Phòng ngừa nguy cơ tự kỷ

ANTĐ - Bệnh nhân tự kỷ hiện nay ở trẻ em vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường, hội chứng down, bại não, loạn dưỡng cơ… Ngày càng có nhiều nghiên cứu cùng đi đến một kết luận, trừ nguyên nhân do khiếm khuyết về gene, hóa chất hàng ngày mà chúng ta tiếp xúc từ đồ vật trong nhà, thực phẩm, đến không khí chúng ta hít thở đều có thể kích hoạt sự phát triển não bất thường.
Phòng ngừa nguy cơ tự kỷ ảnh 1
Cha mẹ cần tránh các hóa chất có thể thúc đẩy bệnh tự kỷ ở con cái

Nghiên cứu mới nhất được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội quốc tế về tự kỷ đầu tháng 5-2013 đã phát hiện ra mối liên quan giữa bệnh tự kỷ với hóa chất diệt côn trùng và ô nhiễm không khí, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy môi trường đóng một vai trò quan trọng trong sự xáo trộn các hoạt động bình thường của não trẻ. Trong năm 2011, các nhà khoa học từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ cho biết, gene di truyền chiếm 38% nguy cơ mắc bệnh tự kỷ, còn lại 62% là do yếu tố môi trường - những gì chúng ta ăn uống, thở và hấp thụ.

Thực tế, trong số 80.000 hóa chất đang được sử dụng nói chung, mới chỉ có khoảng 3.000 loại được kiểm tra nghiêm ngặt do tác động đến sức khỏe con người. “Vẫn còn hàng trăm hóa chất gây đột biến, ung thư, có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí não nhưng chúng ta chưa kiểm soát được”, Tiến sỹ nhi khoa Jay Gordon, tác giả cuốn “Ngăn chặn bệnh tự kỷ” cho biết. Tất cả mọi thứ từ hóa chất, kim loại nặng có trong thực phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân hàng ngày, đồ nội thất… đều có thể góp phần làm gây ra chứng tự kỷ. Các nhà khoa học cho biết, tiếp xúc với môi trường không nhất thiết phải là gene đột biến mà đôi khi là những gene bình thường nhưng mất đi khả năng phản ứng tự nhiên chính xác. Vì thế, điều quan trọng là bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trước nguy cơ của bệnh tự kỷ, nhưng những người sắp làm bố mẹ cũng cần tránh các hóa chất có thể thúc đẩy bệnh tự kỷ ở con cái, cụ thể là:

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc. Một số thuốc chống trầm cảm và thuốc hen suyễn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ ở trẻ nên những người có kế hoạch sinh con cần lưu ý. Mặt khác, cha mẹ tuổi cao mới sinh con nguy cơ mắc bệnh tự kỷ cho con cũng tăng lên.

Loại bỏ kim loại nặng trong thực phẩm. Than đá và nhiên liệu hóa thạch khi bị đốt cháy tạo ra một lượng lớn kim loại nặng tồn tại trong bầu khí quyển và rơi xuống theo mưa. Kim loại nặng như thủy ngân tích tụ trong chuỗi thức ăn trong đó có một số loài cá như cá kiếm, cá ngừ…

Chế độ ăn có lợi cho sức khỏe. Đó là súp lơ xanh, cải xoăn, lòng đỏ trứng, đậu lăng, rau diếp, các loại hạt, dâu tây, sữa chua… Những loại thực phẩm này giàu folic acid, chất chống ôxy hóa, vitamin B12 và choline.

Mua thực phẩm sạch. Mặc dù chi phí cho thực phẩm sạch cao hơn hẳn nhưng chúng ta cần cân nhắc đến ích lợi về sức khỏe vì thực phẩm công nghiệp hiện giờ dùng đủ loại thuốc bảo quản, thuốc diệt nấm, hạt giống biến đổi gene… gây rối loạn cho cơ thể nói chung và hệ thống thần kinh nói riêng.

Không lạm dụng mỹ phẩm. Trong hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân hàng ngày như chất khử mùi, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, xà phòng đều chứa hóa chất về lâu dài không tốt cho sức khỏe.

Lọc nước. Nước máy và nước đóng chai đều có thể chứa một số loại thuốc trừ sâu, kích thích tố, thuốc kháng sinh, vì thế nên trang bị bộ lọc nước tốt có thể loại bỏ hầu hết các chất độc.

Tránh quần áo độc hại. Một số loại quần áo tuy tiện lợi nhưng lại không tốt cho sức khỏe, ví dụ như quần áo không nhăn, không thấm nước, chống nấm mốc… Khả năng là chúng bị tẩm hóa chất mà chưa bao giờ được thử nghiệm đầy đủ về tác động đối với sức khỏe.