Phó Thủ tướng: Không thể chủ quan khi đã phát hiện sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

ANTD.VN - Sáng 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng công tác thoái vốn, cổ phần hóa DNNN từ đầu nhiệm kỳ đã đạt được những kết quả nhất định. Từ 2016 đến tháng 6 năm nay, Nhà nước đã thoái vốn tại 162 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn là 205.433 tỷ đồng. Số vốn này bằng 108% cả giai đoạn 2011-2015.

Ba năm đầu nhiệm kỳ, số lượng DNNN bị thoái vốn không nhiều, nhưng quy mô lớn, số thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa đạt 218.255 tỷ đồng gấp 2,5 lần 5 năm trước đây.

Phó Thủ tướng chỉ ra nhiều vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN (Ảnh VGP)

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, công tác cổ phần hóa còn vấp phải một số vướng mắc về thể chế và cách thức thực hiện. Vướng mắc tập trung ở việc sắp xếp, phương án cổ phần hóa, phương án đất đai trước khi cổ phần hóa. Ví dụ việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn như Agribank, VNPT, Vinaphone… đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một số tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động rộng, có thể vươn tới 63 tỉnh thành phố nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

“Chỉ cần một địa phương trong tổng số 63 tỉnh, thành phố không phê duyệt phương án cổ phần hóa là dẫn tới ách tắc. Đặc biệt là khó khăn tại các thành phố lớn, công tác phê duyệt rất chậm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Một vấn đề khó khăn nữa là việc xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện tại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để xác định những giá trị vô hình.

Phó Thủ tướng cũng phê bình một số bộ ngành và địa phương công tác thoái vốn rất chậm, đã phát hiện việc cố ý làm trái pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong thoái vốn, và đề nghị xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu.

“Công tác cổ phần hóa, thoái vốn phải công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật. Đã phát hiện những việc cố ý làm trái nên không thể chủ quan. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng và xử lý trách nhiệm. Việc thoái vốn phải làm hết sức khách quan, làm công khai minh bạch, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề cập các vấn đề như việc đăng ký, giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán chưa được nghiêm túc nhưng việc kiểm tra và xử lý rất hạn chế; phải làm rõ những vướng mắc liên quan việc xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương…

Mới đạt 28% kế hoạch cổ phần hóa

Báo cáo về tình hình thực hiện cổ phần hóa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giai đoạn 2016-2018 đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị của 9 doanh nghiệp là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 670 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn và quyết định của Thủ tướng (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm.

Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Lũy kế trong giai đoạn từ 2016 – tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.