Phòng, chống tội phạm mạng là ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam luôn coi phòng, chống tội phạm mạng là một trong những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức về an ninh mạng toàn cầu.
Tội phạm mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu

Tội phạm mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu

Tội phạm mạng gây thiệt hại 10.500 tỷ USD trong năm 2025

Ngày 6-2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Vienna, Văn phòng LHQ về các vấn đề ma túy và tội phạm (UNODC) đã tổ chức buổi tham vấn thông tin tới các phái đoàn các nước thành viên về Công ước LHQ về chống tội phạm mạng và các công tác triển khai thực thi công ước này, cùng với kế hoạch về việc đàm phán Nghị định thư của Công ước.

Phát biểu tại buổi tham vấn, Đại sứ và Đại diện Thường trực của Việt Nam tại LHQ Vũ Lê Thái Hoàng đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi phòng, chống tội phạm mạng là một trong những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia và đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán Công ước. Tội phạm mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, khoảng 67,4% dân số thế giới đã được tiếp cận Internet. Tuy nhiên, kết nối này cũng khiến những người sử dụng Internet phải đối mặt nguy cơ tội phạm mạng. Tội phạm mạng khai thác các hệ thống kỹ thuật số bằng phần mềm độc hại, phần mềm tống tiền… để đánh cắp tiền, dữ liệu và các thông tin có giá trị khác. Chúng lợi dụng những lỗ hổng ICT tạo điều kiện cho những hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, rửa tiền và gian lận.

Theo thống kê, trong năm 2023, tội phạm mạng đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD và dự báo sẽ lên tới 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với Việt Nam, thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận trong năm 2023 có gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực chung nhằm ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng. Sau gần 4 năm đàm phán, ngày 24-12-2024, Công ước LHQ về tội phạm mạng đã được thông qua. Sau gần 20 năm kể từ Công ước LHQ về tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tội phạm trong không gian mạng.

Với 9 chương và 71 điều, Công ước khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia.

Công ước khẳng định vai trò trung tâm của LHQ trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược sâu sắc, quan điểm và cách tiếp cận về vấn đề tội phạm mạng khác nhau, việc thông qua Công ước bằng đồng thuận củng cố niềm tin vào vai trò của LHQ và cách tiếp cận đa phương cũng như thể hiện thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Sự ra đời của Công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).

Tạo thế trận toàn dân phòng chống tội phạm mạng

Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ngay từ đầu đã quan tâm và ủng hộ khởi động đàm phán Công ước, đồng thời kiên trì quan điểm thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Xuyên suốt 8 kỳ họp của Ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung Công ước. Chính nhờ tinh thần thiện chí, xây dựng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, Việt Nam được LHQ và các quốc gia đối tác tin tưởng, đánh giá cao trong toàn bộ tiến trình đàm phán Công ước. Vì vậy, khi Việt Nam đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai Lễ ký Công ước lịch sử này, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ tích cực, rộng rãi từ bạn bè quốc tế. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025 và sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

Việc LHQ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và trong hơn 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ. Lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.

Đăng cai Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò một thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.

Đi vào thực tế trong phòng, chống tội phạm mạng, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều điều luật quy định về tội phạm có sử dụng công nghệ cao, trong đó có thể chia thành các nhóm: nhóm các điều luật quy định trực tiếp các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; nhóm các điều luật quy định cụ thể sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông là tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự…

Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cũng quy định dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ và quy định các biện pháp thu thập, bảo quản chứng cứ điện tử. Một số văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được ban hành, như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật Giao dịch điện tử năm 2015... Đối với những hành vi vi phạm hành chính, việc xử phạt được áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.

Với chức năng của mình, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng ban hành các quy định, hướng dẫn và đồng hành cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nhiệm vụ công tác nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.