Phòng ngừa cướp "xe ôm", taxi dịp cuối năm

ANTD.VN - Đã thành quy luật, dịp cuối năm được xem là “tháng củ mật” của những đối tượng trộm cắp, cướp giật. Một trong những “con mồi” mà các đối tượng này thường nhắm đến đó chính là lái “xe ôm”, xe taxi. Nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như trau dồi các kỹ năng phòng vệ của các lái xe là mấu chốt cho việc thoát hiểm trong tình huống mong manh giữa sự sống và cái chết.

Phòng ngừa cướp "xe ôm", taxi dịp cuối năm ảnh 1Đối tượng Hà Văn Hiếu dùng dao cứa cổ lái xe taxi nhằm cướp tài sản bị người dân bắt giữ vào đầu tháng 10 vừa qua trên đường Võ Chí Công, Hà Nội

Hiển hiện những nguy cơ

Một trong những địa bàn “nóng” về tội phạm cướp giật, cướp tài sản phải kể đến quận Hoàng Mai. Với vị trí nằm tại cửa ngõ phía Nam của TP Hà Nội, giáp ranh với các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm và huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên, quận Hoàng Mai hội tụ đủ tất cả những yếu tố phức tạp của một quận nội thành cũng như các tính chất đặc thù của vùng ngoại thành. Trên địa bàn quận tập trung đông người tạm trú, người lao động ở các tỉnh ngoài.

Đáng chú ý, quận Hoàng Mai cũng là nơi tập trung rất nhiều bến xe như bến xe phía Nam, Nước Ngầm, vận tải hành khách, hàng hóa từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc và ngược lại. Vị trí cửa ngõ này cũng hội tụ rất nhiều phương tiện vận tải hành khách công cộng trong đó có “xe ôm”, xe taxi. Hơn nữa, địa bàn có nhiều nhà trọ, giá cả bình dân nên “cánh” “xe ôm”, xe taxi thuê trọ khá nhiều.

Cùng với yếu tố tự nhiên trên, nói về những nguy cơ cướp, cướp giật tài sản nhằm vào lái “xe ôm”, xe taxi, chỉ huy CAQ Hoàng Mai khái quát, con số hơn 1.221 xe taxi với 9 hãng có trụ sở trên địa bàn đang hoạt động đã phần nào phán ảnh được mức độ phức tạp của tình trạng này. Bên cạnh đó, tổng số lái “xe ôm” đang hoạt động tại địa bàn cũng lên tới con số gần 800 người, hầu hết tập trung ở các nhà ga, bến xe và tuyến đường, khu đô thị, chung cư.

Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ xâm hại lái xe taxi, “xe ôm”. Dù lực lượng công an đã điều tra khám phá đạt tỷ lệ 100% số vụ án xảy ra, song những vụ án này vẫn gây tâm lý lo lắng cho không ít người làm nghề lái “xe ôm”, xe taxi trên địa bàn. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 77 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh loại hình vận tải taxi, với tổng số hơn 19.500 phương tiện. Đó còn là chưa kể đến một số lượng không ít xe taxi “dù” đang hoạt động bất kể ngày đêm. Chưa hết, hiện nay ngoài hoạt động taxi theo kiểu truyền thống phương tiện “đeo mào” thì còn số lượng lớn xe taxi Uber, Grab. 

Với đặc thù là loại hình vận tải hành khách công cộng, chính vì vậy lái xe ôm, xe taxi phải thường xuyên tiếp xúc với người lạ. Từ đây, nguy cơ bị đe dọa cướp tài sản cũng trở nên khá phổ biến. Đặc biệt, những nguy cơ này càng tăng bởi trong bóng đêm, đường vắng, hay ở tuyến đường xa dân cư, việc lái xe phát hiện và chống trả lại được với những đòn tấn công bất ngờ của đối tượng cướp là rất hạn chế. 

Chắc hẳn người dân và nhất là cánh lái xe taxi vẫn chưa thể nào quên vụ án cắt cổ lái xe taxi xảy ra vào đêm 6-10 vừa qua. Khi đó, người dân chứng kiến một chiếc xe taxi đang lưu thông trên đường Võ Chí Công, bất ngờ phanh gấp. Từ trên ghế lái, lái xe taxi một tay ôm cổ, tay còn lại mở cửa lao xuống đường vừa bỏ chạy vừa kêu cứu. Vết cắt trên cổ người lái xe taxi khiến máu chảy loang đỏ cả ghế ngồi, cửa xe.

Khi lái xe taxi bỏ chạy được vài mét, từ phía sau, một nam thanh niên cũng mở cửa xe bỏ chạy trong khi trên tay vẫn cầm con dao nhọn. Nam thanh niên này bị người dân bao vây bắt giữ và lực lượng chức năng đã làm rõ,đối tượng là Hà Văn Hiếu (SN 1997, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). 

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, nguyên nhân dẫn đến hành động cướp taxi của Hiếu xuất phát từ sự túng quẫn trong cuộc sống. Trong lúc lang thang để tìm cách đòi lại tiền từ một trung tâm giới thiệu việc làm, Hiếu thấy trên đường có khá nhiều xe taxi đi lại. Đi bộ qua những khu chung cư hay vườn hoa, công viên, Hiếu nhận được rất nhiều những lời mời đi xe taxi. Ý định cướp tài sản của lái xe taxi bắt đầu lóe lên trong Hiếu.

