Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khuyến khích hiện đại hóa, phát triển các đội tàu viễn dương

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, đúng là chính sách cho phát triển thủy sản ở nước ta hiện còn chưa hiệu quả...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Quốc hội (Ảnh: TTX VN)

Cuối phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vào chiều nay, 6-11, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu tiếp thu và làm rõ hơn ý kiến của một số ĐBQH liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ về chính sách phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 7,1 tỷ USD, trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức.

“Quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý. Hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ… Chính sách cho phát triển thủy sản (Nghị định 67) chưa hiệu quả...” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra.

Trước thực trạng đó, với yêu cầu đặt ra là phải phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản.

“Tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần hiện đại hóa đội tàu, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển - coi đây là nhiệm vụ đột phá” – Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết thực hiện Nghị định 67 để điều chỉnh lại những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp (như cơ chế về tín dụng cho ngành thủy sản).

Trong đó, sẽ xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các đội tàu Viễn Dương, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ. Nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng, các dự án đóng mới tàu thuyền…

Đặc biệt, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, nhất là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

“Tuần sau, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu - EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”.

Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân” – Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nêu rõ trách nhiệm của ngành và cá nhân

Phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm rất chắc vấn đề, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua, trách nhiệm của ngành cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, dưới sự nỗ lực của ngành, địa phương, lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài liên quan đến lĩnh vực chất vấn, đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.