Phố mới

ANTD.VN - Không chỉ những người xa Hà Nội lâu mới trở về mà ngay cả người sống ở Hà Nội ngại ra khỏi nhà nếu ghé qua phía Tây cũng sẽ ngỡ ngàng.

Những cánh đồng lúa, cánh đồng hoa màu mênh mông một thời nay đã thành những phố Trung Kính, Mạc Thái Tông, Mạc Thái Tổ, Trần Thánh Tông, Dương Đình Nghệ, Lê Đức Thọ... Vỉa hè rộng, đi không phải tránh hay né vai. Cây xanh đang vươn cao tỏa bóng mát. Nhiều phố mới không có nhà ống. Một vài phố vẫn có vì phố mới chạy qua làng. Các tòa chung cư cao ngất nằm cạnh phố làng. Cũ mới hòa vào với nhau.

Phố mới ảnh 1Phía Tây Thủ đô Hà Nội xuất hiện nhiều khu dân cư mới, biệt thự đơn xen lẫn khu cao tầng 

Phía Tây ấy trước thuộc huyện Từ Liêm, một trong 4 huyện ngoại thành của Hà Nội. Đất Từ Liêm nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng với “Canh, Cót, Mỗ, La tứ danh hương”. Ở Yên Hòa, dòng họ Hoàng cùng nhiều dòng họ khác là dòng họ khoa bảng hay Phú Diễn có làng văn hiến. Vì thế Từ Liêm có văn chỉ như một “tiểu Quốc Tử Giám” ghi lại những người con quê hương đỗ đạt và làm quan các triều đại  phong kiến. Vùng đất này có sông Nhuệ và sông Tô Lịch chảy qua nên được thừa hưởng văn hóa sông nước với nhiều tập tục đẹp. Đình, chùa hay các công trình tâm linh khác có kiến trúc đẹp và bề thế. Ngoài cấy lúa, trồng mầu, chăn nuôi thì gần như mỗi làng ở Từ Liêm đều có nghề phụ. Phụ nhưng lại là chính, vì nhờ nghề phụ mà thiên hạ biết đến nhiều hơn.

Từ lâu, chính quyền và người dân muốn Hà Nội rộng hơn, thoáng đãng hơn, nhiều không khí hơn. Cách đây gần 80 năm, chính xác là năm 1943, một quy hoạch kỹ lưỡng mở rộng thành phố được toàn quyền Đông Dương thông qua, nhưng chưa kịp thực hiện do quân Nhật tiến vào. Chỉ có điều, quy hoạch này cũng chỉ vươn ra khu vực hồ Tây và phía Nam cũng không quá Ngã Tư Vọng. Sau năm 1954, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia xây dựng Liên Xô, một sơ đồ quy hoạch Hà Nội hiện đại đã được triển lãm cho dân chúng xem. Nhưng rồi, những sơ đồ và bản vẽ lại phải cất trong kho vì không quân Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội và miền Bắc, miền Bắc lại phải dồn hết lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Mơ ước một Hà Nội không chỉ loanh quanh hồ Hoàn Kiếm đã không thành hiện thực. Và trong bản quy hoạch này, người ta không tính mở rộng nó về phía Tây. 

Nhưng mọi sự đã khác khi đất nước thực hiện đổi mới. Cơ chế quan liêu bao cấp bị xóa bỏ. Nhà nước công nhận kinh tế tư nhân và nó bình đẳng với kinh tế Nhà nước.  Đầu những năm 2000, hai dự án lớn tầm quốc gia được khởi công là sân vận động Mỹ Đình cùng khu liên hợp thể thao để phục vụ cho SEA Games và Dự án Trung tâm Hội nghị Quốc gia phục vụ cho Hội nghị APEC xây dựng trên cánh đồng Phú Đô. Hai dự án lớn khiến cả khu vực  nhanh chóng thay đổi. Đất đai tăng giá. Nhà nhiều đất vui mừng. Dân bán đất  xây nhà. Không còn những ao hồ ô nhiễm vì nước thải  do nghề làm bún được đổ vào hệ thống nước thải chung của thành phố. Rồi thêm công trình lớn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là Bảo tàng Hà Nội khởi công.

Nhanh chóng các dự án chung cư cao tầng trên phần đất Từ Liêm cũng được triển khai. Và chưa đầy 20 năm, khu đô thị phía Tây hình thành với kiến trúc hiện đại. Dân nội đô có tiền ào ra mua, dân các tỉnh cũng mua. Lối sống chung cư với các căn hộ riêng biệt đã tạo ra kiểu sống khác với truyền thống. Lại thêm khu nào cũng có siêu thị nên không có chợ cóc chợ tạm, khá văn minh và không nhếch nhác như nội đô cũ.  

Người Pháp phải mất gần 70 năm mới kiến tạo nên một Hà Nội với chiều  ngang chừng 10 cây số và chiều dọc cũng cỡ đó. Tuy nhiên chỉ gần 20 năm,  phía Tây Hà Nội trở thành một đô thị mới với các công trình văn hóa, thể thao tầm cỡ khu vực xen lẫn với các làng cổ  tạo ra nét vừa mới, vừa riêng. Một thời Hà Nội dùng tiền ngân sách, rất chật vật, ì ạch mãi đến năm 2000 mới đạt được con số 1 triệu mét vuông nhà ở cho dân. Nhưng ở phía Tây, một khu đô thị ra đời với nhiều triệu mét vuông nhà mà thành phố không phải bỏ tiền. Tất cả là sức dân, là doanh nghiệp. Rõ ràng cơ chế quan liêu bao cấp đã kìm hãm phát triển. Đi đúng quy luật sẽ khác, sẽ tốt.

Một điều đáng nói là khu đô thị phía Tây ra đời đã không làm mất đi những làng nghề truyền thống. Dù ít nhà làm hơn nhưng cốm Vòng vẫn còn, cùng với gió heo may đã trở thành linh hồn cho mùa thu Hà Nội. Phú Đô vẫn làm bún. Xưa nay, bún Kẻ Chợ bao giờ cũng ngon hơn nơi khác. Và cùng Tứ Kỳ,  bún Phú Đô vẫn là sự lựa chọn của các bà, các cô bán bún chả, bún riêu hay bún thang. Tây Tựu vẫn trồng hoa, chủng loại ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Làng Đăm vẫn trồng rau và bánh giò làng Văn Trì tuy ít người làm và chỉ bán trong làng nhưng ai chót ăn thì thế nào cũng sẽ vào tận nơi tìm mua. Yên Hòa vẫn còn nghề làm giấy...  

Quanh 4 quận cũ hiện nay phía nào cũng có các khu dân cư mới, biệt thự đơn xen lẫn khu cao tầng. Khu nào hạ tầng xã hội cũng đầy đủ, thế nhưng nó vẫn chưa nét, chưa rõ như đô thị phía Tây. Nếu trong 4 quận nội đô cũ, phương tiện giao thông luôn phải luồn lách chen nhau bất kể giờ nào trong ngày thì ở khu phố phía Tây, mọi chuyện có vẻ khác, đường phố thưa vắng hơn. Những con phố có các cơ quan hành chính lại càng vắng. Nếu ở 4 quận cũ, âm thanh ồn ã, cuộc sống như không ngừng nghỉ, thời gian không bao giờ lắng ngay cả trong đêm thì phía Tây lại rất khác. Ngày khá yên ả, đêm lại càng yên ả. Đô thị phía Tây Hà Nội khác thật.