Phòng ngừa hỏa hoạn tại các siêu thị, trung tâm thương mại

ANTD.VN - “Trung tâm thương mại, siêu thị là nơi thường xuyên tập trung đông người và có khối lượng hàng hóa lớn, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. 

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, chủ động phòng ngừa hỏa hoạn tại các siêu thị và trung tâm thương mại sẽ mang tính quyết định, để bảo đảm an toàn trong khâu phòng cháy, chữa cháy tại những nơi này” - Thiếu tá Nguyễn Đức Thiêm, Phó trưởng CAQ Long Biên cho biết.

Hỏa hoạn luôn rình rập

Vụ cháy xảy ra lúc 17h ngày 3-4, tại một siêu thị mini nằm trong ngõ 20 - đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là tiếng chuông cảnh báo cho những siêu thị và trung tâm thương mại, chợ… khi bước vào mùa hè nắng nóng. Theo đại diện Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Nam Từ Liêm, với những siêu thị chưa đạt chuẩn như: thuê mặt bằng hoặc nhà dân với diện tích lớn để làm siêu thị, vấn đề cháy xảy ra chỉ là thời gian... Bởi lẽ, với công năng của các công trình xây sẵn hoặc nhà dân, không phải thiết kế cho siêu thị nhưng làm siêu thị trong khi trang thiết bị PCCC chưa đầy đủ, hoạt động chưa tốt, lại vừa để hàng, máy móc và kinh doanh thì cháy là điều khó tránh.

Trước đó, sự cố hỏa hoạn xảy ra vào tối 11-12-2016, tại tầng 3 - siêu thị AEON MALL Long Biên, Hà Nội đã làm nhiều người hoảng hốt. Được biết, khi đó đang có đông người bên trong khu này và đám cháy nhỏ bùng phát tại một gian hàng trong làng ẩm thực trên tầng 3 khiến hệ thống báo cháy tự động đổ chuông, phun nước liên tục...

Vụ việc trên cho thấy, ngay cả hệ thống siêu thị được trang bị thiết bị PCCC hiện đại, đầy đủ, nhưng cũng chưa phải là an toàn. Qua một số vụ cháy cho thấy, việc chủ động phòng ngừa cháy tại các trung tâm thương mại, siêu thị khiến chúng ta không thể thờ ơ, lơ là, mà cần phải chú trọng bằng cách thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị và cần tăng cường ý thức, sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Đại diện Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên chia sẻ: “Vào thời điểm xảy ra sự cố cháy ở siêu thị AEON MALL Long Biên, có khá đông người dân đang mua sắm và giải trí tại trung tâm này. Nhờ thông tin về sự cố cháy nhanh chóng được Ban quản lý tòa nhà truyền đi thông qua hệ thống loa; đồng thời, lực lượng bảo vệ kiêm đội viên đội chữa cháy cơ sở được hướng dẫn bài bản, có kỹ năng nên đã kịp thời tổ chức hướng dẫn cho người dân thoát ra bên ngoài nhanh chóng, không có hậu quả đáng tiếc về người. Việc xử lý vụ cháy nhanh một phần do hệ thống PCCC được trang bị đầy đủ và hoạt động tốt. Tất cả đều được kiểm tra định kỳ. Mặt khác, các biển báo, biển hiệu, phương tiện PCCC được lắp đặt tại những nơi dễ thấy, dễ sử dụng; 100% nhân viên làm việc tại trung tâm thương mại đều được tập huấn qua công tác PCCC và có kỹ năng chuẩn”.   

Thời tiết nắng nóng và đây là thời điểm rất dễ xảy ra cháy nổ, đặc biệt cao điểm giữa trưa nắng việc sử dụng thiết bị điện gia tăng, dễ xảy ra cháy lớn. Vụ cháy siêu thị Thành Đô ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội đúng vào dịp nắng nóng năm 2017, cũng bởi nguyên nhân do chập điện trong thiết bị máy bảo quản đồ ăn...

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Cảnh sát PCCC - CNCH - CATP Hà Nội cho biết : Qua kiểm tra nhận thấy một số siêu thị, trung tâm mua sắm rất hay vi phạm các quy định an toàn về PCCC. Nguyên nhân phần lớn do các cơ sở này đều tận dụng không gian để trưng bày hàng hóa; một số siêu thị thuê lại không gian tại chung cư, tòa nhà cao tầng nên việc thiết kế thiếu đồng bộ. Siêu thị, trung tâm thương mại cũng chứa nhiều hàng hóa là chất dễ cháy như nhựa, vải vóc, hóa chất, khiến nguy cơ cháy lớn càng cao. Các tủ chứa thực phẩm đông lạnh, đồ điện gia dụng bày bán hoạt động liên tục, ít được bảo dưỡng nên cũng dễ xảy ra chập điện”.

Những thiết bị điện đặt trên mái nhà của siêu thị sẽ khó kiểm soát, cũng như bảo dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Muốn PCCC tốt đòi hỏi ý thức phòng cháy của chủ nhân siêu thị và người quản lý cũng như khách ra vào những nơi này. Chỉ cần sơ ý quên tắt thiết bị điện khi ra về cũng có thể dẫn đến cháy lớn tại siêu thị, trung tâm thương mại. Chưa nói đến việc trong mỗi siêu thị, trung tâm thương mại có hàng trăm loại máy móc bảo ôn, đông lạnh, máy làm mát hệ thống siêu thị. Việc bảo dưỡng máy móc không đúng định kỳ, phát hiện không kịp thời sẽ dẫn đến chập cháy và cháy lan ra hàng hóa.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết: “Nhằm hạn chế tối đa việc cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản tại trung tâm thương mại, siêu thị… đơn vị đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể; tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở khuyến cáo các siêu thị, trung tâm thương mại chủ động công tác PCCC và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức cho các đơn vị quản lý siêu thị, trung tâm thương mại ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC...”.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP về tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC tại các công trình, trung tâm thương mai, siêu thị, kho xưởng… lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đang triển khai quyết liệt và phối hợp cùng với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng cháy nổ ở các địa điểm trọng yếu này.

Vụ cháy thiêu rụi siêu thị Thành Đô

Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiểm tra, tuyên truyền, phát tờ rơi, khuyến cáo các hộ kinh doanh không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm, dễ cháy như xăng - dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác trong nhà, chợ. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại. Ngoài ra, cần tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, điện chiếu sáng, điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ an toàn cho toàn bộ hệ thống điện và từng tầng, nhánh, ngành hàng, quầy, sạp của hộ kinh doanh. Hết giờ kinh doanh phải cắt toàn bộ hệ thống điện, trừ hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ được lắp riêng biệt trước khi ra về.