Phố phở phố có nhà to

ANTĐ - Tự nhiên tôi nhớ đến câu này trong sách vỡ lòng dạo tôi còn là đứa trẻ 6 tuổi, tức là hơn năm chục năm trước: “Phố phở phố có nhà to”. 

Phố phở phố có nhà to ảnh 1

Tôi vẫn nhớ như in cái hình minh họa và dòng chữ trong trang sách ấy để lũ trẻ chúng tôi ê a tập đánh vần. Thật, kể cả bây giờ tôi vẫn chả hiểu phố phở là phố gì, không nhẽ là phố chuyên bán phở, nhưng nhà to thì lúc ấy tôi đã láng máng biết. Sau này lớn lên nhà to cũng là một cái đích chính đáng để tôi phấn đấu. Nhưng chả nhằm nhò gì chuyện cá nhân ấy, nhà to phải là những công trình đồ sộ chọc trời mà Hà Nội giờ là một trong những đỉnh cao thời đại về nhà. 

Nhà to là điều tất yếu của sự phát triển một đô thị như Hà Nội. Chỉ gói gọn trong một đời người 60 năm của cái thằng tôi thì cũng đã đủ nhìn ra sự phát triển ấy nó vũ bão và hoành tráng mức nào. Đấy là chưa kể mấy đợt chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ mà cao điểm là B52 rải bom tàn phá thành phố trong trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã kìm hãm không nhỏ đến tốc độ phát triển. Từ lúc là một thằng nhóc quần đùi, áo may ô, tôi đã cùng chúng bạn lêu lổng dệu dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm để khám phá thành phố. Nhà hát Lớn có lẽ là một “nhà to” đẹp nhất Hà Nội.

Cánh choai chúng tôi bất chấp cả hàng rào bảo vệ che chắn kiên cố vẫn bằng mọi cách lọt vào trong được nếu thích. Gần đấy là nhà Bác Cổ, nay là Viện bảo tàng lịch sử. Lượn chút ra bờ hồ Hoàn Kiếm thì nhà Bưu điện, Bách hóa tổng hợp. Bên kia hồ là tòa soạn báo Hà Nội Mới là nhà Thủy Tạ rồi Hồng Vân, Long Vân. Dọc Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường là khu phố cổ và chợ Đồng Xuân to kỷ lục dạo ấy.

Khu phố Tây bao gồm các biệt thự 2 tầng thêm tầng áp mái chủ yếu tập trung ở quận Ba Đình bây giờ và rải rác ở một số quận khác. Hà Nội lúc đó thực sự xinh xắn và hiền hậu êm đềm với những ngôi nhà to vừa phải nép dưới các tán cây cổ thụ.

Bắt đầu từ thập niên 60 một số công trình nhà chung cư được Hà Nội triển khai xây dựng. Điển hình là các khu nhà 4 đến 5 tầng ở Kim Liên, Trung Tự, Ngọc Khánh và nhiều khu khác cho chuyên gia và người dân ở.

Kiến trúc các ngôi nhà này đơn giản nhưng dạo đó là mơ ước của nhiều người, nhiều gia đình.

Buồn cười, bây giờ thì giá trị những ngôi nhà mặt đường tính bằng cân, bằng lạng vàng ròng nhưng trước đó thì mốt nhà tầng cao mới là giá trị đỉnh. Chả thế mà, dạo những năm sáu, bảy mươi các hộ tầng 1 ở các khu chung cư là những người thuộc tiêu chuẩn bình thường. Họ là lái xe, là thương binh, là bảo vệ.

Tóm lại là tầng lớp dưới. Từ tầng 2 hắt lên là cấp cán bộ phòng, cấp cục, vụ, cấp sở. Cũng dễ hiểu, lúc đó thời bao cấp chưa có kinh tế tư nhân, nghề buôn bán là một nghề không được trọng vọng.

Người được tôn kính là cấp cán bộ càng cao sổ cung cấp lương thực, thực phẩm tiêu chuẩn càng lớn. Đến khi hết bao cấp, kinh tế thị trường được chấp nhận thì những nhà tầng 1 thành có giá. Đó là thập cẩm các cửa hàng dịch vụ và buôn bán vô cùng tiện ích. Nhà tầng 1 lại được lấn ra hành lang sân chung mở mang diện tích gấp rưỡi gấp đôi. Trong khi nhà ở những tầng trên phải nương vào nhau để cùng cơi nới chuồng cọp treo nom xấu xí và vô cùng nguy hiểm.

