Phó mặc cho may rủi

ANTĐ - Khoảng 200 CBCS cùng 11 xe chữa cháy liên tục hoạt động trong hơn 3 tiếng đồng hồ mới dập tắt được ngọn lửa. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản của điểm cháy trị giá hàng tỷ đồng đã bị thiêu rụi. Và rất may, không có thiệt hại về người. Đó là khái quát vụ hỏa hoạn được đánh giá lớn nhất trên địa bàn thành phố, từ đầu năm 2011 đến thời điểm này, xảy ra tại nhà xưởng kiêm kho hàng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Vikosan, thuộc cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín.

Trong hồ sơ về công tác PCCC mà phía “bị hại” lưu giữ, thể hiện việc họ thành lập đội chữa cháy, bảo vệ lên đến hơn 20 người. Năm 2010, doanh nghiệp này từng tổ chức diễn tập phương án PCCC cùng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Năm 2011, doanh nghiệp cũng tự tổ chức diễn tập chữa cháy. Vì là cơ sở trọng điểm về PCCC, nên doanh nghiệp này được cơ quan chức năng kiểm tra khá thường xuyên và đều lập biên bản, nhắc nhở sau mỗi đợt kiểm tra. Vậy mà vẫn cháy! Do phương án diễn tập không tính đến tình huống… cháy thật? Do phía doanh nghiệp chủ quan? Hay công tác kiểm tra, hướng dẫn chỉ “gọi là có”? Có lẽ, do… tất cả.

Một tình tiết đáng chú ý trong vụ việc trên, doanh nghiệp xảy cháy nằm trong khuôn viên một cụm công nghiệp quy mô nhất nhì huyện Thường Tín. Nghĩa là về lý thuyết, ngoài sự phòng ngừa của chính doanh nghiệp, công tác PCCC còn được đảm bảo bởi sự trợ giúp của lực lượng chữa cháy trong cụm công nghiệp đó. Nhưng tất cả chỉ là trên lý thuyết. Điều đáng lo ngại sau vụ cháy này là nguy cơ thường trực cháy đối với các doanh nghiệp sản xuất chăn ga gối đệm ở cụm công nghiệp Hà Bình Phương và ở làng nghề Trát Cầu (với khoảng 2.000 hộ chuyên gia công, sản xuất chăn bông, đệm mút) gần đó. Nguy cơ ấy đang bị bỏ bẵng. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm có thể dẫn đến hỏa hoạn gần như là con số 0. Ngay trong cán bộ chức năng cũng hình thành tâm lý “đó là làng nghề, có nhắc dân cũng chẳng làm theo” (?!). Người ta phó mặc những ngồn ngộn nguy cơ cháy ấy cho sự may rủi. Sau mỗi vụ việc, có chăng, lực lượng chữa cháy tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác dập lửa, cứu người và tài sản. Còn chính quyền cơ sở, họ đứng ngoài cuộc, “kệ” nguy cơ cháy đồng hành cùng những thăng trầm của làng nghề.