Phòng chống thực phẩm bẩn lọt vào bếp ăn trường học: Khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát

ANTD.VN - “Phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học” – ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ một trong các biện pháp tăng cường an toàn thực phẩm trong trường học.

Sau sự việc hàng loạt trẻ mầm non nhiễm sán lợn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, câu hỏi đặt ra với các phụ huynh có con ăn bán trú ở trường học là làm sao kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào bếp ăn nhà trường.

Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, hiện nay nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát ATTP triệt để.

Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công là chính. Để có lợi nhuận cao, các công ty hoặc bếp ăn nhà trường có thể mua các loại thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn đưa vào chế biến phục vụ học sinh.

Bà Trương Thu Hà - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, không ai dám khẳng định 100% thực phẩm đưa vào trường học là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm vẫn phải tiến hành thường xuyên, trong đó, quận Hoàng Mai thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra từ đầu mối cung cấp thực phẩm.

“Không chỉ kiểm tra về mặt hồ sơ, giấy tờ, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ truy suất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho trường học, xác minh, báo cáo đủ yêu cầu thì UBND quận mới phê duyệt đơn vị này được cung cấp thực phẩm cho trường học” – bà Trương Thu Hà cho biết.

Kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường đáng là chủ đề được các phụ huynh đặc biệt quan tâm (ảnh minh họa)

Trước vụ việc hàng loạt trẻ mầm non bị nhiễm sán lợn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố về việc tăng cường công tác ATTP và quản lý bữa ăn học đường.

Sở yêu cầu 100% các trường có bếp ăn tập thể thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường. Phải thực hiện nghiêm túc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú/cung ứng thực phẩm, rau an toàn, chú ý truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Tổ chức tốt hoạt động của Ban chỉ đạo bán trú, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Ngoài ra, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh và ban chỉ đạo trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn, có minh chứng cụ thể.

Cần thực hiện tự kiểm tra, ghi biên bản, họp, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời công tác bán trú và bữa ăn học đường.

Bà Trương Thu Hà cho biết, tại quận Hoàng Mai, 100% trường mầm non và tiểu học đều có bếp ăn trong trường học. Việc phối hợp với ban phụ huynh kiểm soát thực phẩm được tiến hành hàng ngày. “Mọi thắc mắc của phụ huynh về vấn đề liên quan đến bếp ăn bán trú đều được giải đáp kịp thời” – bà Hà khẳng định.

Khẳng định để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể ngày càng chặt chẽ, rất cần sự phối hợp giữa nhà trường và Ban Đại diện phụ huynh học sinh, bà Trần Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) cho biết, nhà trường rất muốn Ban Đại diện phụ huynh học sinh tham gia, giúp trường kiểm soát về số lượng, chất lượng các thực phẩm nhập vào.

Trên thực tế, hằng ngày, tại trường Mầm non thị trấn Trâu Quỳ, Ban Đại diện phụ huynh học sinh vẫn thay nhau tham gia, theo dõi từ lúc giao nhận đến các khâu sơ chế, chế biến... thực phẩm.

Theo bà Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ), từ nhiều năm nay, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh trong khâu giao nhận thực phẩm. Các bậc phụ huynh khi được trực tiếp giám sát, họ cảm thấy yên tâm hơn với bữa ăn bán trú tại trường của con em mình.

Ông Phạm Xuân Tiến khẳng định, yêu cầu được giám sát bếp ăn trường học của phụ huynh là chính đáng. Các trường đều có nhiệm vụ phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để mọi thông tin được công khai, minh bạch.

Phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để kịp thời phát hiện những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm trong trường  học.