Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bài học số 1 là phải đột phá trong tư duy

ANTĐ - Báo cáo trước Quốc hội sáng nay, 21-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, cơ cấu chi ngân sách đã chặt chẽ hơn nhưng còn chưa hợp lý.

Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội sáng 21-3

Nhìn lại tình hình và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 5 năm vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tựu quan trọng hàng đầu là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/ năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, đều vượt mục tiêu đề ra. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu…

Dù vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Các ĐBQH nghe báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội 2016-2020

Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/ năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). Khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Một lĩnh vực quan trọng khác là công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Kê khai tài sản còn hình thức. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả còn thấp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao, một số trường hợp còn kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại, thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ rút ra 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu để phát triển mạnh hơn, thực hiện tốt hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Cụ thể,  phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất; thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; thường xuyên chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý; tăng cường khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin kịp thời chính xác, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.