Trào lưu nhà chung cư tôi vừa kể sau mấy chục năm tồn tại đã xẹp hẳn. Hiện các khu chung cư đó đã xuống cấp trầm trọng và có khu đã được phá đi xây mới. Cư dân các khu chung cư cũ giờ cũng chỉ là lớp người có thu nhập thấp và đa phần họ chấp nhận ở trong tình thế tạm không lâu dài. Từ khi kinh tế mở bung ra, Việt Nam dần hội nhập quốc tế thì Hà Nội là tâm điểm của phát triển xây dựng nhà cao tầng. Thập niên 90 các khu nhà cao tầng bắt đầu được xây dựng.

Ban đầu chỉ là những chung cư có tầm cao khiếm tốn mươi tầng và chưa được đầu tư hiện đại. Sang những năm đầu thế kỷ 21 thì nhà cao tầng mọc như nấm sau mưa. Những khu đô thị hiện đại vài ba chục tầng có ở khắp Hà Nội. Hình thành những khu đô thị cao cấp như Trung Hòa, Nhân Chính, Cipucha, Vincom Park Palace, Pacific Palace, The Manor, Royal City…Trong đó điển hình là khu Keangnam Hanoi Landmark Tower với độ cao nhất nước, 350m và 72 tầng. Những khu nhà này dồn tụ một lớp người thành đạt và mới phát về kinh tế tập trung về và họ không chỉ là cư dân Hà Nội.

Về cơ bản nhu cầu nhà với những người ở Hà Nội vẫn là tiêu chí tiện cho mục đích kiếm sống. Nhà to tất nhiên ai chả thích nhưng trụ được ở mặt phố để buôn bán kiếm sống mới là cần thiết. Có một thực trạng là dù được bảo tồn nhưng đa số các khu phố cổ trong mấy chục năm qua đã phát triển tự phát.

Nhiều nhà cao tầng chòi lên không theo một thiết kết hay quy hoạnh nào. Nhà Hàm cá mập ở Bờ Hồ là một minh chứng. Mới đây nhất là nhà 8B Lê Trực xây vượt tầng thiết kế cho phép. Có thể nói các khu phố cổ đã bị băm nát. Còn rất ít phố giữ được phần nào hình hài của nhà ống phố cổ ban đầu.

Tất nhiên bảo tồn là điều tốt nhưng phát triển là điều không thể tránh. Hà Nội có được những khu nhà hiện đại là điều đáng mừng chứng tỏ thành tựu của sự phát triển kinh tế của Thủ đô cả nước.

Sau sự kiện Hà Nội hợp nhất Hà Tây thì phong trào xây nhà cao tầng, khu đô thị càng phát triển mạnh. Mạn Hà Đông giờ là những dự án nối dự án, đến mức nhà xây xong không bán được, người chẳng vào ở khiến các biệt thự, nhà liền kề, chung cư bỏ hoang làm nơi nuôi vịt và chăn bò. Thật lãng phí vô cùng. Một điểm nữa không thể bỏ qua đó là quy hoạch quá kém không kiểm soát nổi nên bất cứ chỗ nào cũng có thể biến thành chung cư cao tầng.

Người Hà Nội hẳn không ai quên được các địa chỉ nổi tiếng như Nhà máy dệt 8-3, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động… Vâng những địa chỉ tự hào một thời ấy giờ thành những khu đô thị tên tuổi và hiện đại. Tốt thôi sự phát triển quy luật. Nhưng bất chấp hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở chật hẹp, cũ kỹ để xây nhà cao tầng bằng mọi giá phục vụ cái lợi trước mắt khiến giao thông tắc nghẽn, môi trường cảnh quan bị xâm thực, bị phá hủy có lẽ là điều khiến người dân Hà Nội đau lòng.

Trở lại với thằng tôi từ bài học vỡ lòng năm nào, cuối đời cũng thỏa được mơ ước có nhà to của một người lao động bình thường. Căn hộ 4 tầng ở rìa nội đô là một sự mãn nguyện với cá nhân bất cứ ai. Nhưng với một thành phố như Hà Nội, với sự phát triển ồ ạt nhà cao tầng thiếu sự kiểm soát thì “nhà to” có khi lại là một thảm họa. Thảm họa ngay trước mắt.