Ông Rodrigo Duterte - người đắc cử Tổng thống Philippines:

Phong cách "quả đấm thép" nhưng được lòng dân

ANTĐ - Chính trị gia Rodrigo Duterte ngày 10-5 đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines, sau khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri với cam kết trấn áp tội phạm và nhanh chóng giải quyết tình trạng đói nghèo. 

Ông Rodrigo Duterte trong một buổi tranh cử

Thành tích quản lý đáng nể

Theo Wikipedia, ông Duterte sinh năm 1945, là một trong những thị trưởng lâu năm nhất ở Philippines. Ông giữ chức này 22 năm tại thành phố Davao trên đảo Mindanao. Do thực thi chính sách không khoan nhượng đối với tội phạm trong 7 nhiệm kỳ làm thị trưởng, ông Duterte có biệt danh là “Người trừng phạt”.

Các nhóm dân phòng do ông Duterte lập ra đã xử lý hiệu quả những kẻ buôn lậu ma túy, thành viên băng đảng tội phạm hoặc những kẻ đứng ngoài vòng pháp luật. Hơn 20 năm qua, ông Duterte đã thay đổi diện mạo Davao từ “nơi giết chóc của Philippines” thành “thành phố bình yên nhất ở Đông Nam Á” như một số tổ chức du lịch miêu tả và là một trong 4 nơi an toàn nhất thế giới do trang Numbeo.com xếp hạng.

Được biết, ông Duterte sinh trưởng trong một gia đình trí thức có truyền thống làm chính trị. Bố của ông là luật sư Vicente G. Duterte và mẹ ông, bà Soledad Roa là giáo viên. Năm 1952, bà Soledad Roa về hưu khi ông Vicente G. Duterte bước chân vào giới chính trị. Ông Vicente từng là Thị trưởng thành phố Dano ở Cebu, sau đó làm Thống đốc tỉnh Davao. Về đời sống riêng, ông Rodrigo Duterte có 2 đời vợ và 4 người con. Ông được biết tới là người đam mê xe máy phân khối lớn, không thích những chiếc ô tô sang trọng. Ông từng sở hữu chiếc Harley Davidson và hiện nay là chiếc Yamaha Virago.

Vào tối 10-5, sau khi 94% phiếu bầu đã được kiểm, ông Duterte chắc chắn là Tổng thống đắc cử của Philippines. Ông giành được 38,6% số phiếu bầu so với ứng cử viên Mar Roxas đạt tỷ lệ 23,42% và thượng nghị sĩ Grace Poe với 21,65% phiếu bầu.

“Donald Trump” của châu Á

 Cùng với đó, phong cách tranh cử gây sốc và chính sách chính trị thực tế đã khiến giới truyền thông so sánh ông Duterte với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ 2016. “Tôi sẽ giải quyết ma túy, tội phạm và tham nhũng trong 3-6 tháng. Tôi là giải pháp duy nhất giúp người dân Philippines giải quyết tình trạng hiện nay” - ông Duterte khẳng định trong một buổi tranh cử. Tại một trong những quốc gia có tỷ lệ phạm tội cao nhất châu Á, “câu thần chú” trấn áp tội phạm đã giúp vị thị trưởng này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân. 

Ngoài chính sách chính trị khôn ngoan, ông Duterte còn “nổi như cồn” với một số phát ngôn gây nhiều phản ứng trái chiều. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Duterte ca ngợi Davao là ốc đảo của luật pháp và trật tự, đồng thời tuyên bố “hãy giết 5 tên tội phạm mỗi tuần” để đất nước được yên bình hơn. Trong cuộc tranh luận Tổng thống cuối cùng ngày 24-4, Thị trưởng thành phố Davao khẳng định, nếu một thành viên trong gia đình ông dính líu tới ma túy, ông cũng không nương tay.

Tuy nhiên, mới đây, tờ Time đã chỉ ra một số ưu điểm nổi bật của ông Duterte. Theo đó, ông là người ủng hộ cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) ở Philippines với việc sẽ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nếu đắc cử. Ông cũng là người tôn trọng nữ quyền. Thời gian làm thị trưởng ở Davao, ông đã tạo ra một hệ thống giúp phụ nữ dễ tiếp cận các vị trí trong cơ quan chính quyền. 

Thách thức Trung Quốc

Trong buổi chia sẻ về chính sách đối ngoại của các ứng viên hôm 24-4, ông Duterte đã khẳng định "sẵn sàng hy sinh" để khẳng định chủ quyền của Philippines trên Biển Đông nếu đắc cử. Ông cho biết, nếu Philippines thắng vụ kiện Trung Quốc ở Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên hợp quốc mà Trung Quốc không chịu tuân thủ phán quyết, thì ông sẽ đi xuồng máy ra bãi cạn Scarborough để cắm Quốc kỳ. Tuyên bố này lập tức tạo hiệu ứng dư luận mạnh mẽ tại Philippines.

Tuy nhiên, ngày 9-5, hãng Reuters đưa tin, ông Duterte tuyên bố, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ giải quyết các tranh chấp liên quan đến Biển Đông thông qua đàm phán đa phương, trong đó bao gồm các đồng minh của Manila là Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng như các nước khác tuyên bố chủ quyền. Ông Duterte cho rằng, Trung Quốc cần tôn trọng vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý mà các quốc gia ven biển được hưởng theo luật pháp quốc tế và nên hợp tác với Philippines để cùng khai thác dầu khí ngoài khơi.  “Tôi muốn nói với Trung Quốc rằng đừng tuyên bố chủ quyền đối với mọi thứ ở đây và tôi cũng sẽ không tuyên bố rằng tất cả là của chúng tôi. Nếu các bạn muốn liên doanh, chúng ta có thể khai thác chung khí đốt và dầu mỏ” - ông Duterte nói.

Lập trường chưa nhất quán của ông Duterte về cách thức đối phó với Trung Quốc khiến giới ngoại giao khá bối rối. Nhưng dù vậy, người dân Philippines đã đặt trọn niềm tin vào phong cách lãnh đạo “quả đấm thép” của vị thị trưởng từng đạt nhiều thành tích này.