Phòng dịch bệnh khi trẻ tựu trường

ANTĐ - Chỉ còn 1 tuần nữa học sinh Hà Nội sẽ tựu trường, bước vào năm học mới. Mối lo hiện tại là khả năng dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng vào thời điểm này nếu chủ quan và thiếu chuẩn bị tích cực từ các cơ sở giáo dục.

Cần có sự phối hợp tích cực gia đình, nhà trường với cơ sở y tế

để hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh minh hoạ

Lo ngại dịch bệnh tăng

TS. Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân mắc tay chân miệng thống kê từ Trung tâm y tế các quận, huyện báo cáo hiện có khoảng trên 70 ca, mỗi tuần có gần 10 ca mới. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm con số thực tế có thể cao hơn và điều đáng lo ngại là tình hình dịch tay chân miệng ở trẻ nhỏ sẽ tăng mạnh trong tháng 9 tới đây do học sinh tựu trường trở lại.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT, dịch bệnh này đang là một trong những mối quan tâm đặc biệt của ngành trong công tác phòng chống tai nạn thương tích và dịch bệnh. “Dịch bệnh diễn biến nhanh và nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam khiến nhiều trường phải nghỉ học là điều cảnh báo cao với Hà Nội trong đợt tựu trường sắp tới”. Trước khả năng lây nhiễm cao, Bộ GD-ĐT đã đưa ra yêu cầu cụ thể tới cơ sở giáo dục. Theo đó, trẻ cần được theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời. “Khi có từ 2 trẻ trong 1 lớp trở lên bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đề xuất phương án cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để phòng tránh lây lan mầm bệnh” - Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Sẽ nghỉ học nếu phát hiện ổ bệnh

“Hiện tại, dịch tay chân miệng ở thành phố vẫn trong tầm kiểm soát với số ca mắc mới mỗi tuần chưa đến 10 trường hợp” - ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết. Tuy nhiên, để dịch bệnh không lây lan kế hoạch liên ngành Sở Y tế và GD-ĐT vừa được bổ sung với yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường, đơn vị phụ thuộc tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng, đặc biệt tại các trường mầm non do tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi. Được biết, mỗi quận, huyện trung bình có đến gần 100 cán bộ y tế trường học, trong tuần này Sở Y tế đang phối hợp với Sở GD-ĐT phấn đấu tập huấn nhiều nhất có thể số cán bộ y tế trước ngày khai giảng năm học mới.

Với công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học, bà Lan Hương cho biết, trong hè, nội dung này đã được đặc biệt nhấn mạnh trong quá trình tập huấn cho đội ngũ quản lý và cán bộ cốt cán của các trường mầm non để phổ biến lại cho trường mình. Tại địa bàn quận Hoàng Mai, bà Đinh Thanh Hằng - Phó Trưởng phòng    GD-ĐT cho biết, phòng đang kết hợp với trung tâm y tế quận kiểm tra 100% cơ sở mầm non công lập cũng như tư thục trên địa bàn quận quản lý về công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trường học và bồi dưỡng, tập huấn kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng để hoàn thành trước ngày 15-8.

Về khả năng phải cho học sinh nghỉ học nếu phát hiện dịch bệnh, bà Lan Hương cho biết, việc phải nghỉ học hàng loạt như trong thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất khó khăn cho phụ huynh. Chủ trương của ngành là nếu cần thì vẫn phải nghỉ học nhưng phải dựa vào ý kiến chuyên môn của Sở Y tế để vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh.