Phố hòa vào ngõ đất kinh kỳ

ANTD.VN - Ngõ trong những con phố cổ Hà Nội thường hẹp và sâu hun hút, hiếm lắm mới có một cái ngõ rộng và thoáng đãng. Ngõ hẹp, ai cũng nghĩ thế, còn phố thì rộng hơn, có vỉa hè, hàng quán nhưng có những con phố, vì một lý do nào đấy mà cũng hẹp và mảnh như một con ngõ vậy.

Hàng bún ốc cô Thêm nổi tiếng phố Hàng Chai có thâm niên đã mấy chục năm

Tí xíu phố bé

Ai hay đi qua phố Hàng Cót thì ngay đầu phố có thể thấy ngay phố Hàng Chai, mới thoạt đầu thì không ai nghĩ đó là một con phố, mà là ngõ, nhưng nhìn kỹ thì không phải. Đúng là phố thật, phố Hàng Chai và nếu nói một cách ví von tượng hình thì có lẽ hiếm con phố nào ở Hà Nội, cái tên gọi lại mang đúng cái hình sở của phố đến thế. Phố hẹp tí, thuôn dài đều y hệt một cái chai, một bên tường phố cớm nắng bởi trường Tiểu học Thanh Quan cả trăm năm tuổi đã bạc một màu vàng thời gian; phía bên kia là những dãy nhà dân cao tầng che hút nắng.

Cái phố nhỏ, hun hút này đã được người ta tận dụng làm nơi trông xe. Những dãy xe máy xếp đều tăm tắp càng tô thêm vẻ chật hẹp của con phố đã từng một thời bán chai lọ này. Một đầu phố để làm nơi trông xe, còn phía đầu kia là nơi bán hoa giả với cơ man là hoa nhựa với màu sắc, hình dáng sống động y như thật. 

Cái phố bé tí xíu là thế mà thỉnh thoảng trong bóng mờ hơi tối bởi những dãy tường cao che khuất ấy lại có những hàng ăn người xếp hàng chen chúc. Nổi tiếng nhất trong phố là hàng bún ốc cô Thêm có thâm niên mấy chục năm, khách phải đứng xếp hàng vào những giờ cao điểm; hàng chỉ bán bún ốc mà khách cầu kỳ muốn ăn thêm thịt bò tươi, giò chả thì phải chạy sang nhà hàng xóm mua thêm rồi mang qua tự chần lấy. Sự ăn uống có phần nhiêu khê nhưng vẫn có nhiều người ưa thích cái quán trong phố nhỏ này, có lẽ vì con ốc giòn béo, sậm sật thứ nước dùng chua chua, đậm đà của một hàng ăn có tiếng…

Phố Đông Thái lòng phố nhỏ hẹp, cũng như ngõ

Phố nghề thêu tay

Một con phố cũng hẹp và mảnh như ngõ là phố Yên Thái, con phố nổi tiếng với nghề thêu tay xưa. Làng thêu Yên Thái giờ đã không còn người làm nghề nữa, chỉ còn một con phố hẹp cứ nhỏ mãi nhưng không phải mọi dấu vết của làng xưa đã biến mất. Giữa phố vẫn còn một ngôi đình cổ có tên đình Thợ thêu, thờ ông tổ ngành thêu. Ông tổ nghề được Vua ban quốc tính là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (1606-1661), người làng Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Giai thoại kể về việc ông đi sứ thì thật ly kỳ. Khi ông bị người ta nhốt trên một cái lầu cao không có thang xuống, ông đã mày mò tìm ra cách sống sót bằng cách ăn… tượng Phật làm bằng chè lam, uống nước trong chum và học được nghề thêu bằng cách gỡ những bức trướng trang trí trên lầu xuống, tháo chỉ ra và thêu lại. Khi về nước, ông truyền nghề cho dân làng Quất Động và từ đó nghề thêu lan ra các nơi khác…

Giáp giao với phố Yên Thái có một con ngõ với cái tên rất gợi nhớ - ngõ Tạm Thương. Điểm đáng chú ý nhất của cái ngõ này là có ngôi đình của làng Yên Thái xưa, thờ Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Yến) người huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bà Nguyên phi Ỷ Lan nổi tiếng trong lịch sử bởi hai lần nhiếp chính thay Vua. Giữa không gian phố xá chật hẹp bỗng có một không gian cổ kính thoang thoảng mùi hương trầm và lọt vào ngôi đình ấy như thấy mùi vị thời gian trở lại… 

Phố Yên Thái giờ vẫn hẹp và giản dị như xưa. Phố hẹp giờ gần giống như một cái chợ nhỏ với những hàng thịt cá, hoa quả bày bán thụt lùi vào trong những ngôi nhà thấp lè tè. Những khoanh thịt bò đỏ thẫm, thịt lợn đỏ tươi, xoài vàng, cam xanh, lê trắng… bày ra một sự sống động như trang điểm thêm cho con phố bình dị này.

