Phòng khám quá tải, bệnh viện xuống cấp: “Căn bệnh nan y”

(ANTĐ) - Hầu hết kiến trúc các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, trong đó có Hà Nội đều trong tình trạng lạc hậu dẫn đến môi trường BV xuống cấp. Qua khảo sát tại 4 BV của Hà Nội: Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Phụ sản cho thấy chỉ có 2 BV Thanh Nhàn, Xanh Pôn đã được xây mới một phần, còn lại đều kém chất lượng.

Phòng khám quá tải, bệnh viện xuống cấp: “Căn bệnh nan y”

(ANTĐ) - Hầu hết kiến trúc các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, trong đó có Hà Nội đều trong tình trạng lạc hậu dẫn đến môi trường BV xuống cấp. Qua khảo sát tại 4 BV của Hà Nội: Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Phụ sản cho thấy chỉ có 2 BV Thanh Nhàn, Xanh Pôn đã được xây mới một phần, còn lại đều kém chất lượng.

Con ốm vào viện, bố mẹ "ốm" theo
Con ốm vào viện, bố mẹ "ốm" theo

Chúng tôi có mặt tại Phòng khám BHYT BV Thanh Nhàn. Trời lất phất mưa nhưng số người trong diện BHYT đến khám vẫn rất đông. Bà Lê Thị Nhít ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai) cho biết: “Tôi bị tiểu đường hơn 1 năm, đúng hẹn 1 tháng/lần tôi đến khám định kỳ. Chính vì vậy, nắng mưa đều phải đi”. Bà Nguyễn Thị Ngọc ở phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng) nói thêm: “Khoa nội tiết là đông nhất, ngày nào cũng phải có khoảng 100 người khám. Chính vì thế, mỗi lần đi khám tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để… xếp hàng lấy số.

Tuy nhiên, dậy sớm xếp hàng chưa là gì so với việc phải ngồi chờ dưới mái tôn. Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn có hai khu nhà: khu nhà mới và dãy nhà cũ. Khu nhà mới ở phía trước dùng để điều trị nội trú, kỹ thuật cao, còn dãy nhà cũ phía sau được cải tạo lại, lợp tôn làm khu khám bệnh. Nằm ở vị trí trống trải, mái tôn lại thấp nên mùa đông gió lùa, mùa hè nóng nực. Do bức xúc nên không ít lần chuyện cãi vã, to tiếng giữa bệnh nhân và nhân viên y tế đã xảy ra.

Phòng khám bệnh viện K luôn quá tải
Phòng khám bệnh viện K luôn quá tải

Tình trạng va chạm giữa nhân viên y tế với người nhà bệnh nhân cũng không mấy sáng sủa ở BV Phụ sản. Là BV dành cho bà mẹ - trẻ em, thêm năm 2007 - “lợn vàng”, nên BV ngày nào cũng đông đúc, tấp nập. Trước đây, khu khám bệnh chỉ tập trung ở sảnh lớn, nay tách ra 3 loại hình: Khu khám theo yêu cầu, khu khám BHYT và khu khám cho ngoại thành, nhưng xem ra tình hình vẫn không được cải thiện là bao.

Chị Thanh Tâm ở phố Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm) tâm sự: “Theo phác đồ, sản phụ phải được khám thai, làm xét nghiệm, siêu âm ít nhất 3 lần, nhưng vì BV quá tải, tiện nghi thiếu thốn, bác sĩ, y tá đông bệnh nhân, thiếu thời gian, hơi một tí là gắt gỏng, nhăn nhó, cáu kỉnh… nên tôi cũng ngại. Hôm nay mưa, trời mát hy vọng tình trạng được cải thiện hơn”.

Quả thật sản phụ đi khám thai, người nào bụng cũng kềnh càng, nặng nề. Các thủ tục xét nghiệm lắm, phải đi lại nhiều lần, ai cũng muốn xong sớm, về sớm. Chính vì thế, chỉ cần không có nhân viên hướng dẫn, bệnh nhân lơ ngơ làm sai quy trình là dẫn đến cau có, khó chịu ngay thôi… Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận 150 – 180 sản phụ đến khám. Và cũng từng ấy sản phụ đi đẻ. Chuyện 2 thậm chí 3 sản phụ với 3-4 trẻ nằm chung 1 giường rộng 80cm trở thành… chuyện thường ngày ở BV.

