Phòng ngừa ung thư cổ tử cung: Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống là 95%

ANTD.VN - Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 người tử vong. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các tế bào ung thư cổ tử cung đã di căn, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh chỉ còn 10%.

Tầm soát định kỳ: 80% phát hiện sớm bệnh

Trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng hơn 500.000 người mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 50% tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 người tử vong. 

Trong 10 bệnh ung thư hay gặp, ung thư cổ tử cung là bệnh có tỷ lệ mắc đứng thứ hai. Bệnh này do virus HPV gây ra, không xảy ra đột ngột mà tiến triển trong khoảng thời gian dài, từ 10-15 năm với các giai đoạn: nhiễm HPV, biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, tổn thương tiền ung thư, ung thư. 

Các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung thường không điển hình, thậm chí ở giai đoạn đầu còn gần như không có biểu hiện. Đến giai đoạn muộn, các triệu chứng cũng rất mơ hồ, gần giống với viêm nhiễm phụ khoa thông thường như: ra máu giữa kỳ kinh, khí hư ra nhiều và có mùi hôi, đau bụng vùng tiểu khung, đau khi quan hệ tình dục…

Chính vì những lý do trên, bệnh thường được phát hiện vào giai đoạn cuối và tỷ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên, nếu được tầm soát định kỳ, 80% tỷ lệ ung thư có thể phát hiện sớm, từ đó giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm là 95%. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các tế bào mắc bệnh đã di căn thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 10%.

Cần xét nghiệm Pap ít nhất 3 năm/lần

Tính đến thời điểm hiện nay, Pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) được coi là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất.

Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản Hà Nội,  HPV - virus gây ra ung thư cổ tử cung lây truyền qua đường tình dục nên bất cứ ai cũng cần làm xét nghiệm Pap định kỳ, bắt đầu từ khoảng 3 năm sau lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Tùy theo độ tuổi mà tần suất thực hiện xét nghiệm này cũng khác nhau. Cụ thể, nếu từ 21-39 tuổi, nên xét nghiệm Pap ít nhất 3 năm/lần; từ 40-65 tuổi là 5 năm/lần. Còn sau tuổi 65, nếu các xét nghiệm trước đó đều bình thường thì không cần thiết thực hiện tiếp.

Qua soi cổ tử cung, nếu thấy các tế bào có nguy cơ cao phát triển thành ung thư thì bạn sẽ được yêu cầu điều trị sớm để tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Nhiều người băn khoăn rằng, nếu đã  tiêm ngừa HPV thì có cần phải thực hiện Pap smear định kỳ không? Bác sĩ Hồ Mai Hoa cho biết, xét nghiệm này là để phát hiện ung thư cổ tử cung và các thay đổi tiền ung thư nên cho dù đã ngừa HPV, bạn vẫn cần thực hiện để đảm bảo sức khỏe.

Tuy vậy, vẫn có trường hợp xét nghiệm Pap cho kết quả sai và hầu hết xuất phải từ lỗi chủ quan của bệnh nhân. Theo đó, có người đã tiến hành xét nghiệm khi vừa quan hệ tình dục, đặt thuốc hay thụt rửa sâu…, trong khi yêu cầu của Pap smear là trong vòng 24-48 tiếng, tuyệt đối không có bất cứ tác động nào vào âm đạo, bởi lẽ, những tác động này có thể dẫn đến kết quả không còn chính xác.

Ngoài ra, thời điểm tốt nhất để tiến hành xét nghiệm này là 10 đến 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu của kỳ kinh gần nhất. 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhớ rằng: dù lần xét nghiệm này của bạn không có gì đáng lo, thế nhưng, nếu đã từng có xét nghiệm bất thường thì đó là điều vẫn cần phải thật lưu tâm.