Phòng ngừa cướp taxi trên các tuyến đê

(ANTĐ) - Áp tết, không chỉ những người làm nghề taxi mà dư luận người dân cũng lo ngại trước các vụ cướp của lái xe taxi trên trục đê sông Hồng, sông Đuống.

Phòng ngừa cướp taxi trên các tuyến đê

(ANTĐ) - Áp tết, không chỉ những người làm nghề taxi mà dư luận người dân cũng lo ngại trước các vụ cướp của lái xe taxi trên trục đê sông Hồng, sông Đuống.

Các đối tượng cướp bị bắt giữ
Các đối tượng cướp bị bắt giữ

2 vụ cướp liên tiếp

Sẩm tối 14-1, anh Vũ Duy Bình (SN 1989), trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, lái xe hãng taxi “Bắc Việt” đang chờ khách ở khu vực vườn hoa Pasteur thì có một thanh niên ăn mặc lịch sự đến thuê chở sang quận Long Biên. Đến ngõ 53 đường Ngô Gia Tự thuộc địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên, vị khách hướng dẫn anh Bình lái xe vào sâu trong làng Thượng Thanh rồi đi lên hướng đê sông Hồng. Đến khu vực vắng vẻ, xa khu dân cư, bất ngờ vị khách chồm lên, dùng dao gí vào cổ anh Bình, khống chế và lục soát lấy đi chiếc ví da bên trong có 500.000 đồng, cùng nhẫn vàng và điện thoại di động của người lái taxi.

Một ngày sau đó, vào lúc 17h ngày 15-1, trên trục đường đê này cũng xảy ra vụ cướp tài sản của lái xe taxi. Đối tượng thuê xe taxi từ Nhà hát Lớn sang Gia Lâm. Khi gần đến Quốc lộ 5, y yêu cầu lái xe quay lên tuyến đê sông Hồng. Đến đoạn đường vắng, đối tượng dùng dao khống chế, cướp ví da và điện thoại di động của lái xe. Ngay khi tên cướp mở cửa xe định chạy, người lái taxi dùng gậy đuổi theo nhằm lấy lại tài sản. Tuy nhiên, tên gian đã mất hút dưới triền đê tối thẫm.

Đến ngày 20-1, CQĐT CATP Hà Nội đã tìm ra thủ phạm 2 vụ cướp trên. Đó là đối tượng Nguyễn Đình Đạo (SN 1991), quê Tân Yên, Bắc Giang. Đạo là sinh viên một trường cao đẳng có trụ sở tại quận Long Biên. Lời khai ban đầu của đối tượng về mục đích đi cướp tài sản, là cần tiền để trả nợ và tiêu tết.

Không có ngoại lệ

Không chỉ trục đường đê sông Hồng, sông Đuống, đê Bát Tràng, Thanh Trì - Lĩnh Nam, các trục đường liên xã, đường đê ở huyện Đông Anh, Phú Xuyên… đều có chung đặc điểm là… rất dễ hình thành điều kiện cho tội phạm cướp taxi nói riêng và tội phạm cướp gây án. Đơn cử như tuyến đê Bát Tràng, trục đường nối quận Long Biên sang Gia Lâm và “thông” sang địa bàn tỉnh Hưng Yên, cả chục kilômét đê dù là ban ngày nhưng nhiều lúc không một bóng người qua lại. Đã vậy, mặt đường đê đang giai đoạn thi công nên phương tiện không thể chạy nhanh. Bên phải trục đường đê, qua bức tường bê tông cao chưa đến 2 mét là bờ bãi sông Hồng. Bên trái là triền đê thoai thoải, ngút tầm mắt là vườn. Nhà dân gần nhất lên tới đường đê cũng phải vài chục mét. Đã vậy, trục đê Bát Tràng không được cung cấp điện chiếu sáng vào buổi tối.

Đặc thù địa hình như thế tất yếu “đẩy” những người lái xe taxi vào thế khó khi phải đối mặt với tội phạm. Và thực tế đã  xảy ra đối với anh Nguyễn Anh Tuấn(SN 1984), lái xe taxi hãng ATA, trụ sở tại thị trấn Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chở 3 vị khách nam giới từ đường Bà Triệu, phường Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc về đến đường đê Bát Tràng thì khách dùng dao khống chế, bắt anh Tuấn xuống ghế sau ngồi. Anh Tuấn kháng cự quyết liệt và mở được cửa xe ô tô lao ra ngoài. Một tên trong nhóm cướp nhảy lên vị trí lái xe, nổ máy. Trước tình huống này, anh Tuấn quay lại, giữ chặt vô lăng ô tô khiến chiếc xe mất lái, đâm thẳng vào chướng ngại vật cạnh đường. Ba tên cướp mở cửa xe bỏ chạy.

Khi lực lượng công an nhận được tin báo, đến hiện trường, tìm thấy 1 chiếc ba lô bên trong có 2 sợi dây thừng, 1 cuộn băng dính xanh, 2 chiếc mũ lưỡi chai và 2 chiếc áo phông. Theo nhận định của Đội Điều tra hình sự - CAH Gia Lâm, anh Tuấn đã rất may mắn mới thoát được “bẫy” bọn cướp. Với tang vật để lại, chứng tỏ đây là ổ nhóm manh động, đã chuẩn bị rất kỹ các phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, chúng đã chọn địa điểm “lý tưởng” gây án là tuyến đê sông Hồng.

Hà Nội từng có địa bàn thí điểm mô hình rất hay, phòng ngừa tội phạm trên các tuyến đê bằng cách “tăng” chức năng của các điếm canh đê thành các trạm khai báo tạm trú, các chốt ứng trực. Cứ vài trăm mét đến 1km lại có ánh sáng điện từ các trạm khai báo tạm trú hắt ra đường đê. 10, 15 phút lại có các tổ tuần tra bằng xe máy hoặc đi bộ dọc tuyến đường. Các trạm tuần tra này có sự kết nối thông tin chặt chẽ, sẵn sàng chặn đầu, khóa đuôi đối tượng xấu nếu xảy ra vụ việc. Và đó chính là sự “đảm bảo” hữu hiệu nhất của công tác phòng ngừa.

Hoàng Quân