Phơi bày chiêu trò “đổi trắng thay đen” hòng xuyên tạc, chống phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc cái gọi là tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam một lần nữa bóp méo, xuyên tạc vấn đề tự do ngôn luận, nhân quyền, đồng thời đòi trả tự do cho những đối tượng vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức chỉ càng làm phơi bày những chiêu trò “đổi trắng thay đen” cùng bộ mặt thật đen tối của họ chống phá đất nước ta.
Trần Huỳnh Duy Thức (bìa trái) bị tuyên phạt 16 năm tù giam về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Trần Huỳnh Duy Thức (bìa trái) bị tuyên phạt 16 năm tù giam về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng

Không mấy ai bất ngờ khi cái gọi là tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam lại lên tiếng xuyên tạc cho rằng, việc bắt và giam giữ đối tượng Phạm Đoan Trang “là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trắng trợn”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”. Để rồi từ sự xuyên tạc, “đổi trắng thay đen” này, họ đòi “phải trả tự do ngay lập tức” cho đối tượng bị bắt giữ để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật này. Tương tự, với đối tượng Trần Huỳnh Duy Thức, họ cũng cho rằng, chính quyền đã giam cầm lâu dài “những nhà bảo vệ nhân quyền”.

Cái gọi là tổ chức Sáng kiến pháp lý Việt Nam đã cố gắn cho các đối tượng Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức cái “mác” như “nhà báo độc lập”, “nhà bảo vệ nhân quyền”… mà không hề nhắc tới những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng này đang bị điều tra hoặc đã bị truy tố, xét xử và kết án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Với dư luận trong và ngoài nước, hầu như đều biết rõ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng như Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức.

Phạm Đoan Trang từng làm việc tại một số cơ quan báo chí trong nước, được đánh giá có năng lực, có khả năng viết tốt song đáng tiếc lại rẽ sang hướng đi ngược lại với lợi ích của người dân và đất nước. Điều này thể hiện rõ trong nhiều bài viết, nhiều cuốn sách của Phạm Đoan Trang như: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”... mà tất cả đều xuất bản “chui”, hay nói cách khác là vi phạm luật pháp của Nhà nước Việt Nam - điều vốn được quốc tế thừa nhận và công nhận.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, đầu tháng 10-2020, Phạm Đoan Trang bị khởi tố, tạm giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang và các bước tố tụng tiếp theo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Trần Huỳnh Duy Thức đang thụ án 16 năm tù giam tại Trại giam số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Theo bản án được tuyên ngày 20-1-2010 với Trần Huỳnh Duy Thức và các đồng phạm, Tòa án nhân dân TP.HCM nêu rõ, đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội của các bị cáo là có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức chính trị phản động, hướng tới lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “bất bạo động”, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá chính quyền nhân dân và đất nước Việt Nam.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí được tôn trọng

Hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức quá rõ ràng và những đối tượng này đã bị bắt giữ hay xét xử, tuyên án theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Ấy thế nhưng, cái gọi là tổ chức Sáng kiến pháp lý Việt Nam, được đăng ký hoạt động tại Mỹ, cũng như nhiều tổ chức, hội nhóm phản động, thù địch luôn phớt lờ điều này, cố tình bóp méo, xuyên tạc hòng nhằm tới mục đích đen tối là chống phá nước ta.

Thế nhưng, mọi sự xuyên tạc, “đổi trắng thay đen” đó đều thất bại thảm hại. Thất bại trước hết bởi những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng mà họ bênh vực, ủng hộ và hậu thuẫn là quá rõ ràng chiểu theo luật pháp hiện hành tại Việt Nam. Thất bại bởi thực tế, hiện thực sống động tại nước ta hoàn toàn trái ngược với những vì mà họ cố tình bóp méo, xuyên tạc với ý đồ thâm hiểm, xấu xa.

Chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định như vậy bởi vấn đề tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)…, vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm.

Để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm giúp báo chí Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới. Quy hoạch này cũng nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, thông tin phiến diện, chú trọng mặt trái, tiêu cực… trong xã hội, thiếu tính giáo dục, thậm chí phản tác dụng, lan truyền những điều xấu. Đó là những việc làm cần thiết vì sự phát triển lành mạnh của hệ thống báo chí Việt Nam.

Kể từ khi hòa mạng Intenet toàn cầu vào ngày 1-12-1997, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Hiện nay, mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G, 4G và 5G phục vụ hơn 98% dân số; hơn 65 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội. Điều đó bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt… của người dân cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội.

Đương nhiên, cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật quốc gia mình về những gì đăng tải trên mạng xã hội. Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ Nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị truy cứu, truy tố và xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành.

Vì thế, có thể khẳng định mọi toan tính mượn cớ bảo vệ nhân quyền hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc thực tế ở Việt Nam để bênh vực cho những đối tượng vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức… đều không thể đạt được mục đích.