Trong khi bệnh nhân cũ chưa ra, bệnh nhân mới lại vào. Với lượng bệnh nhân 650/500 giường bệnh, không chỉ lãnh đạo mà cả bác sĩ, y tá cũng phải chịu áp lực. Thời gian cho khám, chữa bệnh còn chưa đủ lấy đâu ra thời gian tư vấn, giải thích cho bệnh nhân. 

Chất lượng điều trị tốt, đường giao thông thuận tiện nên bệnh nhân ở Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn… quá giang đưa người thân sang BV điều trị trở thành chuyện bình thường.

Bà Lại Thị Ngát ở Đông Anh (Hà Nội) nói: “Ông nhà tôi bị viêm đường tiết niệu, các cháu đưa vào Trung tâm Y tế Đông Anh. ở đó, họ không chữa được chuyển ông nhà tôi lên BV Thăng Long. BV này mất mấy tiếng thông tiểu cũng không xong lại chuyển lên BV Xanh Pôn”.

Mệt mỏi chờ khám...
Mệt mỏi chờ khám...

Bà cho biết, trong vòng 1 ngày bà mất 1,5 triệu đồng đặt cọc (BV Thăng Long đặt cọc 500.000 đồng nhưng chưa lấy về, BV Xanh Pôn 1 triệu đồng). Cả nhà bà là nông dân, chẳng ai có BHYT, ốm đau bệnh tật vào viện toàn “đấu tay bo”. Mỗi lần chồng bà ốm vào viện phải huy động con cái đóng góp. Bà bảo, lần này ông bệnh nặng mới phải lên đây điều trị, mấy lần trước toàn điều trị ở Trung tâm Y tế Đông Anh hoặc BV Thăng Long. Điều trị ở đó hết ít tiền (khoảng 500 – 600 nghìn đồng/đợt), lên đây tốn kém, cũng phải mất vài triệu.

Năm 2002, Hà Nội đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng và hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại trong các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, phẫu thuật, hồi sức cấp cứu cho khu nhà kỹ thuật 4 tầng Bệnh viện Xanh Pôn.

Năm 2004, đầu tư 57 tỷ đồng cho khu nhà KCB đa khoa 11 tầng của Bệnh viện Thanh Nhàn

Năm 2004, đầu tư 53 tỷ đồng xây mới BV phẫu thuật tim.

Về vấn đề quá tải, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận: “Công suất sử dụng giường bệnh của không chỉ các bệnh viện Hà Nội, mà các trung tâm y tế huyện cũng thường xuyên đạt trên 100%. Hiện nay, Hà Nội có 15 bệnh viện, 14 trung tâm y tế quận, huyện (trong đó có 3 trung tâm y tế huyện có giường bệnh) với tổng số 3.210 giường bệnh. Mỗi năm Hà Nội tiếp nhận từ 20-25% bệnh nhân ngoại tỉnh”.

Giải quyết chuyện bệnh nhân quá tải – nguyên nhân của nhiều sự bức xúc,  ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Các bệnh viện phải triển khai đồng bộ ba giải pháp: nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới; rút ngắn thời gian điều trị của bệnh nhân (bằng cách nâng cao chất lượng điều trị) và xây mới BV. Trước mắt chưa xây kịp BV thì từ nay đến cuối năm sẽ cấp tiền để các bệnh viện mua thêm giường. Bên cạnh đó, các BV sẽ tận dụng phòng họp, hội trường để kê thêm giường và thiết bị (như đã từng triển khai ở BV Thanh Nhàn rất có hiệu quả). Tình trạng 2-3 bệnh nhân/giường sẽ được khắc phục”. Ông cũng hứa trong vòng ba năm sẽ chấm dứt được tình trạng BV quá tải.

Mỹ Linh