Hãi hùng… “lục vị thần tiên” (1)

Phòng khám “chui” giữa phố

ANTĐ - Phòng khám của bà Kiệm (bác sĩ Yên) nằm khá ngóc ngách trong khu dân cư mới Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) nhưng nhờ sự chỉ dẫn khá chi tiết trên tờ rơi quảng cáo nên chúng tôi đã đến đúng địa chỉ. Đây là nơi cung cấp bài thuốc “lục vị thần tiên” được truyền tụng thời gian gần đây.

Thâm nhập cơ sở

6 vị thuốc cả tây y lẫn đông y trong một túi thuốc

Trong vai người bệnh, chúng tôi tìm tới cơ sở khám chữa bệnh của bà Kiệm tại địa chỉ Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Đó là một ngôi nhà khá bề thế, khang trang và nếu không có sự hướng dẫn của người dân thật khó để biết được đây là nơi hành nghề khám chữa bệnh và bán thuốc, bởi tìm đỏ mắt cũng không thấy bất cứ dòng chữ, biển hiệu nào. Người tiếp chúng tôi mặc áo phông giản dị. Đó là một người đàn ông trung tuổi, đậm người, cao hơn 1,6m. Biết khách đến chữa bệnh, người đàn ông này yêu cầu khách đợi ít phút để vào trong chuẩn bị rồi sau đó mới ra hỏi han thông tin về bệnh nhân.

“Em bị đau cột sống lưng đã chữa nhiều nơi, uống mấy chục thang thuốc rồi mà không khỏi”. Chỉ cần biết có chừng ấy thông tin, người đàn ông trên dẫn chúng tôi vào phòng khám rồi yêu cầu người bệnh nằm lên giường. Biện pháp điều trị được anh ta sử dụng là dùng bàn tay ấn mạnh vào đốt cột sống lưng của người bệnh rồi day day sang các huyệt đạo trên phần lưng. Dù bệnh nhân tỏ vẻ đau đớn nhưng người đàn ông này vẫn không hề mở miệng câu nào mà chỉ tập trung vào chuyên môn. Xong ấn huyệt, anh ta quay ra bật một chiếc đèn bàn công suất lớn bên cạnh giường chiếu thẳng vào phần lưng của người bệnh với lời giải thích là để làm cho mềm da, chữa mới hiệu quả.

 Để mắt quan sát căn phòng trong lúc người đàn ông đang tập trung chuyên môn, tôi nhận thấy căn phòng rộng chừng 7-8m2, được bài trí ngăn nắp theo đúng kiểu cách của một phòng khám đông y. Trong phòng ngoài chiếc giường bệnh còn có một bàn làm việc với những cuốn sổ lưu tên tuổi của từng người bệnh đến khám, cạnh tường là những tủ thuốc với khá nhiều loại cả thuốc tây lẫn đông y…

Khoảng 10 phút thì việc điều trị hoàn tất. Vị thầy thuốc yêu cầu người bệnh “đứng thẳng lên rồi cúi xuống”. Sau đó, thầy ngồi vào bàn ghi tên tuổi, địa chỉ của bệnh nhân rồi đưa ra 2 gói “lục vị thần tiên” bảo bệnh nhân lấy về uống sẽ khỏi. Mỗi gói gồm 6 loại thuốc được đóng riêng trong những túi nilon nhỏ rồi bọc chung trong một túi nilon lớn, không hề có bất cứ dòng thông tin nào về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, liều lượng của thuốc cũng như hạn sử dụng… Thấy bệnh nhân nghi ngại, vị này quả quyết “Yên tâm, thuốc do nhà làm ra, đây là vị thuốc đông tây y kết hợp rất có lợi cho điều trị bệnh. Cứ lấy về uống, có gì lại đến đây”. Hai gói thuốc được thầy tính 160.000 đồng. 

Phía sau mác bác sỹ

Người đàn ông này kể mình làm bác sĩ ở khoa Đông y của BV Nông nghiệp, phải sắp xếp, thậm chí chấp nhận hưởng 50% lương để có thời gian về nhà khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại khoa Đông y của BV nói trên chỉ có một bác sĩ tên Yên nhưng người này là nữ. Tiếp tục tìm hiểu thông tin từ những người dân địa phương, chúng tôi được biết người đeo mác bác sĩ Yên thực chất là Lã Quyết Thắng (người địa phương) và là chồng của bác sĩ Cao Thị Yên hiện đang công tác tại BV Nông nghiệp 1. Anh Thắng chưa từng được học qua một trường lớp đào tạo chính quy nào về đông y. 

Bà N.T.M, người dân thôn 4, (Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) cho biết: trước đây bà Kiệm (mẹ anh Thắng) bị bệnh đau xương, đau khớp và được bên thông gia có người làm về đông y thường xuyên qua lại khám, bấm huyệt điều trị. Về sau anh Thắng được truyền lại cách thức điều trị này nên có giúp đỡ chữa trị cho một số người dân trong vùng không lấy tiền công, nhất là những cụ già bị đau xương, khớp thường đến nhờ anh bấm huyệt. Dần dần, người dân trong làng, trong khu vực hễ có bệnh là đến khám, nhờ bấm huyệt điều trị và mua thuốc. Có người khỏi, người không nhưng dần dần người bệnh tìm đến điều trị tại nhà anh này ngày càng đông, từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng, thậm chí cả bệnh nan y mà y học hiện vẫn bó tay  cũng tìm đến.  

Phản ánh trường hợp này lên Phòng Y tế huyện Thanh Trì, ông Đinh Ngọc Hồng, Phó Trưởng phòng Y tế đã yêu cầu tổ y tế văn hóa xã hội của xã Vạn Phúc tiến hành xác nhận thông tin và bước đầu khẳng định cơ sở khám chữa bệnh của bác sĩ Yên nói trên không hề có biển hiệu theo quy định, cũng không đăng ký hành nghề và không có giấy phép đủ điều kiện hành nghề y dược tư nhân do cơ quan nhà nước cấp.

(Còn nữa)