Phố Cổng Đục được cho là con phố hẹp nhất, giống với ngõ nhất

Phố như ngõ

Một con phố nữa, cũng không rộng rãi là mấy mà còn ngắn tí là phố Đông Thái, gần với Chợ Gạo. Lòng phố nhỏ hẹp, ít người qua lại. Trong con phố này ngày trước có một ngôi đình nhỏ của giáp Đông Thái xưa nhưng theo thời gian, dấu vết của ngôi đình đã biến mất, nay ở vị trí ngôi đình là hàng bán hàng quần áo thời trang.

Ở đầu phố Đông Thái có một hàng bán bún đậu mắm tôm khá có tiếng. Gọi là bún đậu mắm tôm nhưng hàng bán đủ cả: thịt chân giò, giả cầy, chả cốm... Vì phố ít người qua lại nên người ta bày luôn những cái bàn ăn ra lòng phố; gọi một suất ăn có bún trắng tinh, đậu rán giòn rụm, thịt chân giò luộc thái khoanh có đủ bì, nạc, dưa chuột chẻ tư, bát mắm tôm rưới mỡ sôi, vắt thêm quả chanh, điểm thêm vài lát ớt tươi, là đã có một bữa trưa ngon miệng với đủ màu sắc và hương vị.

Nhưng nếu nói một con phố hẹp nhất, giống với ngõ nhất và có một sự tích ly kỳ thì phải nói đến phố Cổng Đục. Ngay cái tên Cổng Đục đã gợi sự tò mò rồi. Thuyết thứ nhất cho rằng tên này có từ thời Trần khi Vua Lý Huệ Tông bị bức tử ở chùa Chân Giáo, Trần Thủ Độ sợ vụ việc lan ra sẽ làm kinh động dân chúng nên đã không đưa thi thể Vua qua cổng chính mà đục một lỗ trên tường thành đưa ra an táng ở phường An Hoa.

Thuyết thứ hai cho rằng, tên Cổng Đục mới chỉ xuất hiện từ thời Pháp vào quãng những năm 1879, trước khi thành Hà Nội bị phá, binh lính trong thành muốn ra ngoài mua bán cho tiện đã đục tường thành làm một lối đi cho nhanh và tiện nhưng cũng có ý kiến cho rằng cả hai thuyết này đều có chỗ chưa thật xác đáng về phương hướng nơi tường thành bị đục. Có lẽ cần thêm thời gian và tư liệu để giải thích xác đáng cho tên gọi của con phố này.

Gọi là phố nhưng Cổng Đục nhỏ và hẹp như một cái ngõ. Đi bộ thong thả trong con phố thuộc loại hẹp nhất này sẽ cảm nhận được sự yên bình, yên ả của nó. Ở bên ngoài ồn ào đông đúc nhưng trong phố thì tĩnh lặng, êm đềm, gần như tách biệt với bên ngoài. Những ngôi nhà sơn màu vàng xây từ hồi đầu thế kỷ trước tạo một sự cổ kính, nhuốm màu thời gian và một đoạn đầu phố nguyên là mặt sau của những tòa nhà phố Đường Thành càng gợi thêm vẻ lặng lẽ, yên bình.

Trong một sáng mù trời, mưa phùn lấm tấm, nhìn những người già co ro trong những chiếc áo mưa đi chậm trong phố chợt thấy thời gian như đọng lại từ lâu lắm rồi. Cứ tưởng là phố thì nơi nào cũng đông đúc, nhộn nhịp nhưng đôi chỗ, phố đã hòa vào ngõ, phố là ngõ mà nhuốm màu thời gian, thi vị, làm nên vẻ cổ kính, yên bình cho đất kinh kỳ.

Nhà văn Uông Triều