“Ăn theo” thương hiệu
Bài 1: Sống nhờ thương hiệu May 10
(ANTĐ) -Áo phông Lacoste 120.000 đồng; những chiếc sơ mi giống 100% mẫu mã của May 10, Việt Tiến, Nhà Bè được đính thương hiệu “Guy Laroche”, “Valentino”... Cơ quản quản lý biết rõ nhưng có lẽ xem nhẹ hiện tượng này, nên thị trường may mặc đang phổ biến tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Song khi hội nhập quốc tế, những kiểu kinh doanh, vi phạm sở hữu trí tuệ này đã và đang hạ gục uy tín của ngành dệt may Việt Nam.
Muốn gì được nấy
Chủ một cửa hàng may trên phố Tràng Tiền khẳng định chắc nịch với tôi: “Sơ mi May 10 bây giờ, ngoài những cửa hàng, đại lý của công ty, ra thị trường, tìm áo nhãn hiệu May 10 với giá dưới 200.000 đồng/chiếc, thế nào cũng vớ phải đồ giả”. Cùng với khẳng định này, chị chủ cửa hàng may thông tin: “Nhà báo không tin, cứ sang làng May 10 bên Long Biên mà mục sở thị”.
Một xưởng may tư nhân trong “làng May 10” |
Làng May 10 được nhắc đến ở đây là khu tập thể trong ngõ 675 đường Nguyễn Văn Linh, ngay sau trụ sở Công ty cổ phần May 10. Trước, nó là khu tập thể của cán bộ công nhân viên công ty. Từ khi quận Long Biên được thành lập, nơi đây phát triển thành 8 tổ dân phố, “lấy” của CAP Sài Đồng đến 3 CSKV phụ trách địa bàn. Phường Sài Đồng có 16.000 dân thì “làng May 10” chiếm tới nửa dân số với cả trăm hộ làm nghề may, từ sản xuất nhỏ đến mở xưởng, lập công ty.
Nghe tôi phản ánh thị trường có hàng May 10 giả, một cán bộ CAP Sài Đồng cho biết, CAP và đội nghiệp vụ CAQ từng nhiều lần kiểm tra bí mật và công khai, chưa lần nào phát hiện các cơ sở may mặc làm nhái hàng May 10; ngay cả việc tàng trữ nhãn mác, lôgô cũng không có. Tuy nhiên, việc có nhiều áo sơ mi của các cơ sở may tư nhân được sản xuất giống y hệt mẫu mã hàng May 10 là một thực tế.
Tiếng là ”làng”, nhưng tốc độ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở đây khá mạnh. Có những xưởng may tư nhân lên đến cả trăm công nhân, đầu tư dây chuyền khá hiện đại. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ”làng May 10” có 2 hình thức hoạt động. Mô hình nhỏ lẻ thường làm theo hợp đồng hoặc nhận gia công cho các chủ xưởng lớn. Phát triển hơn là các cơ sở sản xuất mà quy mô không thua kém một xưởng may của Công ty May 10. Những cơ sở này nhận mọi công đoạn về may, từ gia công đến may hợp đồng và tạo cả mẫu mã sản phẩm cho khách lựa chọn.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua quần áo mở cửa hàng bên Hà Nội, sáng 17-5, tôi tìm đến cơ sở may của bà V, nguyên cán bộ Công ty May 10. Cơ sở này có khoảng 20 công nhân đang làm việc. Bà V chỉ tay giới thiệu cho tôi chồng áo sơ mi đã được đóng gói trong túi nilon đang để góc nhà: “Hàng tiểu thương chợ Đồng Xuân đặt đấy, anh kiểm tra xem, chất vải không thua May 10 đâu”. Tôi cầm thử một chiếc áo lên. Vỏ túi nilon in hàng chữ “New Fashion” lòe loẹt bằng mực đen. Phần cổ áo trong đồng bộ thương hiệu “Valentino”. “áo ngoại hả chị?”, “hàng nội, nhưng mác ngoại đấy”. Theo thông tin của bà V, có nhiều người đã tìm đến “làng May 10” để đặt hàng vì không chịu được giá sản phẩm của Công ty May 10.
Trong khi, chất liệu vải và kích cỡ của hai bên đều tương đương nhau. Bà V tư vấn, có 2 cách để những người mới mở cửa hàng lựa chọn; hoặc là mang vải đến rồi thuê may với giá 15.000 đồng/chiếc áo; hoặc là mua tại chỗ, giá cả dao động từ 45.000 đồng (áo cộc tay) đến 60.000 đồng (áo dài tay). Nếu mua áo thành phẩm, những cơ sở lớn như của bà V sẽ có hơn chục mẫu để khách lựa chọn. Kích cỡ, kiểu dáng bên may lo. Còn lôgô, thương hiệu, hoặc khách lo, hoặc khoán cho cơ sở cũng được. “Anh mang bất kể lôgô ngoại nào đến cũng được, nhưng trừ lôgô của May 10”, bà V dặn thêm.
Thật - giả khó lường
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong “làng May 10” |
Sơ mi nguyên bản của “làng May 10” thường không đính nhãn mác. Hành trình tiếp theo của nó do khách hàng mua tự quyết định. Và rất có thể trong số đó, những chiếc áo giống y hệt sản phẩm của Công ty May 10 từ kích cỡ đến kiểu dáng, sẽ được “đội lốt” May 10 để bán ra thị trường. “Công ty chúng tôi có bộ phận quản lý sát sao hoạt động của các đại lý, cửa hàng đã ký hợp đồng liên kết. Nếu phát hiện vi phạm bán sản phẩm khác thương hiệu, hoặc sản phẩm nhái, cửa hàng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc”, một cán bộ Phòng Tổ chức hành chính Công ty cổ phần May 10 khẳng định.
Tuy nhiên, vị cán bộ này thừa nhận, công tác kiểm tra của công ty từng phát hiện những cửa hàng nhái nguyên biển hiệu May 10, hoặc bán sản phẩm nhái của May 10. “Chúng tôi biết có những sản phẩm giống sản phẩm của công ty chúng tôi về kiểu dáng, kích cỡ. Nhưng chỉ khi họ sử dụng lôgô, thương hiệu May 10 chúng tôi mới can thiệp được”, vị cán bộ này cho biết.
Một đại diện khác của Công ty May 10 phân tích, sản phẩm ở những cửa hàng, đại lý chính thống của May 10 hiện nay, nếu là người... tinh ý và hiểu biết một chút sẽ không bao giờ mua phải hàng nhái. Ngoài trách nhiệm của các đại lý, có 4 yếu tố để phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, như căn cứ vào nhãn mác đính ở cổ áo, nhãn hàng đính trên sườn áo có sợi chỉ phản quang, nhãn treo trên thân áo và yếu tố rất quan trọng là tem chống hàng giả, được sản xuất ở nước ngoài và chỉ sử dụng được một lần.
Thú thực khi nghe mô tả 4 yếu tố này, tôi cầm trên tay một sản phẩm May 10, tiếp cận trực quan mà còn cảm thấy sự mơ hồ. Không phủ nhận những nỗ lực của doanh nghiệp này trong việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, nhưng đúng là, việc tồn tại một “làng May 10” ngay cạnh công ty khó tránh khỏi những hoài nghi nhất định. Nhất là thị trường hiện nay, đến kiểm soát chặt như tiền tệ còn bị làm giả, thì khó gì việc sản xuất những chiếc tem, nhãn mác nhái. Trong đa số những cơ sở làm ăn chân chính ở “làng May 10”, liệu chắc chắn không có những cơ sở cá biệt hám lợi, tung ra hàng nhái.
Hoàng Quân