- Nghi lễ và trò chơi kéo co trở thành Di sản thế giới
- Để những người dân bình thường cũng thấy được giá trị của di sản
- Háo hức trước thời khắc chuyển giao năm mới
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015, triển khai công tác năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 31-12-2015.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta phải làm văn hoá, làm du lịch, thể thao trong tâm thế của một người văn hoá. Đây là vinh dự lớn, trách nhiệm nặng nề của những người làm công tác văn hóa hiện nay. Những năm qua, lĩnh vực văn hóa đã có bước phát triển, đây là điều rất vinh dự mà những người làm văn hóa cần phải tiếp tục thực hiện, phát huy. Những đóng góp về văn hoá, tuy rằng còn nhiều vấn đề mà chính chúng ta cũng không hài lòng, nhưng bình tĩnh nhìn lại, chúng ta thấy, tuy không phải trực tiếp nhưng có những cái đóng góp rất thiết thực”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Tuấn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, làm văn hóa phải hết sức tỉ mỉ, tất cả mọi thứ lớn lao được làm nên từ những cái nhỏ. Văn hoá, thể thao, du lịch không chỉ là việc của riêng ngành Văn hoá. Văn hoá là nền tảng xã hội, đã là nền tảng thì cả xã hội phải làm. “Một dân tộc bắt đầu từ văn hoá. Quốc gia, lãnh thổ, biên giới… cũng là tương đối, có thể thay đổi theo thời gian, nhưng cái còn lại cuối cùng là văn hoá”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, báo cáo công tác năm 2015 cho thấy, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ và của cả nước.
100% các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành đúng tiến độ, các giá trị văn hóa dân tộc, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, trong năm có 2 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh; Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt và 25 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; có 56 di tích cấp quốc gia, 43 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận;
Có 617 Nghệ nhân ưu tú, 102 NSND, 385 NSƯT được Chủ tịch nước phong tặng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt được nhiều kết quả, trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban tổ chức, ban quản lý lễ hội được nâng cao, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của người dân có nhiều chuyển biến tích cực…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hà Tuấn
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong năm 2015, vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi toàn ngành phải có các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới như: Công tác tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa; quản lý và tổ chức lễ hội và các di sản thế giới, chấn chỉnh sai phạm trong các cuộc thi người đẹp trong nước và quốc tế; công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch…
Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất lớn, trong đó có việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành, trong đó tập trung hoàn thành việc xây dựng Luật Du lịch sửa đổi và sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao; tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh từ trong gia đình đến toàn xã hội...