15 năm và 1 tấm lòng
(ANTĐ) - Trong cuộc triển lãm “60 năm đền ơn đáp nghĩa” tại Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội vừa qua có một gian trưng bày nhỏ bé và khiêm tốn nhưng lại thu hút khá đông sự chú ý của mọi người. Nơi đó có 10 tập sách viết tay của một thương binh nặng đã dành trọn tâm huyết của mình để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ nhân của 10 cuốn sách ấy là ông Phạm Mạnh Hà, năm nay đã 77 tuổi, nguyên Phó chủ nhiệm Bảo tàng Pháo binh. Với một ông lão đã ngoài thất thập thì quả đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ và hiếm có. Sở dĩ nói thế vì nó còn một nguyên nhân khác. ấy là ông Hà thực hiện “công trình” này khi ông đã rời quân ngũ và mắc một căn bệnh hiểm nghèo: Tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người.
Năm 1992, sau khi đã nằm một chỗ vì căn bệnh quái ác, ông Hà bắt tay vào viết những trang đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vốn xuất thân là một anh lính pháo binh, rồi chuyển sang làm công tác bảo tàng nên ông Hà có điều kiện để sưu tầm và học hỏi.
Tuy nằm liệt giường, nhưng cái chất lính kiên cường trong ông không giảm, ông Hà nghĩ: Nikolai Ostrovsky bị liệt cũng như mình, thế mà còn viết được cuốn tiểu thuyết bất hủ “Thép đã tôi thế đấy”. Rồi Phạm Hồng Sơn, tiểu đoàn trưởng “Tiểu đoàn 307” ốm liệt một chỗ, thế mà còn mày mò tự học ngoại ngữ để dịch sách cho các em học sinh. Toàn những con người biết vượt lên số phận, vậy thì lý gì mà một người lính như mình, mới liệt có... nửa người đã vội đầu hàng? Động lực chỉ đơn giản thế, suy nghĩ gắn gọn có vậy, ông Hà bèn nhúc nhắc trở dậy và bắt đầu viết lách.
Ông Phạm Mạnh Hà |
Lúc mới đầu, việc cầm bút với ông là một cực hình. Đầu vẫn tỉnh táo suy nghĩ được, nhưng chân tay không còn tuân theo sự chỉ đạo của khối óc nữa, lắm bận để viết được một dòng ông phải bị chuột rút co quắp đến cả chục lần. Sở dĩ ông Hà chọn đề tài viết về Hồ Chủ tịch bởi với ông đây là vị lãnh tụ hội tụ nhiều phẩm chất cao quý nhất.
Chính vì thế, ngay từ ngày còn đương chức, ông đã sưu tầm và lưu giữ khá nhiều tài liệu viết về Người. Không có điều kiện để đi lại tìm kiếm tài liệu hay lên thư viện, ông mang những tài liệu cũ ra đọc và hệ thống lại theo từng chủ đề để rồi biên khảo thành từng tập. Cứ ròng rã như thế hơn chục năm trời, mỗi ngày người lính già lại loay hoay đánh vật với từng con chữ. Mỗi tập viết xong, ông lại lấy bìa đóng lại ngay ngắn thành từng cuốn.
Ban đầu ông Hà tâm niệm, đây là những cuốn sách chỉ viết cho riêng mình. Sẽ chẳng có ai biết đến những cuốn sách ấy nếu như không có một sự tình cờ. Trong một lần ghé thăm bạn cũ, ông Nguyễn Đình Cán, Chi hội trưởng chi hội 8 Cựu chiến binh phường Yên Hòa đã thực sự kinh ngạc khi thấy ông bạn già của mình đang kỳ cạch viết những dòng cuối của tập thứ 10.
Đúng đợt chi hội đang phát động phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Cán bèn ngỏ ý xin mượn tập 7 với tiêu đề: “Hồ Chí Minh - Sáng ngời tấm gương đạo đức” về làm tài liệu phổ biến trong chi hội. Tình cờ nối tiếp tình cờ, ông Thái Doãn Hộ công tác tại Ban tuyên giáo TƯ Hội Cựu chiến binh đến thăm Chi hội 8 đã phát hiện ra cuốn tài liệu độc nhất vô nhị này và lập tức tìm tới nhà của tác giả.
Thế là như đã nói ở trên, 10 tập sách của ông Hà xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc triển lãm “60 năm đền ơn đáp nghĩa”. Ngày khai mạc triển lãm, khá nhiều người vây quanh ông và hỏi: “Điều gì khiến ông bỏ sức lực thực hiện một công việc kỳ công đến thế?”.
Ông Hà chỉ cười hiền lành: “Thân tôi tuy liệt, nhưng trí óc chưa liệt, tay tôi chưa liệt và trái tim còn đập, vậy thì tại sao không viết?”.Và cứ thế cho đến hôm nay, ngày ngày bên ô cửa nhỏ nhìn ra khoảng sân con con trước mặt, ông Hà vẫn lặng lẽ làm cái công việc sưu tầm và biên khảo những cuốn sách về vị lãnh tụ kính yêu của mình. Mới đây nhất, ông sưu tầm được một cuốn sách của nước bạn Trung Quốc viết về Hồ Chủ tịch xuất bản từ năm 1972.
Ông Hà đang nhờ một người bạn dịch ra tiếng Việt để bổ xung thêm tư liệu cho cuốn “Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” của mình. Ông hi vọng, với những tư liệu quý giá mà mình đang có, cuốn sách này sẽ là một tư liệu tập hợp đầy đủ nhất về những năm tháng hoạt động của Bác bên nước bạn.
Nguyễn Long