Khoảng 22h30 đêm 6-10, Hiếu vẫy xe taxi hãng ABC tại đường Nguyễn Hoàng Tôn (phường Xuân Đỉnh), sau đó yêu cầu lái xe di chuyển về đường Võ Chí Công. Khi đi đến đoạn đường vắng, Hiếu yêu cầu lái xe dừng lại rồi bất ngờ lấy dao trong túi kề vào cổ lái xe taxi bắt đưa tiền. Trước sự kháng cự của lái xe taxi, đối tượng đã dùng dao cắt cổ nạn nhân. Rất may, lái xe kịp quay người giữ đối tượng và tri hô nên vết thương không gây tử vong. 

Gần một tháng sau khi vụ án này xảy ra, trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội lại xảy ra một vụ cướp tài sản của lái xe taxi với thủ đoạn côn đồ, manh động. Lái xe taxi cho biết đã nhận chở hai vị khách từ khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy về Đông Anh.

Khi đi đến khu công nghiệp Thăng Long, qua cánh đồng vắng, cả hai đối tượng ngồi sau liền sử dụng hung khí kề vào cổ khống chế và trói lái xe để cướp tiền cùng điện thoại. Nguyễn Tuấn Vũ (27 tuổi) và Trần Minh Kiên (21 tuổi) cùng trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chính là thủ phạm gây ra vụ cướp táo tợn này.

Vũ đã bị CAH Đông Anh bắt giữ ngay sau đó ở một nhà nghỉ cách hiện trường gây án không xa. Tên còn lại hiện đang bị CAH Đông Anh ra quyết định truy nã. 

Phòng ngừa cướp "xe ôm", taxi dịp cuối năm ảnh 2Nhiều đối tượng nghiện, nhiễm HIV đi cướp taxi đã dùng hung khí chống trả quyết liệt lực lượng bắt giữ

Cần tỉnh táo thoát hiểm

Qua những vụ án cướp tài sản của lái xe taxi, điểm chung nhất đó chính là sự túng quẫn về tiền bạc của các đối tượng. Chính sự túng quẫn này đã khiến cho chúng có thể gây ra mọi tội ác, kể cả giết người chỉ để lấy vài trăm nghìn hay chiếc điện thoại. Có những đối tượng nghiện ngập không muốn mất thời gian đi rình rập, mò mẫm, đào tường khoét vách đêm hôm để trộm cắp nên chọn cách táo tợn hơn là cướp taxi. Khi bị phát hiện, bắt giữ, chúng sẵn sàng dùng dao, kiếm chống trả hòng thoát thân. 

Phạm Cương Quyết (19 tuổi), Lê Đức Công (21 tuổi) và Nguyễn Anh Dũng (19 tuổi), cùng trú tỉnh Nghệ An là các đối tượng trong vụ cướp xe taxi ở Hà Tĩnh cách đây không lâu. Ổ nhóm này vờ thuê xe taxi đi từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, khi đi qua khu vực đường vắng đã giả vờ nôn ọe để lái xe dừng lại.

Chúng dùng dao khống chế, đâm lái xe taxi cướp tài sản cùng phương tiện để bỏ trốn. Khi bị công an vây bắt, chúng đã dùng dao kiếm điên cuồng chống trả hòng thoát thân. Một chiến sĩ công an bị đối tượng Quyết (bị HIV) cắn vào bụng, phơi nhiễm HIV. 

Thông tin với phóng viên, đại diện Phòng CSHS CATP Hà Nội cho biết, gần như năm nào đơn vị cũng có một kế hoạch, chuyên đề riêng về phòng chống tội phạm xâm hại tài sản của lái xe taxi, “xe ôm” trên địa bàn thành phố. Hiện nay tất cả các xe taxi hoạt động đều không có các thiết bị bảo vệ lái xe như kính, vách ngăn giữa lái xe và hành khách.

Chính vì lẽ đó, đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận, khống chế lái xe từ phía sau hay thậm chí là ghế phụ phía trên. Chưa hết, nhiều lái xe taxi còn rất chủ quan khi đón khách nhất là khách vãng lai. Thậm chí, ngay cả khi có khá nhiều hành khách với biểu hiện khả nghi đòi chở đi xa, trong đêm tối hay qua những điểm, tuyến đường vắng vẻ, các lái xe taxi này cũng chẳng mảy may cảnh giác, nghi ngờ.

“Ngày 16-11 vừa qua CATP Hà Nội đã phối hợp với Sở GTVT cùng các hãng taxi trên địa bàn tuyên truyền các biện pháp đảm bảo ANTT, ATGT cho lái xe taxi. Ngoài ra, số điện thoại đường dây nóng cũng được dán trên xe taxi để lái xe hay người dân có thể chủ động gọi cho lực lượng CSHS khi cần sự hỗ trợ”-đại diện Phòng CSHS CATP Hà Nội cho hay. 

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, bài bản của lực lượng công an, đại diện Phòng CSHS cũng khuyến cáo người dân, nhất là lái xe taxi, “xe ôm” cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi chở khách.

“Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân sẽ nhiều lên. Lợi dụng điều này các đối tượng cướp tài sản nhằm vào lái xe taxi cũng sẽ có diễn biến phức tạp. Trước khi chở khách, lái xe cần chú ý quan sát nắm kỹ đặc điểm của khách nếu thấy có nghi vấn cần cương quyết từ chối; thông báo lịch trình, tuyến đường đi đến của xe mình cho tổng đài hoặc những người xung quanh  để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Trong trường hợp bị tấn công nếu không có khả năng chống trả phải cố gắng giữ bình tĩnh, chấp hành yêu cầu của đối tượng để không ảnh hưởng đến tính mạng. Khéo léo tạo tình huống nhằm tìm sơ hở của đối tượng, từ đó nhanh chóng dừng xe, thoát khỏi sự tấn công và tìm kiếm sự giúp đỡ của người dân, cơ quan công an”- chỉ huy Phòng CSHS cánh báo.