Phòng ngừa “nặng” tai ở trẻ

ANTĐ - Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em khiếm thính tại nước ta vào khoảng 0,5%. Việc bị khiếm thính từ rất nhỏ  ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa nhập xã hội, phát triển tâm lý của trẻ cũng như chất lượng giống nòi.

Khám thính lực cho trẻ mẫu giáo tại thị trấn Liên Quan (Thạch Thất, Hà Nội)


Cơ hội cho trẻ bị khiếm thính

Mới đây, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội phối hợp với các sĩ BV Nhi Trung ương đã tiến hành khảo sát và khám khiếm thính cho trẻ em tại một số trường mẫu giáo, mầm non tại Hà Nội. Qua khám thực tế tại 4 huyện ngoại thành gồm Thạch Thất, Ứng Hòa, Gia Lâm, Phú Xuyên cho thấy, tỷ lệ trẻ được phát hiện nghe kém mức độ nhẹ chiếm từ 2% - 3%. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm tai, nhiễm trùng tai… Trong số này có một số em được tư vấn dùng máy trợ thính, một số em bị điếc hoặc khiếm thính nặng được tư vấn làm phẫu thuật cấy điện cực ốc tai.

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, quyền trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, BV Nhi Trung ương cho biết, đối với trẻ điếc sâu, cấy điện cực ốc tai là việc nên làm. Đây là kỹ thuật cấy một thiết bị điện tử vào bên trong ốc tai nhằm thay thế tế bào lông của ốc tai. Từ đó những kích thích âm thanh sẽ theo dây thần kinh thính giác thông qua các kích thích xung điện lên trung ương thần kinh ở vỏ não. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân bị điếc đều có thể áp dụng được kỹ thuật này, bởi để được phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, trẻ phải đạt chỉ số IQ, các yếu tố về tâm lý và giao tiếp xã hội hoàn toàn bình thường. Mặt khác, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải trải qua kiểm tra thính giác thích hợp và khám tai mũi họng để xác định rằng, bệnh nhân có thể tiếp nhận và phù hợp được loại sản phẩm cấy ghép này hay không...

Cũng theo bác sĩ Xương, phương pháp này được áp dụng tại BV Nhi Trung ương từ tháng 7-2010 và đến nay BV đã phẫu thuật được cho 55 trường hợp. Mỗi ca phẫu thuật kéo dài từ 1-2 giờ đồng hồ. Độ tuổi thực hiện kỹ thuật lý tưởng nhất là khi trẻ 12-36 tháng tuổi, với những trẻ dưới 5-6 tuổi cũng có thể áp dụng được. Sau phẫu thuật, tình trạng thính lực của các cháu nhìn chung đều được cải thiện, từ mức độ nghe kém sâu 2 tai lên mức độ nhẹ (ngưỡng nghe của các cháu chỉ từ 30 đến 35 dB). Vướng mắc lớn nhất là chi phí thực hiện kỹ thuật này còn cao nên hạn chế cơ hội tiếp cận dịch vụ của trẻ em, nhất là các học sinh nghèo vùng nông thôn.

Sàng lọc thính lực sơ sinh

Trên thế giới, mất thính lực (giảm khả năng nghe hoặc điếc, 1 tai hoặc 2 tai) có thể gặp với tỷ lệ 3-4/1.000 trẻ sơ sinh. Còn tại nước ta, đến nay chưa có một số liệu nào về mất thính lực ở trẻ sơ sinh được công bố. Tuy nhiên các nhà khoa học, các bác sĩ chuyên khoa cũng đã chỉ ra được những dấu hiện nhận biết sớm, những đối tượng có nguy cơ cao mắc khiếm thính bẩm sinh. TS.BS Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Chỉ đạo tuyến - BV Phụ sản Hà Nội cho biết, rất nhiều sản phụ thường không để ý rằng khi trẻ sơ sinh ít quấy khóc hoặc không giật mình (phản ứng lại) trước âm thanh lớn… thì em bé có thể đối mặt với mất thính lực bẩm sinh.

Trên thực tế, chỉ có khoảng một nửa các trường hợp mất thính lực có thể xác định được nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do mắc phải trong quá trình mang thai, sinh đẻ và yếu tố di truyền. Theo đó, một số trẻ có nguy cơ mất thính lực cao hơn những trẻ khác khi những bà mẹ mắc một số bệnh lý trong lúc mang thai: giang mai, rubella, herpes... hoặc các bà mẹ tiếp xúc hay sử dụng các thuốc kháng sinh, hoá chất độc hại; tiền sử gia đình có người mất thính lực; trẻ đẻ non hoặc sinh nhẹ cân, có các dấu hiệu suy hô hấp sau đẻ, phải thông khí hỗ trợ kéo dài; trẻ bị vàng da, viêm màng não; chỉ số Apgar sau đẻ thấp; trẻ bị bất thường cấu trúc ở đầu, mặt, cấu trúc bất thường của tai ngoài và tai giữa...

Mới đây, BV Phụ sản Hà Nội đưa vào áp dụng chương trình sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh. Theo TS. Nguyễn Công Nghĩa, tất cả những trẻ sinh ra tại BV này sẽ đều được thực hiện sàng lọc thính lực. Đây là một phương pháp đơn giản và không tốn kém, ngay cả các cơ sở y tế hoàn toàn có thể thực hiện được. Cụ thể, BV Phụ sản Hà Nội sàng lọc mất thính lực bẩm sinh ở trẻ sơ sinh với 2 phương pháp: đo lường âm thanh thoát ra từ ốc tai và đáp ứng âm của cuống não. Cả 2 phương pháp đều có độ chính xác cao, không gây đau đớn và bất kỳ nguy cơ nào cho trẻ sơ sinh. Thời điểm tốt nhất để thử nghiệm sàng lọc ít nhất phải sau 24 tiếng sau sinh, chờ tai trẻ khô hẳn và trước khi trẻ ra viện. Nếu có những bằng chứng rõ ràng về việc mất thính lực thông qua các thử nghiệm này, trẻ cần phải được chuyển đến các chuyên gia thính học để có chẩn đoán tổng thể về dạng và mức độ mất thính lực, có biện pháp điều trị thích hợp.

Tuy nhiên, không phải tất cả những trẻ sơ sinh không vượt qua thử nghiệm sàng lọc thính lực này đều bị mất thính lực mà cần phải thử nghiệm lại, bởi có nhiều lý do tác động đến kết quả.