Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hà Nội làm tốt, làm "êm" việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội làm tốt việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Theo Phó Thủ tướng, yếu tố quan trọng nhất để giảm đầu mối, biên chế mà vẫn nâng cao được chất lượng dịch vụ là cần cơ chế tự chủ tài chính với giá dịch vụ công được tính đúng, tính đủ...    

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hà Nội làm tốt, làm "êm" việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 27-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã đẫn đầu đoàn công tác làm việc với TP Hà Nội để khảo sát, đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2016.

Tinh gọn bộ máy, giảm chi thường xuyên

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội đã làm hiệu quả, làm “êm” và có nhiều kinh nghiệm hay trong việc sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành giảm từ 401 xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 xuống còn 86 đơn vị; giảm 231 cấp trưởng, 216 cấp phó...

Báo cáo Phó Thủ tướng về cách làm cụ thể của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã rà soát các đơn vị cùng chức năng, nhiệm vụ để sáp nhập, tinh gọn. Sau sáp nhập, thành phố chọn các lãnh đạo có năng lực để bổ nhiệm. Các trường hợp khác cho giữ nguyên lương trong 24 tháng; trường hợp nào tự nguyện xin về hưu trước được hỗ trợ... Nhờ vậy, đã tạo được ổn định, đồng thuận, thu nhập người lao động được đảm bảo. Sau sáp nhập, thành phố cũng đã thu hồi hơn 100 địa điểm nhà đất, bổ sung vào quỹ đất để tổ chức đấu giá, bổ sung nguồn thu phục vụ đầu tư phát triển. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hà Nội làm tốt, làm "êm" việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy ảnh 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP khẳng định, việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy phải thể hiện rõ bằng giảm chi thường xuyên. Năm 2016, sau khi sắp xếp lại các đơn vị, Hà Nội đã giảm chi thường xuyên gần 5%, phấn đấu 5 năm nữa giảm 10%.

Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố sẽ đạt mục tiêu giảm 10% tổng biến chế năm 2021. Đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét tháo gỡ các khó khăn trong cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Đức Chung dẫn chứng về việc Hà Nội hiện đang có 572 trạm y tế xã phường với xấp xỉ 6.000 biên chế trong khi trên địa bàn cũng có nhiều bệnh viện Trung ương và Hà Nội. Ở địa bàn có các bệnh viện lớn, người dân sẽ không vào trạm y tế ở xã phường gây lãng phí. Chủ tịch UBND TP đề xuất cần xem xét, điều chỉnh các quy định hiện hành của Bộ Y tế để có thể rà soát, bỏ bớt các trạm y tế không hiệu quả...

Thay đổi mô hình quản lý   

Từ năm 2011, Hà Nội đã giao quyền tự chủ tài chính cho 1.514 đơn vị. Đến năm 2016 là 2.596 đơn vị, 70 đơn vị tự chủ hoàn toàn. Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về số đơn vị tự chủ hoàn toàn còn thấp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp. TP cũng sẽ từng bước triển khai tính đúng, tính đủ các chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công, xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ... nhằm đảm bảo các đơn vị có thể tự chủ hoàn toàn, đảm bảo hiệu quả.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho biết, muốn tự chủ, cần có quy định giá dịch vụ. Hà Nội sẽ chuyển mô hình các đơn vị công lập thành doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý về cơ chế, chính sách. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, xu hướng là các dịch vụ công phát triển theo mô hình Chính phủ điện tử, cung cấp tối đa các dịch vụ qua mạng internet. Thời gian tới, khi hoàn thiện các hồ sơ điện tử, chữ ký số, các dịch vụ công của Hà Nôi sẽ được cung cấp tốt hơn, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn nữa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đoàn công tác sẽ ghi nhận các kinh nghiệm của Hà Nội và một số địa phương khác để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị, Trung ương, để làm sao tăng cường chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Cùng đó, phải tiếp tục sắp xếp, tinh giản bộ máy, mạng lưới, giảm lượng người hưởng lương từ ngân sách song song với đổi mới cơ chế quản lý, quản trị của các đơn vị sự nghiệp công...".