa chuẩn bị cất thuyền thì có lệnh mới: một trung đội bộ đội rút sau cùng đã ngủ quên ở bãi ngô, chưa sang sông. Những người dân dũng cảm vẫn tiếp tục chèo thuyền đưa bộ đội sang sông. Khi thuyền vừa ra tới giữa dòng thì bị quân địch phát hiện, chúng điều máy bay đến thả bom; nã pháo vào bãi giữa và ca nô, tàu chiến của địch kéo tới đổ quân càn quét. Tất cả quyết định dìm thuyền, lợi dụng trời mờ sáng bơi vào bờ. Trên bờ, bộ đội ta bị kẹt lại cùng nhân dân và anh em tự vệ Tứ Tổng kiên cường chiến đấu đáp trả lại quân thù. Nhưng do chênh lệch về lực lượng và trang bị, địch điên cuồng bắn giết bộ đội, cũng như dân làng Tứ Tổng và Tàm Xá. Riêng ở Tứ Tổng, địch đốt trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn và đình Xuyên, bắn nát 44 chiếc thuyền, giết chết 27 người (phần đông là chiến sĩ tự vệ), bắt đi 70 người. Từ đó, ngày 19-2 hàng năm trở thành ngày “giỗ trận” của dân làng Tứ Tổng.

Rời Hà Nội, tham gia vào cuộc chiến đấu trên các mặt trận và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Trung đoàn Thủ đô nối chí anh hùng của bao thế hệ đi trước, góp phần làm nên một Điện Biên hùng tráng.

“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về…”.

Ngày 10-10-1954 đối với nhân dân cả nước là ngày Giải phóng Thủ đô, còn đối với Trung đoàn Thủ đô, đó là Ngày về lịch sử. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về với thành phố quê hương, trên áo còn gắn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Hà Nội bắt đầu trang sử mới. Hôm nay bao người Hà Nội vẫn đầy ắp ký ức Trung đoàn, tôi mong sẽ có một ngày người Hà Nội sẽ dựng bên sông Hồng một tượng đài hình con thuyền vượt sông ngày ấy. Và như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kỳ vọng, thành phố sẽ có một con đường mang tên Trung đoàn Thủ đô…