Phòng ngừa cháy, nổ gây tai họa khi sử dụng chăn điện, máy sưởi những ngày đông giá lạnh

ANTD.VN - Trong những ngày qua, tiết trời lạnh buốt, nhiều nơi, đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ, người già đã sử dụng thiết bị máy sưởi ấm, chăn điện… để sưởi ấm, chống lạnh. Những thiết bị này rất hiệu quả, song cần đề phòng khi sử dụng, tránh chủ quan gây cháy, nổ. Ngoài ra, ở một số vùng ngoại thành, người dân phải tuyệt đối chú ý khi sử dụng than củi để sưởi ấm, nếu không muốn...mất mạng. 

Sưởi ấm không đúng cách

Cách đây mấy năm đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến hai bà cháu của một gia đình tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội tử vong, do đưa bếp than tổ ong vào trong nhà để sưởi ấm. Ngay sau đó, cơ quan công an có kết luận giám định các nạn nhân tử vong do ngộ độc khí từ bếp than. 

Một vụ cháy nhà do đưa bếp than vào trong nhà sưởi ấm

Một vụ tai nạn khác cũng do sử dụng dụng cụ sưởi ấm từ phòng tắm, khiến nạn nhân bị bỏng toàn thân xảy ra vào tháng 12-2016, tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tối hôm đó, anh Nguyễn Hải B, đi làm về đã bật đèn sưởi trong nhà tắm để sử dụng. Trong khi tắm, đột nhiên bóng đèn sưởi phát , làm anh B bị bỏng phần mặt và thân...

Trên đây là hai vụ việc cụ thể, chúng tôi nêu ra để cảnh báo sự nguy hiểm trong việc sử dụng dụng cụ sưởi ấm mùa đông không đúng cách.

Phân tích về vụ nổ đèn sưởi trong phòng tắm, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Dụng cụ sưởi ấm nhà tắm phát nổ rất nguy hiểm, và nếu như cầu giao điện khi đó không nhảy automat thì có thể nạn nhân không chỉ bị bỏng, mà còn có nguy cơ bị điện giật. Bởi lẽ, bóng điện nổ làm hở các chân tóc dẫn điện phía trong, kết hợp với hơi nước truyền điện theo đường ẩm ướt tại nền nhà tắm sẽ dẫn đến nguy hiểm. Trong trường hợp này, nếu người thân không biết tưởng nạn nhân bị cảm khi tắm, vào cứu thì sẽ bị điện giật tiếp”.

Theo một số chuyên gia ngành điện, nguyên nhân nổ bóng đèn sưởi rất đơn giản. Bóng đèn nóng, hơi nước bốc lên ngưng tụ gây nổ. Đối với những hệ thống sưởi ấm cả năm không dùng, nhưng khi lạnh đột ngột người dân sử dụng và không kiểm tra, bảo dưỡng trước khi bật, cũng gây nguy hiểm đến tính mạng.  

Đèn sưởi cháy nổ trong nhà tắm gây chập điện toàn bộ hệ thống 

Đại diện Viện Bỏng quốc gia thông tin: Hàng năm, vào mùa đông giá lạnh các khoa cấp cứu về bỏng do dụng cụ sưởi ấm gây ra là con số không nhỏ. Tập trung nhiều nhất là các bệnh nhân nhỏ tuổi, do bố mẹ để gần dụng cụ sưởi như quạt sưởi, hoặc do đồ sưởi bằng điện như sấy quần áo ướt gây nên. Nhiều gia đình để dụng cụ sởi ấm gần tầm với của trẻ khiến chúng tò mò, nghịch ngợm bò đến gần gây bỏng và cháy nhà.

Còn theo báo cáo của Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh là xuất hiện những ca ngộ độc do sử dụng than làm lò sưởi ấm. Không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng sử dụng than hoa sưởi ấm trong phòng ngủ, nhà tắm nhưng lại đóng kín cửa phòng, gây ngộ độc khí than.

Sở dĩ gây tai nạn như vậy là do đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí OXY, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Khí CO2 không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

Đừng để thành chuyện đã rồi

Đại tá Nguyễn Trường Sơn phân tích thêm: “Các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại như quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi… luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao. Vì vậy, không nên để những thiết bị này gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da gây khô da, khô mũi và có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng đã gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1 - 2 mét và tốt nhất nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người bởi các nguy cơ nói trên”.

Đèn sưởi nhà tắm nguy cơ cháy, nổ do hơi nước ngưng tụ khi bật nóng

Một nguy hiểm không hề kém các thiết bị sưởi ấm khác đó là chăn điện. Ở thành phố, chăn điện cũng là thiết bị được sử dụng phổ biến trong mùa đông. Tuy nhiên, việc sử dụng an toàn phải tuân thủ quy định trước khi sử dụng.

Vẫn theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, việc đầu tiên trước khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ xem chăn có bị gãy dây may so, hư hỏng cách điện và cách nhiệt không. Khi sử dụng, nên điều chỉnh công suất vừa phải, đủ ấm. Tuy nhiên việc sử dụng chăn điện làm ấm trực tiếp đến cơ thể mà không kiểm tra, hoặc quá cũ đã gây nguy hiểm đến tính mạng do điện giật, hoặc chập cháy mà không biết. Nhiều trường hợp gia đình có trẻ em, bật chăn điện ngủ và đêm trẻ nhỏ đái dầm đã dẫn đến chập điện gây cháy thậm chí gây giật điện dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, các thiết bị điện sưởi ấm còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do để lâu không sử dụng. Khi mùa đông, người sử dụng bật đột ngột lại không kiểm tra, bảo dưỡng và các đường dây điện bị chuột cắn, máy kẹt mô tơ dẫn đến chập điện gây cháy nhà. Ngày 10-12 vừa qua, tại khu trọ của công nhân ở địa bàn Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, một gia đình có con nhỏ phơi tã bằng tủ sấy quần áo đã gây cháy nhà. Rất may khi đó hai mẹ con đang ở bên ngoài, nên không thiệt hại về người.

Chăn điện bị chập cháy

Theo các chuyên gia PCCC cảnh báo: Để an toàn, người sử dụng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong việc sạc điện và sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện. Tuyệt đối không sử dụng trực tiếp đối với túi sưởi khi đang cắm điện. Không nên để trẻ nhỏ ngủ trên đệm điện nếu như có bệnh đái dầm và không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không để vật nặng đè lên, tránh gây bục túi dẫn đến rò rỉ dung dịch dẫn đến chập điện. Nếu túi đã bị rách, tuyệt đối không được sử dụng.